Luật sư đề nghị xem xét hành vi 2 em gái ông Trịnh Văn Quyết là giúp sức giản đơn

Ngày 27-7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét xử 50 bị cáo trong vụ án sai phạm liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - Tập đoàn FLC). Trong ngày, các luật sư bào chữa cho các bị cáo tiếp tục trình bày quan điểm luận tội.

Trước đó, bị cáo Lê Hải Trà (cựu Phó Tổng Giám đốc Sàn Giao dịch Chứng khoán TPHCM - HOSE) bị đề nghị mức án 6-7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng ngày, luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Trà cho rằng, bị cáo Trà không trực tiếp chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ đăng ký niêm yết và sớm chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros trên sàn HOSE. Theo luật sư, quá trình khai báo tại giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Trà đã nhìn nhận trách nhiệm của mình, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

“Mặc dù hành vi của bị cáo không bị quy buộc trách nhiệm về mặt dân sự, nhưng với nhận thức và trách nhiệm của mình, bị cáo Lê Hải Trà đã vận động gia đình xin tự nguyện nộp khoản tiền 100 triệu đồng nhằm khắc phục một phần hậu quả vụ án”, luật sư nói và đề nghị hội đồng xét xử xem xét bối cảnh, nguyên nhân, hoàn cảnh nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, những cống hiến trong quá trình công tác tại HOSE để từ đó có đường lối khoan hồng, giảm nhẹ đáng kể so với mức án đề nghị.

 Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế

Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế

Liên quan tới vụ án, quá trình luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị tuyên phạt 2 em gái ông Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) và Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) lần lượt các mức án 17-19 năm tù và 10-12 năm tù cho 2 tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, luật sư Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết bản thân bị cáo Huế chỉ thực hiện theo chỉ đạo của anh trai. Trong gia đình, Huế là em. Trong công ty, ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT, là người có quyền quyết định cao nhất. Do đó, việc bị cáo Huế nghe theo chỉ đạo của anh trai tại công ty là một phần của công việc. Nếu Huế không thực hiện thì công việc đó có thể được giao cho nhân viên khác.

“Bà Huế chỉ là người thực hành, thực hiện một phần trong chuỗi các hành vi tăng vốn theo chỉ đạo”, luật sư nói và cho rằng thân chủ của mình cũng không được biết, không thể biết về chủ trương niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty Faros.

Luật sư cũng nhấn mạnh, bị cáo Huế không được hưởng lợi, không được hứa hẹn về khoản lợi ích sẽ được nhận từ việc thực hiện các hành vi theo chỉ đạo. Từ đó, luật sư Nhung đề nghị hội đồng xét xử xác định bị cáo Trịnh Thị Minh Huế chỉ là đồng phạm thực hành, giúp sức giản đơn cho anh trai.

Trong khi đó, luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, cho rằng mức án đề nghị của Viện kiểm sát đối với bị cáo Nga là quá nghiêm khắc. Luật sư Phúc nhấn mạnh, bị cáo không kêu oan, kêu sai, chỉ xin hội đồng xét xử giảm nhẹ tối đa hình phạt, vì mặc dù là em gái ông Quyết, nhưng chỉ là người làm công, ăn lương, không được hưởng lợi. Luật sư Phúc đề nghị tòa xem xét cho bị cáo Nga được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt.

Theo luật sư, tại phiên tòa, bị cáo đã nhờ gia đình nộp khắc phục thêm 100 triệu đồng, tổng số tiền đã nộp là 200 triệu đồng dù bị cáo chỉ là người làm công, ăn lương và không được hưởng lợi ích vật chất. Bị cáo tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án, có bố chồng là thương binh, tham gia quân ngũ có xác nhận của chính quyền địa phương. Bản thân bị cáo Nga tình trạng sức khỏe yếu, nhiều bệnh nền cần được điều trị y tế, hồ sơ bệnh án đã nộp kèm hồ sơ xin bảo lãnh do gia đình bị cáo nộp trong giai đoạn điều tra và truy tố. Hiện bị cáo đang bị tạm giam.

Gia đình bị cáo có 3 người con thì cả 3 anh em đều vướng lao lý trong vụ án, không còn người ai để thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Trong đó, bị cáo Quyết và bị cáo Huế bị truy tố nặng hơn, tính chất mức độ hành vi của bị cáo Nga hạn chế và thấp hơn nhiều.

Luật sư Phúc đề nghị hội đồng xét xử xem xét không buộc bị cáo phải tiếp tục cách ly khỏi xã hội thêm để bị cáo có điều kiện chữa bệnh.

Hai luật sư của bị cáo Nga và bị cáo Huế cũng đều nêu các tình tiết giảm nhẹ chung với ông Quyết như gia đình nhân thân, lai lịch, gia đình có công với cách mạng của các thế hệ cũng như việc được 88 bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo cáo trạng, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga được Trịnh Thị Minh Huế giao ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư của Công ty Faros để hợp thức nâng khống vốn góp. Theo đó, bị cáo Nga đã ký 6 hợp đồng nhận ủy thác đầu tư của Công ty Faros, với tổng số tiền 368 tỷ đồng để nâng khống vốn góp từ 1.125 tỷ lên 3.500 tỷ đồng; ký 50 ủy nhiệm chi chuyển hơn 1.327 đồng để Huế hợp thức hóa, che giấu số vốn góp khống.

Bên cạnh đó, bị cáo Nga trực tiếp nhờ 3 nhân viên cấp dưới ký 17 hợp đồng nhận tiền ủy thác đầu tư với tổng số tiền 880,1 tỷ đồng của Công ty Faros để hợp thức nâng khống vốn góp và mượn chứng minh nhân dân của nhân viên để đưa cho Huế sử dụng mở 10 tài khoản chứng khoán mua bán cổ phiếu ROS.

Trong khi đó, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị cáo buộc thực hiện chỉ đạo của anh trai, đã nhờ 45 cá nhân có quan hệ gia đình, đứng tên lập hồ sơ, thủ tục để thành lập 20 công ty và mở 500 tài khoản tại 43 công ty chứng khoán. Từ ngày 26-5-2017 đến ngày 10-1-2022, Huế đã sử dụng 190/500 tài khoản chứng khoán và 83 tài khoản ngân hàng để liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán khớp chéo; mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa; đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh... nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng 4 mã cổ phiếu HAI, GAB, ART và FLC, giúp anh trai thu lợi bất chính số tiền hơn 684 tỷ đồng.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/luat-su-de-nghi-xem-xet-hanh-vi-2-em-gai-ong-trinh-van-quyet-la-giup-suc-gian-don-post751268.html