Luật sư kiến nghị bỏ bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe máy
Theo luật sư, có nhiều lý do để việc mua bỏ hiểm TNDS bắt buộc đối với xe máy đã không đảm bảo được mục đích đề ra. Vì vậy, các cơ quan liên quan cần xem xét để tiến hàng sửa đội các quy định pháp luật, tiến tới loại bỏ việc bắt buộc mua loại bảo hiểm này.
Liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc đối với loại hình xe máy đang gây tranh cãi, ngày 23/5, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Đoàn LSTP Hà Nội) thẳng thắn kiến nghị nên loại bỏ việc bắt buộc mua bảo hiểm TNDS đối với chủ phương tiện xe máy, xe cơ giới. Các bộ ngành, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét để tiến hành sửa đổi các quy định của pháp luật, đặt ra lộ trình phù hợp để xử lý vấn đề này.
Bởi lẽ, việc mua bảo hiểm TNDS bấy lâu nay đã không đảm bảo được mục đích đề ra.
Luật sư Hoàng Tùng phân tích, bảo hiểm TNDS bắt buộc đã không có hiệu quả, vai trò của loại hình bảo hiểm bắt buộc này không phát huy được vai trò, mục đích của việc đảm bảo quyền lợi.
Khi có tai nạn xảy ra thì thủ tục bồi thường quá phức tạp và gây khó khăn cho người thụ hưởng.
Đơn cử như khi gặp tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn. Đồng thời, thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương.
Chủ xe không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của DN bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn...
Đặc biệt, ngoài bản thông báo tới DN bảo hiểm với hàng loạt thông tin phải kê khai, chủ xe phải hoàn thành, tập hợp đủ tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, gồm: giấy phép lái xe, giấy ra viện, hồ sơ bệnh án, hóa đơn sửa chữa, thay thế phụ tùng phương tiện tại cơ sở mà DN bảo hiểm chỉ định... và phải gửi tới DN bảo hiểm trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng).
Tất cả các giấy tờ chứng minh đó phải hợp pháp thì mới được cơ quan bảo hiểm tiến hành thanh toán. Nếu xảy ra tai nạn dẫn đến chết người, thì đã có quy định về việc truy cứu TNHS, cơ quan chức năng sẽ phối hợp để làm rõ vụ việc, các giấy tờ, biên bản để lập thành hồ sơ hoàn chỉnh. Chính hồ sơ này cũng là căn cứ để cơ quan bảo hiểm tiến hành chi trả, đền bù.
Tuy nhiên, trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, tự thỏa thuận giải quyết bồi thường cho nhau thì hồ sơ này, người thụ hưởng phải tự chứng minh, tự thu thập chứng cứ để cung cấp bên bảo hiểm. Điều này gây trở ngại rất lớn.
Thứ hai, việc bắt buộc điều khiển xe máy phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm là một sự lạm dụng của cơ quan công quyền và công ty bảo hiểm.
Bởi, việc mang theo bảo hiểm là theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tại Điều 58 Khoản 2 điểm d), tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã nâng mức xử phạt nếu không có hoặc hết hạn phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Trong khi trước kia chỉ phạt từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng
Hơn nữa, việc tổng kiểm tra chủ yếu tập tung vào các đối tượng sử dụng xe không đúng quy định, xe gian và nhằm mục đích tăng cường đảm bảo ATGT đường bộ. Tuy nhiên, việc đảm bảo ATGT đường bộ vẫn luôn được thực hiện thường xuyên thông qua việc lập chốt kiểm tra, tuần tra. Vì thế, việc tổng kiểm tra này nếu không cẩn thận sẽ bị hiểu là kỳ bội thu của bảo hiểm.
Như vậy, sẽ làm sai ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm, Bởi bảo hiểm là tính đến giá trị xã hội, giá trị bù đắp đối với sự kiện rủi ro xảy ra để phòng trừ rủi ro. Khi các chủ phương tiện muốn tham gia bảo hiểm, thấy rằng có lợi ích. Thực tế, các chủ phương tiện, mua bảo hiểm chỉ để chống chế, tránh bị phạt chứ không phải vì mục đích xã hội nêu trên.
Thứ ba, thực tiễn khi có va chạm, tai nạn xảy ra thì các bên thường sử dụng biện pháp tự thỏa thuận hoặc sử dụng các phán quyết của Tòa án để thực hiện trách nhiệm bồi thường của mình.
Bởi trách nhiệm bồi thường của các cá nhân khi điều khiển xe máy, phương tiện cơ giới khi gây ra tai nạn luôn luôn được đặt ra. Việc nhanh chóng khắc phục với bên bị nạn được xem là một căn cứ đề xem xét giảm nhẹ trách nhiệm đối với pháp luật. Vì thế, nếu đợi bảo hiểm trong mòn mỏi, vất vả để được chi trả thì là một điều bất lợi, khó khăn đối với người dân.
Vì thế, luật sư Hoàng Tùng thẳng thắn: "Việc mua bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với xe máy, xe cơ giới đã không đảm bảo được mục đích đề ra. Thay vì để tồn đọng nhiều nguy cơ dẫn đến sai phạm, trục lợi bảo hiểm và gây khó khăn cho người dân thì không nên bắt buộc người dân mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự".
Do đó, luật sư Hoàng Tùng kiến nghị: "Nên loại bỏ việc bắt buộc mua bảo hiểm TNDS đối với chủ phương tiện xe máy, xe cơ giới. Các bộ ngành, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét để tiến hành sửa đổi các quy định của pháp luật, đặt ra lộ trình phù hợp để xử lý vấn đề này".