Luật sư nói gì khi khách hàng 'bị ép' mua ô tô?

Nhằm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, khi mua xe, người mua nên đọc kỹ các quy định trong biên bản thỏa thuận đặt cọc giữa hai bên.

Mới đây, trên một số trang mạng xã hội về ô tô, một số bài viết chia sẻ về việc khách hàng “bị ép” mua xe vì nội dung trong hợp đồng đặt cọc có những điều khoản khiến cho người mua xe có những bất lợi.

Khi thị trường ô tô khan hiếm, nhiều dòng xe thay đổi giá bán nên gây ảnh hưởng đến việc ký kết hợp đồng mua xe hơi trước đó. Ảnh: TN

Khi thị trường ô tô khan hiếm, nhiều dòng xe thay đổi giá bán nên gây ảnh hưởng đến việc ký kết hợp đồng mua xe hơi trước đó. Ảnh: TN

Dù mỗi một trường hợp là một quy định với nội dung khác nhau, tuy nhiên các luật sư khuyên rằng người ký hợp đồng đặt cọc cần lưu ý một số vấn đề.

Trao đổi với PLO, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết theo quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015, đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của pháp luật dân sự. Việc đặt cọc chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện quy định của BLDS và phải được lập thành văn bản.

“Trong trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng hoặc chỉ để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hoặc vừa để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng vừa để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng thì bên nào có lỗi làm cho hợp đồng không được giao kết hoặc không được thực hiện hoặc bị vô hiệu, thì phải chịu phạt cọc theo quy định của BLDS”- luật sư nói.

Cũng theo luật sư, trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng mới có sự vi phạm làm cho hợp đồng không được thực hiện hoặc mới phát hiện hợp đồng bị vô hiệu thì không phạt cọc. Việc giải quyết tranh chấp về vi phạm hợp đồng hoặc xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo thủ tục pháp luật hiện hành.

“Nhằm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, khi mua xe, người mua nên đọc kỹ các quy định trong biên bản thỏa thuận đặt cọc giữa hai bên”- luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Luật sư Tuấn cũng cho biết thêm, trong trường hợp không có thỏa thuận nào khác, khi đại lý đã nhận tiền đặt cọc mà không có xe để bán cho người tiêu dùng, thì đại lý phải trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương với số tiền mà người tiêu dùng đã đặt cọc.

Khoản đặt cọc này, theo Điều 328 – Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, là để “đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”

“Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

“Hiện nay, các đại lý ô tô thường có những bản hợp đồng soạn trước, khách hàng chỉ biết ký tên và mua, ít ai kiểm tra kỹ các điều khoản của hợp đồng, nên khi phát sinh như giá tăng, chưa giao xe…bất lợi thường ở phía người mua”- luật sư Tuấn cho hay.

Luật sư cũng phân tích thêm, khách hàng cần xem kỹ, để ký, sau này có cơ sở nhằm xác định lỗi trong hợp đồng đặt cọc, khi có vi phạm của một bên hoặc cả hai bên chủ thể tham giao dịch, như là để “phạt cọc” hay “không phạt cọc”…

“Nếu khách hàng đã đặt cọc và chấp nhận giá ghi cụ thể trong Hợp đồng, thì mọi vấn đề tăng giá, khách hàng không đồng ý. Bán xe hay không bán các bên không thương lượng được thì khởi kiện ra Tòa án giải quyết”- luật sư nói.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/luat-su-noi-gi-khi-khach-hang-bi-ep-mua-o-to-post692377.html