Luật sư nói gì về việc tắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trên Youtube?
Tối 6-12, tại trận đấu giữa Việt Nam và Lào trong khuôn khổ AFF Suzuki Cup 2020 được truyền hình trực tiếp đã có hiện tượng tắt tiếng Quốc ca Việt Nam trên Youtube khiến dư luận bức xúc. Nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành, hành vi này có đúng luật?
Tối 6-12, trên Youtube, khi theo dõi tường thuật trực tiếp trận đấu giữa Việt Nam và Lào, nhiều khán giả bất ngờ thấy hiện dòng chữ “vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”.
Bài hát Tiến quân ca đã được cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhân dân và Tổ quốc và hiện có nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, đã đăng ký và sở hữu bản quyền với bản ghi bài hát này trên Youtube.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Như vậy, theo Luật sư Thanh Hà, quyền tác giả của Quốc ca thuộc về cố nhạc sĩ Văn Cao, song ông đã trao quyền tác giả cho Nhà nước và Nhân dân. Do đó, đây được xem là quyền của toàn dân, ai cũng có thể sử dụng mà không cần phải xin phép. Các bản ghi, cuộc biểu diễn, ghi hình, chương trình phát sóng… của cá nhân, tổ chức khác là quyền liên quan đến quyền tác giả.
Khoản 9 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 nêu rõ, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình; Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.
Như vậy, nếu cá nhân, tổ chức sử dụng các bản ghi Quốc ca của các đơn vị sản xuất thì phải xin phép các đơn vị này do họ có quyền liên quan.
“Quốc ca thuộc bản quyền của toàn dân, ai cũng có thể sử dụng mà không cần xin phép, nhưng bản ghi Quốc ca thì do đơn vị sản xuất nắm giữ bản quyền là BH Media” – Luật sư Thanh Hà nhấn mạnh.
Cũng theo Luật sư Thanh Hà, cá nhân, tổ chức khi đăng tải, sử dụng các bản ghi Quốc ca của các nhà sản xuất âm nhạc không xin phép có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 28 hoặc Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng với hành vi sử dụng bản ghi bài hát đã công bố nhằm mục đích thương mại trong nhà hàng, khu du lịch, cửa hàng, siêu thị mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, nhà sản xuất âm nhạc.
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng với hành vi dùng bản ghi bài hát đã công bố nhằm mục đích thương mại mà không trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả, nhà sản xuất âm nhạc.
Phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đối với hành vi dùng bản ghi bài hát đã công bố nhằm mục đích thương mại tại quán karaoke, công ty bưu chính, trên mạng mà không trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả, nhà sản xuất âm nhạc.
Mức phạt tiền sẽ tăng lên từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền, của nhà sản xuất…