Luật sư nói gì về vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam?
Về vụ việc Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) nợ lương giáo viên,trên 1.200 học sinh phải nghỉ học vì giáo viên không đến trường, phóng viên báo Tin tức đã có trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Vũ Quyết Tiến, thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Luật GLOBALINK.
Thưa Luật sư, ông có đánh giá gì từ những thông tin về tình hình trường AISVN cho học sinh nghỉ học do nợ lương giáo viên?
Qua những thông tin tôi được tiếp nhận, thì có vài tình tiết mà trường AISVN đã làm sai luật.
Cụ thể, trong 5 năm qua, nhiều phụ huynh đã cho AISVN vay tiền với hình thức góp vốn tài chính đầu tư, khi nào học sinh học xong 12 năm hoặc chuyển đi thì trường sẽ hoàn lại số tiền này, coi như con được học miễn phí. Có phụ huynh góp vài trăm triệu đồng đến 15 tỷ đồng; có phụ huynh cho vay nhiều lần, giá trị hợp đồng cho vay tùy thời điểm và một hợp đồng ít nhất là 100.000 USD.
Thế nhưng, trường AISVN đột ngột thông báo cho trên 1.200 học sinh nghỉ học vì giáo viên không đến trường, chủ trường (bà Nguyễn Thị Út Em) cho hay đã nợ lương, bảo hiểm xã hội của giáo viên khoảng 2 tháng và đến nay vẫn chưa ổn định lại việc dạy học.
Trong cuộc họp với phụ huynh hôm 17/3, đại diện nhà trường thông tin 95% giáo viên không đi dạy vào ngày thứ Hai (18/3) vì các khoản lương, bảo hiểm chưa được thanh toán. Do đó, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường, đã quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 18/3.
Trước đó vào tháng 9/2023, nhiều phụ huynh đã kéo đến trường AISVN, yêu cầu bà Út Em thanh toán tiền theo hợp đồng hoàn vốn. Những phụ huynh này cho biết có con từng học tại trường, được đào tạo chính khóa và miễn học phí trong suốt thời gian học. Điều kiện là phụ huynh sẽ cho trường vay tiền. Nhà trường sẽ hoàn trả số tiền vay khi học sinh học hết lớp 12 và hoàn tất thủ tục chấm dứt chương trình đào tạo chính khóa hoặc hoàn tất các thủ tục ngưng học tại trường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết con của họ kết thúc thời gian học tại trường đã lâu nhưng vẫn chưa được hoàn trả tiền. Các phụ huynh sau đó đã làm đơn gửi lên Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Út Em cho biết, “khoản nợ học phí” được nhắc đến thực chất là số tiền đầu tư giáo dục mà nhà trường ký kết với phụ huynh thông qua Hợp đồng Đầu tư giáo dục và sẽ được hoàn trả lại sau 5 đến 15 năm học sinh theo học tại trường. "Việc này chúng tôi đã thực hiện rất tốt trước đây là cung cấp chương trình đào tạo chính khóa miễn phí cho học sinh và hoàn trả số tiền đầu tư giáo dục đúng hạn", bà Út Em thông tin.
Với những thông tin trên, tôi nhận thấy có một số điểm chưa rõ, cần xác minh tính chính xác. Thứ nhất, việc các phụ huynh cho trường AISVN vay hay ký hợp đồng đóng gói tài chính với mục đích là gì và như thế nào?
Bởi theo căn cứ Điều 95 của Luật Giáo dục 2019 có quy định, nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục bao gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nguồn thu từ dịch vụ giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục; nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; lãi tiền gửi ngân hàng và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước; nguồn vốn vay; nguồn tài trợ, viện trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Theo như thông tin trong thời gian gần đây thì việc phụ huynh cho trường AISVN vay thực chất là đóng gói đầu tư. Như vậy, đây là các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục được quy định theo Luật Giáo dục. Tuy nhiên, cần phải làm rõ nhà trường sử dụng gói đầu tư có đúng mục đích và phù hợp với thỏa thuận giữa các bên hay không? Có tuân thủ pháp luật về dân sự hay pháp luật về đầu tư hay không? Vì hiện nay, có một số lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo luật định, các bên không chỉ tuân thủ các điều kiện riêng về luật chuyên ngành còn phải tuân thủ điều kiện chung về điều kiện luật đầu tư.
Vậy thưa ông, với đánh giá trên, trường AISVN sai luật như thế nào?
Từ những phân tích trên và căn cứ vào Luật Giáo dục 2019 về việc cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi hoặc lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc góp tiền hoặc hiện vật, tôi nhận thấy trường AISVN có vài điểm không phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 21. Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục
1. Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tín, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội.
2. Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi.
Điều 22. Các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.
2. Xuyên tạc nội dung giáo dục.
3. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
4. Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.
5. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
6. Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
Theo điểm b, c khoản 2 Điều 49 Luật Giáo dục 2019, nhà trường được phép hoạt động giáo dục khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học, trình độ đào tạo; có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục; có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục…”.
Căn cứ vào những điểm trên, trường AISVN đã vi phạm vì không bảo đảm nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động giáo dục. Nguyên nhân, toàn bộ số tiền mà các phụ huynh cho vay và đầu tư cho nhà trường hiện nay không rõ đã đi đâu, dẫn đến việc nhà trường không bảo đảm nguồn lực tài chính cho việc dạy học. Mặt khác, nếu nhà trường không thể giải trình về nguồn tiền sử dụng đúng mục đích mà phụ huynh cho vay hoặc đầu tư thì điều đó có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ dân sự của hợp đồng, kể cả vi phạm pháp luật hình sự.
Ngoài ra, với việc nợ của lương giáo viên, nhà trường còn vi phạm về các nghĩa vụ đóng các loại thuế thu nhập cá nhân và các khoản tiền Bảo hiểm xã hội theo luật định mà người lao động và người sử dụng lao động buộc phải có nghĩa vụ thực hiện với nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Tháng 8 năm 2006, bà Nguyễn Thị Út Em đã thành lập Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) với tầm nhìn một trường quốc tế phổ thông liên cấp, từ cấp mẫu giáo đến lớp 12, không giới hạn về số lượng học sinh là người Việt Nam, hoạt động theo tiêu chí phi lợi nhuận.
Học phí của trường từ mầm non đến lớp 12 là từ 280 triệu - 725 triệu đồng/năm, là 1 trong những trường phổ thông có mức học phí đắt đỏ nhất TP Hồ Chí Minh. Mức học phí trên chưa tính hàng loạt các khoản phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương trình phát triển Anh ngữ, các chương trình hoạt động trải nghiệm học tập thực tế, các bài thi của tổ chức bên ngoài...
Phí hồ sơ đầu vào mỗi học sinh từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng tùy cấp học. Phí ghi danh của trường theo từng khối lớp, dao động từ 25 đến 45 triệu đồng. Phí chương trình phát triển Anh ngữ bổ sung từ 40 đến 50 triệu đồng/năm.