Luật sư nói gì vụ tàu lượn trượt ray làm chết người ở Đảo Ngọc Xanh?
Luật gia cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ hệ thống tàu lượn có đảm bảo tiêu chuẩn, tuân thủ quy định về bảo trì và vận hành trong quá trình sử dụng hay không để quyết định hình thức xử lý.
Vào khoảng 12h30’ ngày 14/1, khi một nhóm học sinh đang ngồi chơi trên tàu lượn siêu tốc tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (do Công ty Cổ phần Ao Vua quản lý có địa chỉ tại thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) thì bất ngờ 1 đường ray bị văng ra.
Vụ việc khiến em L.T.A. (17 tuổi, ở thị trấn Đông Anh, Hà Nội) chấn thương ở phần đầu. Dù được cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi do vết thương quá nặng.
Ngoài ra, em N.L.P. (17 tuổi) bị các vết thương phần mềm tay phải và học sinh N.P.H. (17 tuổi, cùng ở huyện Đông Anh, Hà Nội) chấn thương phần đầu, bụng sau sự cố.
2 học sinh bị thương được đưa đi cấp cứu ở Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy, sau đó được chuyển đi điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Liên quan đến vụ việc trên, UBND huyện Thanh Thủy yêu cầu Công ty Cổ phần Ao Vua tạm dừng các hoạt động kinh doanh tại khu vui chơi giải trí cộng đồng thuộc Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh từ ngày 14/1 đến khi có kết luận của các cơ quan chức năng.
Trước đó, Công ty Cổ phần Ao Vua đã tiến hành ký hợp đồng với Công ty Tour du lịch Hùng Vương TP. Hà Nội, đưa đoàn học sinh trường THPT Đông Anh lên khu du lịch Đảo Ngọc Xanh để trải nghiệm và học tập thực tế thì xảy ra sự việc.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên khu du lịch Đảo Ngọc Xanh ở Phú Thọ xảy ra tai nạn liên quan đến các trò chơi. Trước đó, năm 2014, trò chơi đu quay tại đây cũng đã xảy ra sự cố khiến 6 học sinh bị thương.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng đây là một vụ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại đến tính mạng của học sinh và thương tích cho một số em khác. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hệ thống tàu lượn này có đảm bảo tiêu chuẩn, kĩ thuật, tuân thủ quy định về bảo trì, bảo dưỡng và vận hành trong quá trình sử dụng hay không.
Cũng theo Luật sư Cường, đây là loại trò chơi mạo hiểm được nhiều em học sinh, thanh thiếu niên ưa thích. Bởi tính chất mạo hiểm của nó mà việc quản lý, vận hành, sử dụng cũng được quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Đơn vị lắp đặt, vận hành loại thiết bị, trò chơi này phải đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật, quy trình về việc bảo dưỡng, bảo trì, kiểm tra, sửa chữa kịp thời những lỗi, hư hỏng phát sinh. Phương tiện này chỉ được phép hoạt động khi đã đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật, đảm bảo an toàn của đơn vị thiết kế và có xác nhận của cơ quan chức năng.
Trường hợp đơn vị sử dụng đã tuân thủ các quy định về lắp đặt, bảo quản, bảo dưỡng, quy trình sử dụng theo quy định nhưng việc tai nạn vẫn xảy ra, ngoài ý chí chủ quan của đơn vị quản lý sử dụng thì trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra, tuy nhiên đơn vị này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân bao gồm thiệt hại đến tính mạng và thiệt hại đến sức khỏe, tài sản theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cũng cho biết, trong trường hợp có căn cứ cho thấy tàu lượn này chưa được cơ quan chức năng cho phép đưa vào sử dụng hoặc có lỗi trong quá trình quản lý, vận hành dẫn đến hậu quả tai nạn nghiêm trọng thì người có chức trách nhiệm vụ có liên quan sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp theo Điều 129 Bộ luật hình sự.
Như vậy, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định có lỗi trong công tác quản lý, sử dụng loại trò chơi mạo hiểm này thì người có lỗi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt là phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trường hợp làm chết 2 người trở lên thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Đây không phải là vụ tai nạn tàu lượn đầu tiên ở nước ta, trước đó đã có một vài vụ dẫn đến hậu quả thương vong cho người sử dụng. Bởi vậy cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát tất cả các phương tiện trò chơi nguy hiểm, tăng cường công tác quản lý để tránh những vụ việc tai nạn tương tự có thể xảy ra.