Luật sư nói về tranh cãi bản quyền tác giả phim Trạng Tý

Giám đốc Công ty Luật TGS cho rằng nhà sản xuất Ngô Thanh Vân không vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ khi mua bản quyền phim Trạng Tý từ Công ty Phan Thị.

Phim Trạng Tý là tác phẩm điện ảnh Việt được chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thực hiện. Phim dự kiến công chiếu vào 1/5/2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phải lùi thời gian tới ngày 12/02.

Tuy nhiên càng đến gần ngày công chiếu, những câu chuyện về bản quyền tác giả xoay quanh phim Trạng Tý lại khiến dư luận chú ý. Một số quan điểm cho rằng Ngô Thanh Vân đã vi phạm quyền tác giả khi tự ý ký hợp đồng với công ty TNHH truyền thông giáo dục và giải trí Phan Thị (“Công ty Phan Thị”) để đưa các nhân vật trong “Thần đồng đất Việt” lên phim Trạng Tý.

Đối với vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TGS (Thuộc Đoàn Luật sư Thành Phố Hà Nội) cho rằng nhà sản xuất Ngô Thanh Vân không vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ khi mua bản quyền từ công ty Phan Thị.

Bản án sơ thẩm năm 2019 về tranh chấp quyền tác giả liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt xác định họa sĩ Lê Linh là tác giả (người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm) duy nhất của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, còn Công ty Phan Thị là chủ sở hữu quyền tác giả.

Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2019 quy định về quyền của chủ sở hữu tác giả là tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả sẽ có quyền tài sản và một phần quyền nhân thân đối với tác phẩm nếu các bên không có thỏa thuận nào khác. Luật nêu rõ trường hợp các cá nhân, tổ chức khác khi khai thác, sử dụng một hoặc toàn bộ quyền tài sản sẽ phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Như vậy, họa sĩ Lê Linh, với tư cách là tác giả, sẽ có các quyền lợi về nhân thân để bản thân được tôn vinh, được nhớ đến với vai trò là người đã sáng tạo ra tác phẩm. Công ty Phan Thị với tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có các quyền lợi về tài sản để khai thác tác phẩm vào các mục đích thương mại hoặc phi thương mại.

Làm tác phẩm phái sinh như phim Trạng Tí chính là một cách khai thác mà chủ sở hữu quyền tác giả có độc quyền thực hiện theo quy định. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn (Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ).

Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ, quyền chuyển thể có thể do Công ty Phan Thị tự thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện.

Do vậy, Công ty Phan Thị có đầy đủ quyền để cho phép nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thực hiện chuyển thể tác phẩm. Việc Ngô Thanh Vân tìm đến Công ty Phan Thị để ký kết hợp đồng là đúng chủ thể.

Làm tác phẩm phái sinh phải đảm bảo quyền nhân thân của tác giả

Một trong các quyền nhân thân của tác giả được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ là “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Hình tượng nhân vật Trạng Tí vốn dĩ quen thuộc là hình ảnh chú bé có mái tóc trái đào, luôn mặc chiếc áo xanh có hình chữ S màu đỏ – biểu tượng của nước Việt Nam trước ngực. Đây là hình ảnh rất ý nghĩa, thể hiện trái tim cũng như tấm lòng yêu nước của nhân vật Tí nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, qua đoạn quảng cáo phim mới do nhà sản xuất phát hành trên các kênh truyền thông thì chi tiết hình chữ S màu đỏ – biểu tượng của nước Việt Nam trước ngực đã bị hay thế bởi hoa văn khác.

Do vậy, để sản xuất bộ phim Trạng Tí bảo đảm đúng quyền của tác giả, quyền của chủ sở hữu quyền tác giả theo đúng quy định luật Sở hữu trí tuệ, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn nên điều chỉnh lại tạo hình các nhân vật.

Tuy nhiên, khi được biết về vụ tranh chấp của họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã liên hệ với ông Lê Linh để thương lượng cũng đã thể hiện động thái tôn trọng tác giả và có thành ý. Hành động này của Ngô Thanh Vân có thể là cách thức để đảm bảo rằng bộ phim Trạng Tí không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Khái quát lại, theo quy định của pháp luật, tuân thủ nghiêm ngặt phán quyết của tòa án, việc nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thực hiện bộ phim Trạng Tí đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Tại Việt Nam, thực trạng phim chuyển thể từ truyện ngắn, tiểu thuyết đang dần phổ biến. Và không ít trong số đó cũng đã rất thành công, điển hình như “Mắt Biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Một trong những lý do chính dẫn đến thành công đó sự ủng hộ từ chính tác giả và độc giả của truyện.

Nhã Vy

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/luat-su-noi-ve-tranh-cai-ban-quyen-tac-gia-phim-trang-ty-d18255.html