LUẬT SƯ TRẦN SỸ TIẾN: KỲ VỌNG PHIÊN CHẤT VẤN SẼ BỔ SUNG CÁC GIẢI PHÁP TÍCH CỰC VÀ HIỆU QUẢ HƠN NỮA

Theo chương trình phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày (18/3) để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với 02 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao. Quan tâm tới phiên chất vấn, Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT nêu rõ, kết quả của mỗi phiên chất vấn luôn được nhân dân cả nước quan tâm; kỳ vọng sẽ đem lại các giải pháp tốt hơn, tích cực hơn và hiệu quả hơn trong xây dựng và phát triển đất nước.

Phóng viên: Ngày 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 02 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và lĩnh vực ngoại giao. Luật sư có nhận định như thế nào đối với nhóm vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn chất vấn?

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Qua theo dõi cho thấy, Ủy ban Thường vụ Quốc tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong thời gian 01 ngày (18/3/2024) đối với 02 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao.

Về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, tôi cho rằng, đây là những vấn đề hết sức cần thiết trong giai đoạn kinh tế và xã hội hiện nay. Như chúng ta đã biết, sau khủng hoảng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam không nằm ngoài những ảnh hưởng tiêu cực chung trên toàn thế giới. Chính vì vậy, việc xem xét, cân đối lại và điều chỉnh những chính sách quản lý về tài chính, kinh tế là việc phải khẩn trương thực hiện. Từ những thay đổi tích cực tầm vĩ mô của nền kinh tế sẽ tác động đến hoạt động của các ngành chủ lực của đất nước. Trong đó có các ngành như tài chính, công nghiệp, xây dựng, du lịch…

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT

Ở nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao, tôi cũng nhận thấy những điểm sáng trong thời gian vừa qua, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật. Để phát triển đất nước, không chỉ xây dựng các chính sách đối nội, mà cũng cần phát huy quan hệ đối ngoại. Hiện nay, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đang ngày càng tăng cao và được khẳng định vững vàng. Do vậy, việc thiết lập quan hệ song phương cũng như đa phương không chỉ mang lại lợi thế trong hoạt động chính trị mà còn đem lại hiệu quả trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới bạn bè thế giới, đẩy mạnh giao thương quốc tế, hợp tác kinh tế với các đối tác lớn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân Việt Nam tại nước ngoài.

Phóng viên: Trong các nhóm vấn đề trên, Luật sư quan tâm cụ thể đến những nội dung nào?

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Hai nhóm vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc lựa chọn để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đều cực kỳ quan trọng trong thực tế. Như đã trình bày, để phát triển đất nước, chúng ta cần thiết phải xây dựng các chính sách đối nội ổn định, song song đó phát huy quan hệ đối ngoại mang tầm chiến lược. Xây dựng chính sách quản lý tốt, song hành với công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ để mang lại hiệu quả cao.

Tôi rất quan tâm đến nội dung về công tác quản lý, giám sát các ngành trong lĩnh vực tài chính và công nghệ tài chính FINTECH, một chủ đề đang rất được ưu tiên trong giai đoạn chuyển đổi số nền kinh tế hiện nay. Những năm gần đây, nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ trên thế giới và ngay cả trong nước cũng đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng. Trong đó, công nghệ tài chính cũng được Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nói chung, các quy định về ngành tài chính đang được Việt Nam hoàn thiện rất tốt. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho việc phát triển công nghệ tài chính vẫn còn một số vấn đề đang trong thời kỳ thử nghiệm.

Chúng ta có thể hiểu, công nghệ tài chính là việc áp dụng các thành tựu công nghệ hiện đại vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Ví dụ như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, cho vay ngang hàng, quản lý tài sản... Những hoạt động này nhằm đem đến cho người dùng các dịch vụ tài chính hiệu quả, thuận tiện với chi phí phù hợp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống, quan trọng hơn là có thể thể hiện sự minh bạch trong giao dịch. Cho đến nay, chúng ta đang xây dựng quy định thử nghiệm công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và phi ngân hàng. Tôi cho rằng kinh tế trong nước hài hòa thì trật tự xã hội cũng sẽ tích cực hơn nữa.

Về lĩnh vực ngoại giao, tôi thực sự thấy những vấn đề về thúc đẩy thương mại quốc tế và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, pháp nhân tại nước ngoài rất đáng được lưu tâm. Những vấn đề này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra chất vấn tại phiên họp lần này là rất kịp thời.

Phóng viên: Luật sư có kỳ vọng như thế nào về kết quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Tôi cũng như hàng triệu người dân Việt Nam luôn mong muốn đất nước ngày một giàu đẹp. Kết quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn là những vấn đề được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm. Có chất vấn là có đào sâu suy nghĩ để đem lại các giải pháp tốt hơn, tích cực hơn và hiệu quả hơn để xây dựng và phát triển đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85411