Luật sư tư vấn tránh 12 sai lầm hay mắc phải của người khởi nghiệp

Luật sư Đào Thúy Hoàn, Giám đốc Hãng Luật & Sở hữu trí tuệ Encolaws cho biết, áp lực khi đi làm công, khát vọng được làm chủ để chủ động thời gian, đam mê kiếm tiền để nâng cấp cuộc sống cho bản thân và gia đình, có kỹ năng chuyên môn sau một thời gian đi làm và tích lũy... khiến rất nhiều bạn muốn tách ra để khởi nghiệp.

Luật sư Đào Thúy Hoàn

Đây là ước muốn hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu, tuy nhiên phần lớn người trẻ ra khởi nghiệp đều gặp một hoặc một số sai lầm sau đây:

1. Không tìm hiểu kỹ những khó khăn và thuận lợi khi khởi nghiệp, nghĩ đơn giản rằng mình có chuyên môn thì chỉ cần "ra riêng", tìm kiếm khách hàng để bán hàng là sẽ có thu nhập tốt hơn khi làm thuê => đếm cua trong lỗ.

"Vừa tuân thủ pháp luật của nhà nước, tránh vi phạm pháp luật, biết gieo trồng những hạt giống thiện lành và bảo toàn được giá trị công sức của mình" - Luật sư Đào Thúy Hoàn, Giám đốc Hãng Luật & Sở hữu trí tuệ Encolaws chia sẻ

"Vừa tuân thủ pháp luật của nhà nước, tránh vi phạm pháp luật, biết gieo trồng những hạt giống thiện lành và bảo toàn được giá trị công sức của mình" - Luật sư Đào Thúy Hoàn, Giám đốc Hãng Luật & Sở hữu trí tuệ Encolaws chia sẻ

2. Không có tầm nhìn, chưa tìm ra sứ mệnh của mình, không có mục tiêu rõ ràng, chưa biết xây dựng kế hoạch cụ thể, cứ lao vào hành động và nghĩ rằng đó là trải nghiệm tốt nhất => đi rừng không có la bàn, ra biển không thấy ngọn hải đăng;

3. Chỉ quan tâm bán hàng và marketing, không tìm hiểu kỹ và coi nhẹ về pháp lý và thuế, dẫn đến việc kiếm được bao nhiêu dùng bấy nhiêu để khắc phục hậu quả => xây nhà không móng;

4. Không hiểu hoặc coi thường việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, đến khi bị mất thương hiệu hoặc bị đơn vị khác đăng ký trước, quay sang cáo buộc vi phạm, lúc đó mới tá hỏa nhờ đến Luật sư Sở hữu trí tuệ để tìm phương án thì có xử lý được cũng tốn kém hơn nhiều về thời gian và tiền bạc so với việc đăng ký sớm => mất bò mới lo làm chuồng;

5. Không tu tâm tích đức, không tự chuyển hóa tâm thức bản thân để có nền tảng vững bền mà luôn đòi hỏi sự biết điều từ đối tác, khách hàng, nhân viên, cơ quan nhà nước… nghĩ rằng khởi nghiệp để làm giàu cho bản thân và gia đình vì ước vọng cá nhân => xây lâu đài trên cát.

6. Muốn doanh nghiệp phát triển nhưng chủ doanh nghiệp không chịu học hành để phát triển bản thân, không trở thành hiền tài nên không thể thu hút hiền tài, dùng nhân sự chất lượng thấp nên doanh nghiệp gặp nhiều rắc rối => dùng người tồi sinh vạ.

7. Đầu tư nhiều vào hình thức, văn phòng, máy móc thiết bị, hình ảnh, marketing… làm ăn chộp giật, không kiện toàn chất lượng sản phẩm dịch vụ nên càng ngày càng ít khách hàng do đầu tư tốn kém, không tạo được uy tín, kinh doanh không hiệu quả => hớt váng chỉ được nước đầu tiên.

8. Làm chủ doanh nghiệp nhưng lại ngại bán hàng, ngại giao lưu kết nối, thiếu chủ động, thiếu cam kết, ngại dậy sớm, ngại việc khó, không thích nghe góp ý....=> giàu đâu những kẻ ngủ trưa, khôn đâu những kẻ say sưa tối ngày.

9. Chưa đóng góp gì cho cộng đồng, xã hội, đất nước nhưng luôn kêu cả, phàn nàn, đổ lỗi, phán xét, chê trách, luôn đòi hỏi ở người khác => quân tử đòi hỏi bản thân, tiểu nhân yêu cầu người khác.

10. Học được một số kiến thức, kỹ năng nên luôn cho rằng mình đúng, mình mới là người biết tuốt, nói rất giỏi nhưng làm rất dở => Bệnh "I know" - tôi biết rồi" khó chữa hơn bệnh nan y.

11. Thuê thầy phong thủy về sắp đặt, kê xếp văn phòng rất cầu kỳ, hoành tráng nhưng chủ doanh nghiệp không thay đổi phong thủy cho chính con người mình => Có tài có đức mới mặc sức mà ăn.

12. Muốn mình thành công và giàu có nhưng luôn cò kè bớt một thêm hai để giảm doanh thu của đối tác cung cấp sản phẩm dịch vụ cho mình => gieo gì gặt nấy - Luật sư Hoàn nhấn mạnh.

Linh An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/luat-su-tu-van-tranh-12-sai-lam-hay-mac-phai-cua-nguoi-khoi-nghiep-20230527125140716.htm