Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được thông qua tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII vào ngày 25-11-2015 với tỷ lệ biểu quyết thông qua là 88,26% tổng số đại biểu Quốc hội. Tiếp đó, đầu tháng 12-2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố luật này.

Tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, do cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, truy nã khẩn cấp và đối với bị can, bị cáo nhằm cách ly họ khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định; ngăn chặn họ không tiếp tục phạm tội, ngăn chặn hành vi trốn tránh điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc để bảo đảm thi hành án hình sự. Trong những năm qua, việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã được tổ chức chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, bảo vệ tốt quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được thông qua tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII vào ngày 25-11-2015 với tỷ lệ biểu quyết thông qua là 88,26% tổng số đại biểu Quốc hội. Tiếp đó, đầu tháng 12-2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố luật này.

Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an (đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo), Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 11 chương, 73 điều. Chương I-Quy định chung, gồm 9 điều, quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý; thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; giám sát việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; những hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam.

Các chương tiếp sau quy định những nội dung gồm: Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam; bảo đảm điều kiện quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; và một chương về điều khoản thi hành.

Liên quan đến Chương III-Chế độ quản lý giam giữ, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh giải thích thêm: Chế độ quản lý giam giữ gồm 11 điều (từ Điều 16 đến Điều 26), quy định về tiếp nhận, phân loại quản lý, chế độ quản lý, thực hiện trích xuất, chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tam giam; kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ; quản lý đồ vật, tư trang, tiền, tài sản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bỏ trốn; giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bị chết.

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

NHẤT NGÔN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/luat-thi-hanh-tam-giu-tam-giam-465208