Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ban hành sớm ngày nào đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản sớm cho người dân ngày đó

Với tính cấp bách hiện nay đang xảy ra nhiều bất cập trong thực tiễn nên nếu Luật được ban hành sớm ngày nào thì khắc phục được ngày đó với tinh thần cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Ngày 10/4, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP và AN) của Quốc hội đã chủ trì phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Dự phiên thẩm tra có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đại diện các bộ, ngành chức năng; đại diện các ủy ban của Quốc hội…

Báo cáo tóm tắt Tờ trình đề nghị xây dựng và Tờ trình dự án Luật TTATGT đường bộ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an báo cáo, tiếp thu, giải trình nghiêm túc và đề xuất hướng tiếp theo đối với dự án Luật. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về dự án Luật. Đến nay, Bộ Công an đã tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu, báo cáo Chính phủ thực hiện đầy đủ các công việc theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT báo cáo tóm tắt Tờ trình dự án Luật.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT báo cáo tóm tắt Tờ trình dự án Luật.

Dự án Luật nhằm bổ sung những thiếu hụt về chính sách ATGT do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy nên một số quy định vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tế; chưa có chính sách, biện pháp quy định cụ thể về phát triển của cơ sở hạ tầng điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Thứ 2 là bổ sung những thiếu hụt về chính sách đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; bổ sung những thiếu hụt về chính sách vận tải đường bộ; khắc phục những hạn chế, bất cập về kết cấu và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong Luật Giao thông đường bộ; phù hợp với xu thế lập pháp và kinh nghiệm quốc tế.

“Như vậy, việc xây dựng và ban hành Luật TTATGT đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiên hệ thống pháp quyền” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung cho biết và nhấn mạnh, việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm TTATGT đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng kỷ luật, kỷ cương, an toàn, góp phần đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban QP và AN cho biết, Ủy ban QP và AN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, sau gần 15 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTATGT đường bộ ở Việt Nam.

Ủy ban QP và AN cũng nhất trí với đánh giá hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và hồ sơ dự án Luật; về sự phù hợp với nội dung của chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tính thống nhất và tính khả thi; về đối tượng, phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật và 6 chính sách, nội dung lớn của dự thảo Luật, đồng thời kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một số quy định cho phù hợp.

Các đại biểu tại phiên họp.

Các đại biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ; kiến nghị cần rà soát nội dung, bố cục của 2 dự án Luật để hoàn thiện, đảm bảo sự thống nhất giữa hai Luật này, không để chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, việc phân định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm thực thi của các cơ quan, lực lượng chức năng để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đúng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu, cho rằng quan điểm của Đảng, ngoài xây dựng hạ tầng thì phải đảm bảo an toàn tính mạng cho con người. Vì vậy, cần xây dựng 2 dự án Luật để quy định rõ cơ quan chức năng chịu trách nhiệm từng lĩnh vực cụ thể.

“Luật Giao thông đường bộ đã ban hành 15 năm, sự phát triển của đất nước và ý thức tham gia giao thông của người dân cũng khác đi rất nhiều. Chúng ta cũng đã huy động cả hệ thống chính trị vào lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung giải quyết các vấn đề về ATGT nhưng TNGT dù có giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều. Tôi lấy ví dụ năm 2012, số người chết lên đến gần 14 nghìn người, đã có tác động xã hội vô cùng lớn, ngoài ra người bị thương cũng rất nhiều, nhiều người mất sức lao động. Đi vào các gia đình có người chết, bị thương do TNGT mới thấy hết nỗi đau của họ, mới thấy đây là vấn đề lớn của xã hội, bởi có những gia đình bố mẹ mất đi để lại 3-4 đứa trẻ bơ vơ” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết và cho rằng, hiện nay TNGT đã giảm nhưng mỗi năm vẫn có hơn 6 nghìn người chết. Vì vậy, chúng ta cần nhìn lại luật theo xu thế của các nước phát triển, tức là hệ thống luật càng chi tiết, cụ thể, rõ ràng bao nhiêu, càng dễ áp dụng.

“Vướng về luật không cẩn thận là rào cản cho phát triển” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh và khẳng định lại việc xây dựng 2 dự án Luật để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước, phù hợp với tính tất yếu của xã hội phát triển.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu nêu.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu nêu.

Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang khẳng định cần thiết xây dựng 2 dự án Luật vì việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông vô cùng quan trọng, ngành Y tế cũng sẽ giảm gánh nặng cấp cứu và bảo đảm sức khỏe cho người bị TNGT; đồng thời đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá để phân tách rõ ràng, kỹ lưỡng hơn phạm vi điều chỉnh và phần liên quan đến nguyên tắc và đảm bảo ATGT. Các chính sách trong dự án Luật TTATGT đường bộ cần cân nhắc kỹ, chính sách nào kế thừa, chính sách nào mới…

Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho biết, xây dựng Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ cần đánh giá thực trạng tổ chức giao thông và kiểm soát giao thông, đánh giá kết cấu hạ tầng, phân cấp rõ ràng trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố để đảm bảo tổ chức giao thông trên địa bàn thông suốt, an toàn.

Chủ nhiệm Ủy ban QP và AN Lê Tấn Tới

Chủ nhiệm Ủy ban QP và AN Lê Tấn Tới

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định 2 dự án Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu, các bộ, ngành, đơn vị chức năng. “Nghe lãnh đạo Bộ Công thừa ủy quyền Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo, các đồng chí trong Bộ Chính trị đều có ý kiến rất trách nhiệm vào 2 dự án Luật này và Luật Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, đồng thuận rất cao về sự cần thiết ban hành 3 luật này. Các đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thống nhất hồ sơ 3 Luật này cơ bản đảm bảo yêu cầu theo quy định” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết và khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đại biểu nêu để bổ sung vào dự án Luật, đặc biệt là ý kiến phù hợp với quá trình chuyển đổi số.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo ban soạn thảo 2 dự án Luật thống nhất những nội dung còn giao thoa, bổ sung các quy định về chuyển đổi số để phục vụ chuyển đổi số của Chính phủ. “Đa số ý kiến đều đồng tình cần thiết ban hành 2 dự án Luật. Với tính cấp bách hiện nay đang xảy ra nhiều bất cập trong thực tiễn nên nếu Luật được ban hành sớm ngày nào thì khắc phục được ngày đó với tinh thần cao nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản cho nhân dân” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban QP và AN Lê Tấn Tới đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đại biểu nêu, khẳng định, công tác bảo đảm TTATGT hiện nay đang rất cấp bách, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng rất cấp bách; các đại biểu và Thường trực Ủy ban QP và AN cơ bản thống nhất với 6 chính sách dự thảo Luật nêu.

Thu Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-ban-hanh-som-ngay-nao-dam-bao-an-toan-tinh-mang-tai-san-som-cho-nguoi-dan-ngay-do-i689521/