Luật và lệ từ việc xử nghiêm vượt đèn đỏ, leo vỉa hè

Sau khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, trật tự giao thông trước các ngã ba, ngã tư thay đổi rõ rệt, phần vỉa hè của các tuyến đường trở nên thông thoáng hơn hẳn.

Nhân dịp năm mới 2025, anh đồng nghiệp của tôi nói vui về chuyện “bắt trend” (bắt xu hướng) trong vài năm gần đây: Năm 2022 xếp hàng chờ đổ xăng; năm 2023 xếp hàng chờ đăng kiểm ô tô; năm 2024 xếp hàng làm sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng; còn năm nay - 2025 thì “trend” là răm rắp… chờ đèn đỏ.

Chuyện là theo Nghị định 168/2024 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ, người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ bị phạt 18-20 triệu đồng (mức phạt cũ là 4-6 triệu đồng), còn người điều khiển mô tô, xe máy vượt đèn đỏ bị phạt 4-6 triệu đồng (mức phạt cũ là từ 800.000 đến 1 triệu đồng).

 Người dân tham gia giao thông đang chờ đèn xanh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân tham gia giao thông đang chờ đèn xanh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Mức phạt mới cao hơn nhiều lần so với mức phạt cũ, thể hiện sự kiên quyết của các cơ quan chức năng đối với những hành vi vốn rất nguy hiểm như vượt đèn đỏ nhưng lâu nay thường bị nhiều người xem nhẹ, vi phạm như “cơm bữa”. Báo chí đăng mãi rồi, đến mức ngán ngẩm khi nhắc tới những vụ tai nạn giao thông vì xe vượt đèn đỏ, khiến dư luận vừa đau xót, thương tâm, vừa bức xúc vì những hành vi “ăn bớt” vài giây, nóng vội khoảnh khắc để rồi… chậm cả một đời. Hay như chuyện xe máy rồng rắn nối đuôi nhau chiếm hết vỉa hè, lề đường - không gian vốn dành cho người đi bộ và nhiều hoạt động khác, vừa làm xấu xí diện mạo đô thị vừa gây mất an toàn.

Sau khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, trật tự giao thông trước các ngã ba, ngã tư thay đổi rõ rệt, phần vỉa hè của các tuyến đường trở nên thông thoáng hơn hẳn. Đây là điều rất đáng ghi nhận và đáng mừng. Còn nhớ khi Nghị định 100/2019 được ban hành năm năm trước, không ít người băn khoăn về mức độ nghiêm khắc với hành vi vi phạm nồng độ cồn, bởi với nhiều người, “uống vài ly”, “uống chút chút” đã thành cái lệ. Thế nhưng hiện cái lệ lỗi thời ấy đã dần biến mất, thay thế bằng văn hóa giao thông không rượu bia với sự đồng thuận cao từ dư luận và xã hội.

Tuy nhiên, nói về luật thì cũng cần bàn về lệ. Người đi xe máy ở một số nơi, đặc biệt là TP.HCM lâu nay thường chủ động rẽ phải mỗi khi đèn đỏ, vừa đỡ phải chờ vừa giảm kẹt xe. Hay như cách nhiều người Sài Gòn leo xe máy lên lề đường, luồn lách qua những con hẻm nhỏ để né kẹt xe. Những cái lệ này lâu nay hầu như không bị phạt, người ta mặc nhiên xem đó là phản ứng linh hoạt để góp phần làm giảm kẹt xe trong điều kiện đường sá ở xứ mình.

Khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, người dân bỏ những lệ này (vì sợ bị phạt với số tiền rất lớn), quả thật tình trạng ùn ứ, kẹt xe gia tăng. Người dân than cứ bước ra đường là kẹt xe. Rất may, các cơ quan chức năng tại TP.HCM đã nắm bắt thông tin, nhanh chóng rà soát và đã lắp biển báo phụ cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ ở những tuyến đường phù hợp nhằm hạn chế ùn tắc. Trong những ngày tới, có lẽ TP sẽ lắp biển báo phụ nhiều hơn nữa mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Bài học lớn nhất trong thực thi các quy định mới như Nghị định 168 có lẽ là chuyện xem xét toàn diện câu chuyện luật (các quy định, ràng buộc) và lệ (những gì bất thành văn, đang diễn ra trong thực tế). Hợp thức hóa những thông lệ phù hợp nhằm giải quyết thực tiễn trước mắt (như cách TP.HCM gắn thêm biển phụ cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ ở những nơi cần thiết) là một cách làm hợp lý, kịp thời.

Ngoài ra, những thông lệ không còn phù hợp như chạy xe lấn làn, dừng xe quá vạch, chạy xe lên vỉa hè… không thể biến mất ngay lập tức nhờ vào án phạt hành chính. Đã gọi là lệ thì với nhiều người đã trở thành quán tính, thói quen nhiều năm (mà không bị phạt). Vì vậy, rất cần sự linh hoạt của các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm, vừa đối chiếu luật nhưng cũng xét đến lệ, nhất là khi Nghị định 168 vừa được áp dụng chưa lâu, chưa thể xóa bỏ những thói quen lâu nay.

Mấy hôm trước, mạng xã hội và báo chí đưa thông tin CSGT ở Bình Dương có hành động đẹp. Với một số người tham gia giao thông dừng xe quá vạch hay dừng sai làn đường, lực lượng chức năng thổi còi nhưng để nhắc nhở chứ không phạt, đồng thời phổ biến mức phạt mới theo Nghị định 168. Những hành xử ấy không làm giảm đi sự thượng tôn pháp luật mà trái lại, giúp người dân nâng cao nhận thức, xóa bỏ những cái lệ không còn hợp thời.

Từ Nghị định 100 đến Nghị định 168, để đạt kết quả tích cực, đồng thuận cao, phần nhiều có lẽ đến từ những điều chỉnh về hạ tầng giao thông như cách TP.HCM gắn thêm biển phụ; hay sự thấu hiểu, linh hoạt, chia sẻ và truyền thông mạnh mẽ từ các cơ quan thực thi pháp luật như cách CSGT Bình Dương đã làm.

Để người dân không chủ quan, thiếu ý thức thì cần xử nghiêm. Nhưng để thay đổi quán tính, thói quen thì cần có thời gian để người dân “thuộc bài” và dần trở thành phản xạ của văn hóa giao thông. Vậy nên mức phạt “nhớ đời” là cần thiết nhưng trước hết hãy nói cho nhau biết, nhắc cho nhau nhớ để khỏi vi phạm có lẽ sẽ tốt hơn, căn cơ hơn.

ĐỖ THIỆN

Nguồn PLO: https://plo.vn/luat-va-le-tu-viec-xu-nghiem-vuot-den-do-leo-via-he-post829791.html