Lục bát Hoàng Cầm
Trong gia tài mấy trăm bài thơ (không tính truyện thơ, kịch thơ) Hoàng Cầm đã công bố chính thức trong các ấn phẩm, tuyển tập được xuất bản, có thể dễ dàng nhận thấy, thơ tự do là thế mạnh của Hoàng Cầm và hình thức này dĩ nhiên cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các tác phẩm của ông. Thế nhưng, là một người thấm đẫm chất văn hóa cổ truyền và hồn quê Kinh Bắc, hồn thơ Hoàng Cầm vẫn dành một góc riêng cho lục bát.
Bài lục bát đầu tiên của Hoàng Cầm, có lẽ cũng là bài thơ đầu đời của ông, được ông kể lại trong phần Vỹ thanh của tập "Về Kinh Bắc": “Rồi thứ bảy sau, về nhà, tôi trao bức thư tỏ tình đầu tiên viết bằng thơ lục bát, dài hơn một trang giấy kẻ học sinh trên có vẽ hoa vẽ bướm, một vài ngọn núi, một dòng sông với chữ viết đậm, mực tím, nắn nót: Em gửi chị Vinh của em”.
Bài thơ ấy, lẽ dĩ nhiên đã thất truyền, không thể tìm lại được nữa. Nhưng một điều ta có thể chắc chắn, ấy là tình yêu lục bát đã đến với Hoàng Cầm từ thuở ấu thơ, đúng như ông tiếp tục tự bạch trong phần sau của bài viết: “Thể lục bát thấm vào người từ nhỏ tuổi, mình lại bẩm sinh yêu thích thơ ca, nên tôi có viết bức thư tình gửi người con gái Kinh Bắc, người Chị làm em say mê ngơ ngẩn suốt năm năm ấy, mà thư tình lại viết bằng thơ lục bát thì hẳn không phải là điều gì đáng ngạc nhiên phải không, thưa các bạn?”.
Nhà thơ Hoàng Cầm.
Thời kháng chiến chống Pháp, bài thơ nổi tiếng nhất của Hoàng Cầm là “Bên kia sông Đuống”, dẫu nhìn tổng thể là một bài thơ theo thể tự do với 134 câu thơ dài ngắn khác nhau, xong rải rác trong đó vẫn vụt sáng lên những cặp lục bát thật ấn tượng: “Lá đa lác đác trước lều/ Vài ba vết máu loang chiều mùa đông”. Một cặp lục bát mà diễn tả được bốn cái chết: cái chết của lá, cái chết của con người, cái chết của ngày (buổi chiều) và cái chết của năm (mùa đông). Một cảm giác tái tê, buồn thương, đau xót bao trùm lên câu thơ khiến người đọc không thể quên được. Tuy thế, càng về cuối, âm hưởng của bài thơ càng tươi sáng hơn và khép lại tác phẩm chính là một câu lục bát với đầy tin yêu hy vọng, hiện lên vẻ đẹp lộng lẫy rực rỡ của người con gái Kinh Bắc: “Em đi trảy hội non sông/ Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”.
Sau “Bên kia sông Đuống”, “Về Kinh Bắc” là tập thơ độc đáo và quan trọng bậc nhất trong gia tài thơ Hoàng Cầm. Thể tự do rõ ràng là hình thức đắc địa nhất cho việc diễn tả một tâm trạng đứt – nối, mơ lớn hơn thực, tâm cảnh lớn hơn ngoại cảnh…, thế nhưng vẫn có một vài cặp lục bát được in bóng hình: “Chìa vôi quệt gió hững hờ/ Bờ ao sáo tắm bao giờ…hở Em” (Theo đuổi).
Cho đến tập “Mưa Thuận Thành” (1991), khi thi sĩ sang tuổi 70, dường như hồn xưa gọi về mạnh mẽ, thơ ông từ đây mới xuất hiện những bài thuần lục bát. Tâp “Mưa Thuận Thành” gồm 33 bài thơ, trong đó 8 bài rút từ tập "Về Kinh Bắc" và 25 bài mới. Trong 25 bài mới này có 5 bài lục bát (chiếm tỷ lệ 20%): “Đi bên em”, “Gọi đôi”, “Ngày giỗ”, “Kỷ niệm”, “Xanh xưa”.
Lục bát của Hoàng Cầm mang đậm phong vị cổ điển ở ngôn ngữ, nhịp điệu, trong đó mỗi bài thường lấp lánh những câu thơ bất ngờ: “Hàng mi em rớt ánh sao/ Em đi chân đất khuất vào cõi anh” (Đi bên em), “Thôi em! Cỏ mịn chân đê/ Anh đưa em nhẹ gót về xanh xưa/ Chỉ tay xuống đất làm mưa/ Mát chân em khỏa lững lờ nguồn xuân” (Xanh xưa). Hay nhất mà cũng là buồn nhất trong 5 bài lục bát của "Mưa Thuận Thành" là “Ngày giỗ”, bài thơ tưởng nhớ người vợ của thi sĩ đã mất tròn 2 năm: “Em ở đâu Tôi ở đâu/ Hai năm cỏ bén rễ sâu trên mồ/ Đi thăm bụi đất chiều mưa/ Giun kêu thăm thẳm cứ ngờ tiếng em/ …Em đi một loáng trăm năm/ Nơi đâu em ngủ tôi nằm lênh đênh/ Đầu nghiêng gối nặng tay mình/ Cùng nghiêng mắc áo dáng hình cheo leo/ Về khuya mê bóng bóng theo/ Nhìn chênh thế kỷ bóng vèo qua mi”.
Sang tập “Lá diêu bông” (1993) gồm 48 bài thơ mới chưa từng công bố trước đó, số bài lục bát đã tăng lên thành 18 bài, chiếm tỷ lệ 37%. Phong cách lục bát trong tập này kỳ ảo hơn, hầu hết đều là các bài thơ tình, những mối tình buồn, dở dang, tan vỡ: “Nắng em nắng đến siêu hình/ Như môi như mắt như mình như không/ Mưa em mưa đến hãi hùng/ Lìa khoang xanh xiết xuống vùng dấn thân…/ Cái buông ngã sấp bốn bên/ Cái cầm rơi ngửa cho bền quạnh hiu” (Nghĩ thương), “Anh đi về phía không em/ Em đi về phía dài thêm bão bùng/ Anh đi sắp đến vô cùng/ Em đi sắp đến cánh hồng đang rơi” (Hai ngả).
Có những bài lục bát tràn đầy nhục cảm: “Tình cờ đâu triệu triệu năm/ Bỗng nằm bỗng thắm bỗng chằm hai thân/ Bỗng âm dương toát mình trần/ Để sinh chi chít mắt ngần chớp mi/…Vỡ mây nắng lảy mưa rơi/ Vỡ em trần tóc trôi dài trăm năm/ Vỡ anh bừng tiếng kêu thầm/ Vòng mê nũng gối nguyệt cầm gọi đôi/…Ôm anh suốt đợt sóng trào/ Vẫn thèm nghén nghẹn cồn cào của chua” (Thèm).
Trong nhiều bài lục bát ở tập này, thi sĩ chìm trong nỗi cô đơn xa xót nghẹn ngào, dường như ông vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi nhớ thương người vợ hiền: “Em lại đi…Sao cứ đi/ Ngẩn ngơ vũ trụ còn gì trong tay…/Em trao vẹn cả bơ vơ/ Cái đau băm nát lời thơ máu trào” (Tinh anh thể phách). Nhà thơ cất lên những câu hỏi ngơ ngẩn, những câu hỏi không bao giờ có lời đáp: “Em đi lâu thế về đâu/ Sao đi xa thế - Bao lâu em về” (Thể phách tinh anh). Nỗi cô đơn cùng tận đã cất lên thành những câu lục bát đớn đau, rớm máu, như thể rút ruột ra mà viết: “Tôi về nhặt lá đáy khe/ Ném lên cao… lặng mình nghe…thật người/…Miền im thẳm thắm môi tê/ Hôn em cạn máu đi về tận không” (Tu).
Nhà thơ Hoàng Cầm bên sông Đuống.
Đã có những lúc thi sĩ dường như muốn thoát ra khỏi vùng buồn đau cũ, để tìm kiếm cho mình một tình yêu mới. Cuộc yêu chưa kịp nhóm lên đã nhanh chóng lụi tàn, nhưng bù lại, một bài lục bát có tứ độc đáo ra đời: “Trận thua sát nút một không/ Em là chiếc bóng lăn trong xế chiều/ Anh là ngọn gió liêu xiêu/ Đưa em vào lưới sầu treo mạng gầy/ Còi ly tan xé cuộc này/ Phố xa một bóng ôm đầy số không” (Thua một không).
Sang tập “Tình khúc” (1996), tập này tuyển chọn nhiều bài của các tập trước và có thêm 17 bài mới, trong đó chỉ có một vài bài lục bát. Lục bát Hoàng Cầm lần đầu có thêm một diện mạo mới, ấy là tạo ra một cặp song thất đi trước dẫn đường cho toàn bộ phần lục bát của tác phẩm: “Anh mê em không bao giờ có/ Có bao giờ em nở tròn đêm/ Biết ai vẽ nổi hư huyền/ Cho anh ôm chặt mấy miền tịnh không” (Mê không em). Bài “Lời ru của anh” có những câu tha thiết, thương cảm. Đây có lẽ cũng là âm hưởng chủ đạo cho giọng điệu lục bát Hoàng Cầm: “Ngủ đi em gió lạnh rồi/ Màn the che nửa bóng người vào thu/ Ngủ đi…mắt nhắm sương mù/ Ngủ đi…sóng dựng song tù là xong/ Lời ru thoảng gió động phòng/ Gối tay bưng tóc khép vòng xót xa”.
“Đến từ hư không” có thể coi là tập thơ cuối cùng của Hoàng Cầm khi ông còn sống, gồm 111 bài, được in chung trong tuyển tập “Hoàng Cầm tác phẩm” (Quyển 1 - Thơ). Tập này có thêm 21 bài lục bát mới của Hoàng Cầm, sáng tác trong giai đoạn từ 1995 đến 2000. Như đã nói ở phía trên, giọng điệu chủ đạo trong lục bát Hoàng Cầm là giọng buồn thương. Khi Thái Bá Vân qua đời, thi sĩ cũng dùng chính những dòng lục bát để khóc bạn: “Tiếc anh vừa động nguồn đau/ Dòng thơ choáng đã nghẹn màu Bá Vân/ Tưới mồ anh chén tàn xuân/ Đưa anh về cõi tần ngần u linh/ Hẳn qua chín thác mười ghềnh/ Men không vượt nổi trăm vành buốt đau/ Hương hồn động biển thẳm sâu/ Bá Vân ôi! Thấu lòng nhau mấy lần/ Ôm nhau phút nữa Bá Vân!/ Mặc cho nước mắt thấm dần cõi không”… (Khóc Thái Bá Vân).
Tập “Đến từ hư không” của Hoàng Cẩm chia làm 4 phần với các tên gọi: “Đừng tìm phía cơn mưa”, “Rót tràn biển có”, “Đến từ hư không”, “Điệu lý cuối đời”. Phần cuối cùng của tập – “Điệu lý cuối đời” cũng là phần có nhiều bài lục bát nhất. Cảm xúc chủ đạo của Hoàng Cầm vẫn là nhớ về người vợ tào khang thuở nào: “Ảnh này đẫm nét buồn xưa/ Anh nghe bất chợt dòng thơ vĩnh hằng” (Bất chợt vĩnh hằng), “Gối lằn nếp nếp thương em/ Nếp xay chẳng giã từ duyên cuối đời” (Điệu lý cuối đời). Bên cạnh đó, ông dành những bài lục bát nhớ về người mẹ: “Mẹ tôi xưa cấy chỗ này/ Giờ thành siêu thị ngang cây cau vàng/ Giờ mẹ đâu, cuối bãi làng/ Dường như có bóng mèo hoang thoáng về/ Mẹ ơi con vẫn thầm nghe/ Năm nào hun hút xóm quê bay vèo” (Cánh diều lẻ bạn), “Có mùa tiếng hát rất xa/ Đêm thường vắng quá mẹ là nửa đêm” (Má lùi hết nắng).
Lục bát, giống như một sự trở về nguồn cội của Hoàng Cầm, để ông viết về những gì thân thương ruột thịt nhất. Đó là mẹ, là vợ, là quê hương, là bạn hữu tâm giao. Một trong những bài lục bát cuối cùng của Hoàng Cầm là bài ghép lại tên các tác phẩm thơ và kịch thơ mà ông đã xuất bản cùng những thi ảnh tâm đắc trong đời làm thơ của mình: “Một đời nợ suốt Diêu Bông/ Gọi đôi kết lứa xe hồng được đâu/ Nghiêng nghiêng Sông Đuống đôi câu/ Tung tình chín chín khúc sầu lẻ loi/Cỏ Bồng Thi nép ngậm ngùi/ Về với ta hóa mình xui phận mình/ Ngã ba sông chín hướng tình/ Về Kinh Bắc gặp rập rềnh Trương Chi/ Kiều Loan nghe dế đầu si/ Thuận Thành mưa lạnh chưa chi đoạn trường…”. (Ai xui chắp mảnh xe hồng). Thiết nghĩ, để góp phần làm nên một gia tài và sự nghiệp thơ Hoàng Cầm, không thể không nhắc đến những đóng góp đáng kể của thể thơ lục bát.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/luc-bat-hoang-cam-i647410/