'Lục bát phố' của Lê Tiến Vượng
Cầm trên tay Lục bát phố của Lê Tiến Vượng, bạn bè và người yêu thơ anh thấy vui, vì bút lực của anh còn khỏe khoắn. Chưa tính các tập in chung, tập thơ riêng thứ tư của anh lần này càng đầy đặn, đa sắc màu hơn mà vẫn giữ phong cách riêng trong thể loại lục bát.
Với thế giới quan của một nhà báo, người từng trải, thơ Lê Tiến Vượng khá đậm những tâm tư về thế sự:
"Lạ đời cái giả hung hăng/ Để nhiều quan chức nói năng như đùa/ ... Bão về rồi bão chửa tan/ Hình như đồ giả quanh làng... chửa đi" (Hình như).
Còn đây là hiện thực công sở hôm nay với những tấn trò đời:
"Lương thì chẳng đủ mà tiêu/ Xe sang, biệt phủ lại nhiều... khắp nơi/... Vỗ tay cũng có phong bì/ Quanh năm đi họp, có khi cũng giàu" (Công sở).
Hiện tượng xã hội là "chạy", vào thơ anh cũng nhẹ nhàng nhưng thấm:
"Chạy vào phố, chạy xa quê/ Chạy vào nhà nước, chạy về hưu non/ Đời cha chạy đến đời con/ Chạy vào cơ cấu mai còn lên quan" (Đời chạy…).
Cũng những câu chuyện đời hiện lên chỉ bằng vài nét phác họa. Bức tranh làng quê cũng là những bức tranh đời:
"Làng tôi bao cảnh lấm lem/ Rời quê về phố, Tấm quên lối về" (Cô Tấm làng tôi).
Lê Tiến Vượng dùng những câu chữ dân dã mà thâm thúy:
"Tiếng cười tiếng khóc đung đưa/Chuông chùa thì mỏng, gươm khua lại dày/... Đi đâu cũng gặp con buôn/ Người chui, người cúi, kẻ luồn mà đau" (Ngẫm).
Anh cũng tự họa chân dung thơ của mình với chất diễu nhại, tự trào về một người đàn ông của gia đình ở tuổi hoa râm:
"Chẳng tranh, chẳng đấu, chẳng phiền/ Lên voi xuống ngựa cười hiền như không/... Nghệ gì nặng nợ trần gian/ Người ta "phù thịnh" mình sang "phù nghèo" (Tự trào).
Có thể nói Lê Tiến Vượng là một trong những nhà thơ viết lục bát có duyên. Anh dắt đưa người đọc bằng những yếu tố bất ngờ, dí dỏm:
"Nhìn em cứ nõn nòn non/ Ta thì đang mõm mòm mom cả rồi" (Ừ thì).
"Tu chùa tu chợ bao ngày/ Gặp em kinh kệ lại bay, rụng rời/ Trại nào cai nghiện em ơi/ Cắt cơn anh để làm người… dửng dưng" (Háu gái).
Một thuở vụng dại được anh gói trong hai câu thơ có sức gợi mở và lay động:
"Cái nong cứ ghẹo cái sàng/ Để cho hạt thóc cười vang cả chiều" (Cái thời).
Trong thơ anh, thủ pháp tương phản được sử dụng nhuần nhuyễn để nâng hiệu ứng:
"Sếp thì nồi bảy nồi ba/ Anh em cháo loãng hành hoa, phập phù" (Công sở).
Bài thơ "Khai trường", đọc mà nhói lòng khi xã hội vẫn còn những khoảng cách khó khỏa lấp:
"Khai trường lại ngập đầu hoa/ Vỗ tay xong lại ném ra ngoài đường/… Vùng cao đến lớp cheo leo/ Mưa giăng, lũ cuốn, thác kêu, suối gào/… Trống trường vọng tiếng gần xa/ Mưa rơi phía ấy, còn hoa phía này…".
Với thơ tình, vẫn là một Lê Tiến Vượng đầy duyên dáng, đa tình. Song thơ anh vẫn giàu những nét tả thực, gần với đời sống cần lao bởi anh không chỉ là một họa sĩ, nhà thơ mà còn một nhà báo của thời hiện đại.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/luc-bat-pho-cua-le-tien-vuong-20190816211857005.htm