Lực cản sự phát triển Eximbank từ đâu?

Bao nhiêu năm dồn nén những lùm xùm nội bộ khiến Eximbank chưa phát triển tương xứng với nền tảng và tiềm năng của mình.

Một thập kỉ rối ren, tụt hậu

Nhiều người vẫn nhớ đến những năm 2011-2012 với một chương đen tối trong lịch sử ngành ngân hàng tại Việt Nam. Không ít ngân hàng lao đao, nhưng cũng có nhiều ngân hàng chớp cơ hội để bứt phá.

Năm 2014 trở đi, những chiến lược kinh doanh mới bắt đầu được tung ra. Các ngân hàng thay đổi hệ thống Core banking, đầu tư cho nhân sự, nền tảng, ứng dụng công nghệ… quyết “lột xác”, làm mới sản phẩm, dịch vụ với việc lấy khách hàng làm trọng tâm.

Có thể kể đến một số cái tên như VPBank, TPB, Techcombank, ACB… Ngân hàng làm ăn tốt, cổ đông cũng “bội thu” cổ tức, niềm tin vào sự phát triển và ổn định của ngân hàng cũng cao lên.

Ảnh minh họa - KT

Ảnh minh họa - KT

Nhưng số phận cổ đông Eximbank lại khá “hẩm hiu”. Những lùm xùm tại cấu trúc thượng tầng đã tác động tiêu cực tới hoạt động của ngân hàng này. Kết quả kinh doanh đi lùi, gần 1 thập kỷ liên tiếp (từ 2014 -2022), Eximbank không chia cổ tức.

Cần nhớ, trước khi xảy ra những mâu thuẫn thượng tầng, Eximbank từng là 1 ngân hàng hàng đầu trong hệ thống. Tại thời hoàng kim năm 2011, Eximbank là ngân hàng giữ vị trí thứ 4 tại "cuộc đua" lợi nhuận giữa các ngân hàng, vượt lên trên nhiều "ông lớn" ở thời điểm hiện tại như SHB, Sacombank, ACB, Techcombank, MBBank…

Những đại hội bất thành, những đại hội bất thường, những đơn kiện cáo ra tòa án, những cuộc tranh chấp vì chiếc ghế chủ tịch ngân hàng… đã tạo ra lực cản cho Eximbank trong cuộc đua của các ngân hàng thương mại cổ phần.

Trong quá khứ, nhiều nhóm cổ đông đã xuất hiện ở Eximbank những chưa từng có một nhóm nào đủ sức thuyết phục được các nhóm cổ đông còn lại.

Trong khi, thị trường có nhiều ví dụ cho thấy, khi các cổ đông lớn tâm huyết với ngân hàng, có trách nhiệm với khoản đầu tư của mình, sẽ cùng nhau tìm ra các hướng đi mới cho ngân hàng để tăng trưởng, sẽ không vì mâu thuẫn mà làm tổn hại đến hình ảnh, uy tín ngân hàng.

Eximbank cũng từng có những cổ đông tâm huyết nhưng “vòng xoáy” quyền lực đã khiến họ cuốn vào chiến đấu không khoan nhượng. Mệt mỏi, có những cổ đông cũ rút lui, những cổ đông còn lại tiếp tục “chiến đấu” với những người mới đến.

Tín hiệu mới cho tương lai của Eximbank?

Eximbank là công ty đại chúng, với cơ chế mở về cổ phần cho phép các nhà đầu tư mua, gom cổ phần, tạo ra các nhóm cổ đông. Khi sự sở hữu tạo ra sức mạnh, nhóm cổ đông này có quyền cử đại diện vào tham gia vào quản lý điều hành tại ngân hàng.

Trong công bố mới nhất, Eximbank có 3 cổ đông tổ chức và hai cá nhân sở hữu trên 1%. Cơ cấu cổ đông khá cô đặc của nhà băng này dường như khiến cho sự đồng thuận trở nên dễ dàng hơn.

Eximbank nuôi tham vọng Bắc tiến, mở rộng thi trường và tăng trưởng ổn định.

Nhưng khi định hướng này mới được công bố, thì sóng gió lại nổi lên. Những tin đồn về hoạt động tín dụng của Eximbank với khách hàng, về lãnh đạo, cổ đông ngân hàng… tràn lan trên trên các kênh thông tin không chính thống khiến dư luận lại một phen ồn ào.

Các hoạt động hay những thay đổi chiến lược tại Eximbank đều phải tuân thủ pháp luật và hướng tới mục đích làm cho ngân hàng tốt hơn. Cũng không có một ai hay một bên nào khác có thể đứng ra để hòa giải những mẫu thuẫn do chính nội bộ các nhóm cổ đông gây ra. Bởi, chỉ có chính họ mới giải quyết được các nút thắt này trên tinh thần vì lợi ích chung của ngân hàng và cổ đông.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/luc-can-su-phat-trien-eximbank-tu-dau-post1137867.vov