Lực đẩy 3.000 tỷ USD của kinh tế toàn cầu

Tình trạng hạn chế ra khỏi nhà trong COVID-10 khiến người dân nhiều nước tiết kiệm thêm 2.900 tỷ USD, tạo ra tiềm năng phục hồi kinh tế toàn cầu sau suy thoái.

Ước tính của Bloomberg Economics cho thấy các hộ gia đình tại Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và những quốc gia lớn nhất trong khu vực đồng euro đã tiết kiệm 2.900 tỷ USD khi họ buộc phải ở nhà, không thể ra ngoài mua sắm vì lệnh phong tỏa trong đại dịch. Họ có thể tiếp tục "thắt lưng buộc bụng" khi nhiều nước vẫn áp dụng giãn cách và các chính phủ vẫn triển khai gói kích thích.

Khoảng nửa số tiền tiết kiệm ấy - tương đương 1.500 tỷ USD - thuộc về Mỹ, và nó tương đương GDP của Hàn Quốc.Số tiền trong tài khoản của các hộ gia đình Trung Quốc đã tăng thêm 2.800 tỷ nhân dân tệ (430 tỷ USD) so với mức bình thường. Ở Nhật Bản, mức tăng là 32.600 tỷ yen (300 tỷ USD). Tại Anh, mức tăng là 117 tỷ bảng (160 tỷ USD). Các nền kinh tế lớn nhất tại eurozone có thêm 387 tỷ euro (465 tỷ USD), với Đức chiếm tỷ lệ cao nhất (142 tỷ euro).

Khoản tiền tăng thêm sẽ là động lực lớn cho kinh tế toàn cầu để phục hồi khi đã kiểm soát thành công COVID-19 và chiến dịch tiêm vaccine trở nên phổ biến. Những người lạc quan đặt hy vọng vào làn sóng mua sắm khi chính quyền cho phép mọi người quay lại các điểm bán lẻ, nhà hàng, trung tâm giải trí, điểm du lịch và sự kiện thể thao. Họ cũng sẽ vung tiền mua sản phẩm giá trị lớn sau khi phải kiềm chế trong thời gian dài.

Ở Mỹ, Bloomberg Economics ước tính nếu tiêu hết số tiền tiết kiệm trong năm qua, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ lên 9% thay vì chỉ 4,6% như mức dự báo hiện tại. Ngược lại, nếu người dân không tiêu chúng, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2%.

"Hóa ra mùa hè năm 2020 chỉ là bình minh giả tạo. Dù vậy, nó cũng cho chúng ta thấy kinh tế toàn cầu có thể bật lại rất nhanh khi các biện pháp phong tỏa hết hiệu lực", Maeva Cousin – nhà kinh tế học cấp cao tại Bloomberg Economics phát biểu. Lượng tiền mặt dự trữ khổng lồ hiện tại là lý do khiến Maeva tin nhu cầu sẽ bật tăng mạnh.

Một yếu tố khác có thể khuyến khích người dân chi tiêu là lãi suất hiện tại khá thấp, khiến sức hấp dẫn của gửi tiết kiệm giảm rõ rệt.

Rủi ro ở chiều ngược lại là thay vì mua sắm, người dân có thể dùng tiết tiết kiệm để trả nợ hoặc tiếp tục tích trữ đến khi cuộc khủng hoảng y tế biến mất hoàn toàn và thị trường lao động khởi sắc. Ngoài ra, không phải ai cũng có nhu cầu mua sắm.

Có thể những người kiếm nhiều tiền sẽ tiếp tục tiết kiệm. Trong khi đó, các hộ gia đình thu nhập thấp hơn buộc phải dùng đến tiền dự trữ. Họ là nhóm có khả năng tiêu dùng nhất. Hoặc một số có thể chần chừ vì lo ngại đến lúc nà đó, chính phủ sẽ nâng thuế để bù đắp ngân sách dành cho các chương trình giải cứu.

"Rất nhiều thứ sẽ còn phụ thuộc vào hành vi sau đại dịch trong ngắn hạn. Mà điều này cần thời gian để quay về mức bình thường. Còn trong trung hạn, dù số tiền tiết kiệm tăng thêm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, trả nợ hay tiếp tục ở trong ngân hàng làm quỹ dự phòng, nó vẫn là yếu tố tích cực cho tăng trưởng ", Yelena Shulyatyeva – nhà kinh tế học cấp cao của Bloomberg Economics, nhận định.

Nhã Vy

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/luc-day-gan-3000-ty-usd-cua-kinh-te-toan-cau-d19318.html