'Lực đẩy' mạnh mẽ về kinh tế ở phía Tây Đà Nẵng
Phía Tây Đà Nẵng hội tụ các dự án 'khủng' đang triển khai, hứa hẹn sẽ tạo sức bật mạnh mẽ về kinh tế cho thành phố trong thời gian tới.

Phía Tây TP. Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội lớn về phát triển kinh tế, tạo sức bật mạnh mẽ cho thành phố trong thời gian tới.
Mở rộng không gian phát triển
Đà Nẵng vừa công bố Đồ án Quy hoạch phân khu Công nghệ cao và Đô thị Sườn đồi.
Theo đó, Đồ án Quy hoạch phân khu Đô thị Sườn đồi (tỷ lệ 1/2.000) có quy mô gần 2.832 ha, trải rộng trên địa bàn các xã: Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Nhơn và Hòa Phú (cũ), được quy hoạch thành khu đô thị mới ưu tiên phát triển du lịch - thương mại dịch vụ kết hợp với nhà ở. Không gian quy hoạch gắn với các vùng cảnh quan đặc trưng, tập trung quanh khu vực núi Dương Ba Làng.
Thành phố Đà Nẵng mới sở hữu không gian địa lý được mở rộng đáng kể, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất cả nước với gần 12.000 km2, dân số hơn 3 triệu người.
Với hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú, quỹ đất lớn và không gian phát triển có nhiều dư địa là cơ hội rất lớn để thành phố hướng tới việc xây dựng một đô thị công nghiệp - thương mại - tài chính kiểu mới, tiệm cận với các trung tâm kinh tế hàng đầu khu vực như Singapore.
Theo thiết kế, khu đô thị sẽ có mật độ xây dựng thấp, tổ chức thành 11 đơn vị ở và 3 khu chức năng ngoài đơn vị ở, kết hợp rừng tự nhiên với các nhóm nhà ở hiện hữu. Mục tiêu là tạo nên một không gian sống hài hòa, đậm chất sinh thái, với tầm nhìn thoáng mở hướng núi, cùng hệ thống tiện ích công cộng được phân bổ đều.
Trong số các khu chức năng đáng chú ý có: khu logistics (70,9 ha) phục vụ hậu cần và cảng cạn; khu phi thuế quan (157,8 ha) phát triển thương mại đặc thù và khu thể dục thể thao (202,5 ha) với định hướng phát triển các tiện ích như sân golf.
Trong khi đó, phân khu công nghệ cao có phạm vi khoảng 3.656 ha, nằm trên địa bàn các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam (cũ) và các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Ninh. Khu vực này nằm giữa các trục phát triển quan trọng như: sông Cu Đê, đường ĐT602, Nguyễn Lương Bằng và vành đai phía Tây.
Không chỉ là vùng phụ cận hỗ trợ cho Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hiện hữu, đồ án phân khu còn đóng vai trò chiến lược trong việc phát triển hạ tầng đô thị thông minh, gắn với định hướng thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu và đào tạo.
Việc công bố hai đồ án quy hoạch lớn ở khu vực phía Tây cho thấy định hướng rõ ràng của Đà Nẵng trong việc mở rộng không gian phát triển, xây dựng các khu đô thị sinh thái hiện đại; đồng thời thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và dịch vụ chất lượng cao. Đây là một phần trong tầm nhìn dài hạn, nhằm đưa Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh vào năm 2030, tiến tới vị thế đô thị quốc tế vào năm 2050.
Sức bật từ các dự án “khủng”
Đặc biệt, phía Tây TP. Đà Nẵng đang triển khai các dự án “khủng” như cảng Liên Chiểu, khu thương mại tự do, đường ven biển nối cảng Liên Chiểu…
Ông Nguyễn Vĩnh - Khu dân cư 14, phường Hải Vân, TP. Đà Nẵng bày tỏ vui mừng khi hay tin Chính phủ chính thức thành lập khu thương mại tự do có quy mô 1881 ha. “Theo công bố, phường Hải Vân có 3 vị trí nằm trong quy hoạch phát triển phân khu thương mại tự do. Người dân chúng tôi phấn khởi với sự quan tâm của Chính phủ và thành phố” - ông Vĩnh nói và kỳ vọng phường Hải Vân sẽ khởi sắc, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Vĩnh cũng mong muốn, việc triển khai xây dựng khu thương mại tự do ở các vị trí đã quy hoạch sẽ đúng thời gian, lộ trình và chính quyền thành phố sẽ quan tâm đến vấn đề bố trí tái định cư cho người dân trong vùng dự án.
Đáng chú ý, mới đây, Công ty cổ phần Vinpearl (Vingroup) chính thức khởi công Dự án Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân (gọi tắt là Dự án Làng Vân).
Dự án Làng Vân tọa lạc tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu cũ (nay là phường Hải Vân, Đà Nẵng) với tổng diện tích 512,2 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 44.000 tỷ đồng. Dự án được thiết kế theo mô hình “thành phố nghỉ dưỡng” tiêu chuẩn quốc tế, với mật độ lưu trú thấp.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup chia sẻ: “Chúng tôi xác định, phát triển làng Vân không chỉ đơn thuần là xây dựng một điểm đến nghỉ dưỡng, mà còn là hành trình kiến tạo một biểu tượng mới - nơi con người sống hòa quyện với thiên nhiên trong môi trường hiện đại và bền vững. Dự án sẽ được quy hoạch bài bản theo mô hình đa chức năng, mật độ xây dựng hợp lý, ưu tiên bảo tồn cảnh quan tự nhiên, tôn vinh vẻ đẹp bản địa và tạo dựng một không gian sống lý tưởng, đẳng cấp. Khi hoàn thiện, Dự án Làng Vân sẽ là một “thiên đường nghỉ dưỡng” và an cư đúng nghĩa dành cho người dân, du khách trong và ngoài nước”.
Theo ông Lê Trung Chinh - nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, khu vực Làng Vân có vị trí văn hóa đặc biệt. Một bên là biển cả và nằm kề bên núi Hải Vân hùng vĩ.
“Để phát huy được các yếu tố đặc biệt đó, Dự án Làng Vân dự kiến sẽ hình thành một khu phức hợp, bao gồm các công trình thương mại, dịch vụ, phát triển du lịch sinh thái, kết hợp với mật độ lưu trú thấp, gắn với bảo tồn thiên nhiên, lịch sử, phục vụ nhu cầu du khách, sinh sống của người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước, với không gian kiến trúc văn minh, hiện đại và thân thiện” - ông Chinh nói.
Ông Chinh tin tưởng, Dự án Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân sẽ mở ra cơ hội lớn về việc làm, nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực, thu hút du lịch, nâng tầm thương hiệu du lịch Đà Nẵng trên bản đồ quốc tế, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong tương lai. Dự án cũng sẽ là hạt nhân quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị phía Tây Bắc, một khu vực còn nhiều tiềm năng, nhưng đang rất cần những cú hích chiến lược.
Theo Công ty cổ phần Vinpearl, Dự án Làng Vân dự kiến sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động các cấu phần đầu tiên từ năm 2027, góp phần kích hoạt tiềm năng kinh tế vùng, mở ra các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, logistics và đầu tư mạnh mẽ.
Đây cũng là bước tiến tiếp theo của Vingroup trong chiến lược phát triển chuỗi đô thị biển kiểu mới, dựa trên ba trụ cột xanh - thông minh - sinh thái, theo mô hình đô thị ESG (môi trường, xã hội, quản trị) tiên tiến trên thế giới.
5 quyết sách lớn đưa Đà Nẵng “cất cánh”
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, năm 2025, Đà Nẵng được Trung ương trao 5 quyết sách lớn liên quan trực tiếp đến TP. Đà Nẵng.
Thứ nhất, thành lập TP. Đà Nẵng mới trên cơ sở sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng hiện nay, với diện tích gần 12.000 km2, dân số trên 3 triệu người.
Thứ hai, cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 136/2024/QH15 trên toàn bộ địa bàn thành phố mới, bao gồm cả phần tỉnh Quảng Nam sáp nhập. Đây là thuận lợi lớn mà không nhiều địa phương có được.
Thứ ba, thay đổi mô hình tổ chức chính quyền đô thị sang chính quyền toàn diện.
Thứ tư, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.
Thứ năm, việc Đà Nẵng đi đầu đề xuất thành lập khu thương mại tự do đầu tiên tại Việt Nam được Quốc hội đồng ý, mở ra hướng phát triển mới.