Lực đẩy phát triển sản xuất ở Lâm Bình

Từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, huyện Lâm Bình đã đầu tư hỗ trợ thiết bị sản xuất, cây trồng, vật nuôi hiệu quả cho người dân. Nguồn vốn của chương trình đã từng bước nâng cao đời sống nhân dân, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Chị Nguyễn Thị Hiểm (ngoài cùng, bên trái), thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can đầu tư chăn nuôi dêtừ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ.

Ông Trần Văn Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết, năm 2019 từ nguồn vốn Chương trình 30a, huyện được hỗ trợ gần 5,8 tỷ đồng để thực hiện 13 dự án hỗ trợ con giống với 408 hộ tham gia; 3 dự án hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất gồm 106 hộ tham gia; 8 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ bằng con giống cho 162 hộ tham gia. Từ nguồn vốn này, huyện lựa chọn vật nuôi có thế mạnh trên địa bàn huyện là con dê, trâu, bò và các thiết bị sản xuất như máy nghiền thức ăn gia súc, máy cày, máy bừa để hỗ trợ cho người dân.

Năm 2019, xã Thổ Bình thực hiện mục tiêu giảm 67 hộ nghèo. Để giúp các hộ nghèo có điều kiện để phát triển kinh tế, UBND xã Thổ Bình lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Trong năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình 135, 30a xã đã hỗ trợ 40 hộ nghèo, cận nghèo mua trâu sinh sản và máy chế biến thức ăn đa năng cho đàn vật nuôi. Nhờ đó, hộ nghèo của xã đã giảm khá nhanh. Qua rà soát mới đây, xã Thổ Bình đã có 72 hộ vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 44% xuống còn 39% năm 2019.

Gia đình bà Ma Thị Hồng ở thôn Nà Vài, xã Thổ Bình được hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a. Cùng với số tiền tích cóp bấy lâu của gia đình, bà Hồng đã mua được 2 con trâu sinh sản. Để đàn trâu phát triển khỏe mạnh, bà đã trồng 500 m2 cỏ VA06 trên đất soi bãi và trồng ngô vụ đông làm thức ăn cho trâu. Ngoài ra, gia đình bà còn chăn nuôi gia cầm và cá để có thêm thu nhập. Vừa qua gia đình bà đã được công nhận thoát nghèo.

Từ nguồn vốn Chương trình 30a, năm 2018 xã Lăng Can có 21 hộ được hỗ trợ phát triển chăn nuôi dê sinh sản với tổng đàn dê là 75 con. Ngay khi được hỗ trợ, nhân viên khuyến nông xã Lăng Can đã hướng dẫn người dân cách chăm sóc và phòng trừ bệnh cho đàn dê, nhờ vậy đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt. Chị Nguyễn Thị Hiểm, thôn Nặm Đíp cho biết: Gia đình chị được hỗ trợ 4 con dê cái, nay đã sinh sản thêm được 4 con, trị giá đàn dê của gia đình khoảng hơn 20 triệu đồng.

Nhờ thực hiện hiệu quả nguồn vốn Chương trình 30a, đời sống của người dân huyện Lâm Bình có nhiều đổi thay. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 19,5 triệu đồng/năm. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 3,4%. Thời gian tới, huyện Lâm Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, trong đó thực hiện hiệu quả nguồn vốn Chương trình 30a, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo; xây dựng nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/luc-day-phat-trien-san-xuat-o-lam-binh-125867.html