Lục địa Bắc Mỹ mất dần đá từ bên dưới
Một nhóm nghiên cứu của Đại học Texas phát hiện ra rằng lục địa Bắc Mỹ đang dần mất đá từ bên dưới trong quá trình gọi là 'nhỏ giọt nền cổ'.
Quá trình này do tàn tích của mảng Farallon (một mảng kiến tạo cổ đại) đang ảnh hưởng đến lớp vỏ Trái đất, khiến các khối đá tách ra và chìm xuống.
Vùng Trung Tây của Mỹ là nơi mà quá trình nêu trên diễn ra mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên lục địa sẽ không sụp đổ do đây là quá trình địa chất diễn ra đến hàng triệu năm.
Theo thành viên nhóm nghiên cứu Junlin Hua: “Chúng tôi quan sát thấy có thể có thứ gì đó bên dưới nền cổ (những khối đá tạo nên lục địa trên Trái đất). May mắn thay chúng tôi cũng có ý kiến mới về nguyên nhân thúc đẩy quá trình mỏng đi này”.

Lớp đá nền cổ dần bị tách ra rồi chìm xuống - Ảnh: Nature Geoscience , Hua et al.
Thay đổi ở nền cổ
Nền cổ (craton) là phần cổ xưa, ổn định của lục địa tồn tại qua hàng tỉ năm. Nhưng chúng không miễn nhiễm với sự thay đổi, ví dụ tiêu biểu trong quá khứ là nền cổ Hoa Bắc từng bị nghiêng và gẫy gập theo thời gian do va chạm với nền cổ khác.
Phát hiện ở lục địa Bắc Mỹ mang ý nghĩa lớn vì quá trình “nhỏ giọt nền cổ” tại đây đang diễn ra. Nhóm nghiên cứu dự đoán quá trình sẽ dừng lại khi tàn tích mảng Farallon chìm sâu hơn nên bớt tác động đến nền cổ.
“Những điều như vậy rất quan trọng nếu chúng ta muốn hiểu cách một hành tinh tiến hóa trong thời gian dài. Phát hiện giúp ta biết được cách lục địa hình thành, phá vỡ rồi tái tạo”, thành viên nhóm nghiên cứu Thorsten Becker cho biết.
Nhóm sử dụng dữ liệu địa chấn EarthScope cùng mô hình máy tính để quan sát và mô phỏng “nhỏ giọt nền cổ”, cho phép họ lần đầu tiên hình dung được quá trình này cũng như cung cấp bằng chứng về mối liên hệ giữa quá trình với mảng Farallon.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/luc-dia-bac-my-mat-dan-da-tu-ben-duoi-231163.html