'Lục địa già' bất đồng về tiêm vaccine tăng cườngTin khácĐổi mới giáo dục từ ứng dụng công nghệ thông tinVững vàng trên trận tuyến chống 'giặc lửa'

Trong khi nhiều nước trên thế giới đang phải chật vật tìm nguồn cung vaccine để tiêm đủ hai mũi cho người dân thì 'lục địa già' lại đang bất đồng về việc thực hiện tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ 3.Trong bối cảnh chính phủ các nước châu Âu đang tìm cách vực dậy nền kinh tế bị điêu đứng bởi đại dịch, đối phó với biến thể virus Delta nguy hiểm và tìm cách tránh nguy cơ phải phong tỏa trở lại vào mùa đông thì kế hoạch tiêm vaccine tăng cường đã gây ra những bất đồng ở 'lục địa già'.Các nước châu Âu chưa đồng thuận về việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân. Ảnh minh họa: Reuters

Mặc dù Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê chuẩn tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường của hãng Pfizer/BioNTech cho người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) lại đang có sự phân cực trong vấn đề này, nếu không muốn nói tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Trong khi một số nước chờ quyết định chính thức của EMA, thì một số quốc gia như Italy, Pháp, Đức và Ireland đã sớm có kế hoạch thực hiện việc này nhưng chỉ áp dụng cho những người bị ức chế miễn dịch. Tại Italy, nhóm đối tượng được tiêm mũi tăng cường gồm những người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, nhân viên y tế, những người dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, Hà Lan lại đang làm ngược lại khi hạn chế tiêm mũi tăng cường đối với những người bị ức chế miễn dịch. Còn tại Đan Mạch, chính phủ đang theo đuổi kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và những người trên 65 tuổi nếu được EMA “bật đèn xanh”. Trong khi đó, Thụy Sĩ bày tỏ sẽ không thực hiện tiêm mũi bổ trợ vào thời điểm này vì các giới chức không thấy khả năng bảo vệ suy giảm dần theo thời gian.

Điều đáng chú ý là việc ra quyết định của EMA cũng làm bộc lộ những chia rẽ trong chính nội bộ những nước thành viên. Như ở Đức, trong khi các Bộ trưởng Y tế liên bang và khu vực của Đức ủng hộ tiêm mũi tăng cường cho một bộ phận lớn người dân thì hội đồng chuyên gia về vaccine của nước này lại chỉ ủng hộ tiêm mũi tăng cường cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch, như bệnh nhân ung thư hoặc những người được cấy ghép nội tạng.

Không chỉ thiếu thống nhất về nhóm đối tượng tiêm vaccine tăng cường, châu Âu còn thiếu sự đồng thuận giữa các nhà khoa học về mức độ cần thiết của việc tiêm mũi tăng cường.

Những bất đồng liên quan tới tiêm vaccine tăng cường diễn ra bất chấp việc hai hãng vaccine Pfizer và Moderna từng công bố nghiên cứu cho thấy hiệu quả của hai loại vaccine này sẽ giảm dần theo thời gian nhưng có thể được cải thiện với liều bổ trợ thứ 3. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về vaccine thì dữ liệu đến nay cho thấy chỉ người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch bị tổn thương là cần thiết phải tiêm mũi tăng cường.

Mặc dù đưa ra quyết định trên nhưng EMA không có khả năng cung cấp hướng dẫn chi tiết về việc ai sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường. EMA và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) thừa nhận, họ đều không có đủ dữ liệu về vấn đề này. Cho đến nay, các nước ủng hộ tiêm mũi tăng cường dựa trên dữ liệu từ Israel, quốc gia đã triển khai tiêm vaccine tăng cường cho người dân và cho thấy hiệu quả tốt. Cụ thể, 1,1 triệu người từ 60 tuổi trở lên đã được tiêm tăng cường mũi Pfizer dẫn đến giảm số ca nhiễm trùng nói chung cũng như các ca bệnh nặng do Covid-19 trong nhóm này. Số bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng nặng tại nước này đã giảm trong những ngày gần đây, trong khi số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống dưới mức 4.000 so với mốc 10.000 ca/ngày vào tháng trước. Israel là một trong những nước đầu tiên triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường của hãng Pfizer/BioNtech cho các nhóm nguy cơ cao. Israel hiện chỉ cấp “thẻ xanh” cho những người đã tiêm 3 mũi vaccine hoặc mới hồi phục sau khi nhiễm Covid-19, thay thế cho hệ thống cũ chỉ yêu cầu tiêm hai mũi. Người được cấp “thẻ xanh” được vào các nhà hàng, phòng tập thể thao và những địa điểm khác.

Những tranh cãi về tiêm mũi vaccine tăng cường ở châu Âu diễn ra trong bối cảnh các nước nghèo trên thế giới đang phải chật vật tiếp cận nguồn cung cấp vaccine. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải lên tiếng kêu gọi các quốc gia trì hoãn thực hiện tiêm mũi vaccine tăng cường cho đến khi nhiều người trên thế giới được tiêm chủng.

Theo Quandoinhandan

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/453543-luc-dia-gia-bat-dong-ve-tiem-vaccine-tang-cuong.html