Lúc hò dô ép nhau uống, có ai nghĩ đến đau đớn cuộc rượu đổi mạng người?
Khi ép rượu bằng câu 'chú không uống là khinh anh', hay khi hò dô buộc nhau uống, có ai nghĩ đến hậu quả đau đớn - cuộc rượu đổi mạng người hay không?
Đó là nỗi niềm đau đáu của không ít độc giả khi phản hồi bài “Ô tô lao xuống biển ở Quảng Ninh: Quá đau xót khi cuộc rượu đổi 4 mạng người”. Bia rượu khiến tài xế giảm đi sự tỉnh táo và khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy, có thể dẫn đến tai nạn, nhất là khi điều kiện đường sá không tốt, thời tiết xấu... Điều đáng buồn là dù biết bạn mình phải lái xe về, nhiều người vẫn ép uống rượu bia.
Hoàng Tâm chia sẻ: "Em đi nhậu với chồng, anh ấy không thích uống nhưng cứ toàn bị ép. Đã nói là lát nữa về phải lái xe nhưng các chiến hữu vẫn bắt uống bằng được. Đến nản".
Lê Triển viết: “Đúng là những cuộc rượu đổi mạng người. Thật đau xót khi biết tài xế vụ ô tô lao xuống biển có cồn trong máu. Với cách ăn uống tụ tập của chúng ta hiện nay, đã tham gia tụ tập ăn uống thì không thể nào thoát việc uống rượu. Bạn không muốn uống thì bị ép uống.
Từ chối ư? Chú vậy là không thật lòng với anh. Chú khinh anh phải không?... Nghe vài câu khích bác cà khịa như thế là chỉ có uống, uống rồi phê lên lại uống tiếp, rồi ngật ngưỡng ngồi sau vô lăng…”.
Trả lời bình luận trên, độc giả Phạm tâm đắc: “Bạn nói đúng những gì tôi nghĩ. Ép nhau uống rượu là thói xấu cực kỳ xấu của nhiều người Việt. Họ nghĩ phải uống thật nhiều mới là tôn trọng nhau, là hết lòng với nhau, trong khi bao nhiêu người chết vì tai nạn sau khi uống rượu rồi. Lúc hò dô ép nhau uống, có ai nghĩ đến hậu quả đau đớn – cuộc rượu đổi mạng người hay không?”.
Còn Vinh Trần viết: “Tôi căm ghét những kẻ cứ viện cớ này nọ ép người khác uống rượu bằng được. Thật ngu xuẩn. Phải biết rằng ép uống rượu cũng là tội ác, nạn nhân không gây tai nạn khi lái xe thì cũng hỏng cả gan”.
Trinh Ngọc bày tỏ: “Tài xế có cồn trong máu đầy đường vì người Việt Nam có thói ép nhau uống rượu. Cả phụ nữ cũng bị cà khịa ép uống nữa là đàn ông. Ghét nhất cái trò này”.
Phần lớn các độc giả cho rằng, vụ ô tô lao xuống biển làm 4 người chết ở Quảng Ninh là bài học đau đớn cho các tài xế, do đó mọi người cần nhớ không lái xe sau khi uống rượu bia, và cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt, xử lý nghiêm những người vi phạm điều này.
Lê Hoàng Sơn: Quá đau xót, hối hận thì đã quá muộn màng. Các đấng mày râu lúc nâng chén rượu lên môi phải ghi nhớ "phía sau vô lăng là cuộc sống".
Huỳnh Thị Hồng Hà: Các cơ quan chức năng cần phải tuần tra nhiều hơn những giờ cao điểm như giờ tan tầm, vì giờ đó các chiến hữu thường la cà quán sá, gặp nhau nhiều hơn.
Nguyễn Hoàng Mộng: Thế mới thấy Nghị định 100 ban hành xử phạt nặng lỗi có nồng độ cồn là chuẩn. Vậy mà nhiều người đâu có chấp hành, một số còn chống đối.
Lâm Bằng: Mong Công an làm nghiêm việc kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Nguyễn Văn Thọ: Hãy nghĩ tính mạng bản thân và gia đình cũng như khách tham gia giao thông trên đường bác tài nhé, trước khi quá muộn, tham gia giao thông không có chữ sửa sai.
Lê Hữu Thi: Chấp hành luật pháp và luật giao thông là trách nhiệm với mọi công dân. Đã uống bia rượu là không lái xe, đây là trách nhiệm của tài xế với bản thân và xã hội.
Dung: Rượu bia rồi lái xe, một bài học phải trả giá bằng 4 mạng sống, phải tỉnh ngộ các bạn ạ.
Thiên: Khi lái xe phải tỉnh táo, mà người đã uống rượu khi lái xe đôi lúc mất tập trung, buồn ngủ, có lúc nổi loạn. Nên đã uống rượu, bia thì không lái xe.
Ngoài việc lưu ý tài xế không lái xe sau khi bia rượu, độc giả Van Hoang còn nhắc đến vài trò của người vợ hoặc bạn đồng hành của tài xế sau cuộc nhậu: "Đây là bài học cho những người đang cầm vô lăng, và cũng là lời cảnh báo với các bà vợ đi chơi cùng chồng. Thấy chồng uống say, mình còn tỉnh táo tốt nhất tìm chỗ mà nghỉ, lên xe làm gì để xảy ra sự việc đau lòng như thế này".
Để không còn xảy ra những tai nạn thương tâm, độc giả Nguyễn Thanh Sơn nhắc nhở: "Phía trước tay lái là sự sống. Hãy lái xe bằng cả trái tim".