Lực lượng An ninh điều tra Công an Tây Ninh: Trưởng thành từ những chiến công
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, lực lượng An ninh điều tra được củng cố, chất lượng đội ngũ điều tra viên ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu điều tra án theo đúng quy định pháp luật.
Cách mạng tháng Tám thành công, các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân Việt Nam ra đời với nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền. Trong thời kỳ năm 1945-1950, ở cấp tỉnh, hoạt động điều tra đối tượng phản cách mạng do Ban Chính trị đảm nhiệm; hoạt động điều tra các đối tượng hình sự do Ban Tư pháp đảm nhiệm. Các đơn vị vừa làm trinh sát vừa tiến hành các hoạt động điều tra xét hỏi.
Thực hiện đề án được Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ VI thông qua vào tháng 8.1951, ngày 31.12.1951, Bộ Công an ra Nghị quyết tổ chức Nha Công an Trung ương thuộc Bộ Nội vụ gồm: Văn phòng Nha, Ty Bảo vệ chính trị, Ty Trị an hành chính, Trường Công an trung cấp. Trong Ty Bảo vệ chính trị có Phòng Chấp pháp; ở Công an liên khu thành lập Ban Chấp pháp thuộc Phòng Bảo vệ chính trị. Đây là tổ chức tiền thân của lực lượng An ninh điều tra.
Ngày 18.6.1981, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có Quyết định số 12/QĐ-BNV quy định Cục Cảnh sát điều tra xét hỏi là một trong 12 đơn vị trực thuộc Tổng cục Cảnh sát nhân dân. Theo đó, Cục Chấp pháp được tách thành: Cục Cảnh sát điều tra xét hỏi và Cục An ninh điều tra xét hỏi. Ở Công an cấp tỉnh, có Phòng Cảnh sát điều tra xét hỏi và Phòng An ninh điều tra xét hỏi. Đây là một sự kiện quan trọng, là bước ngoặt đánh dấu nhiệm vụ mới cụ thể hóa của lực lượng An ninh điều tra.
Khi Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 1989, Pháp lệnh Điều tra hình sự năm 2004 ra đời, tên gọi Phòng An ninh điều tra xét hỏi được thay đổi thành Phòng An ninh điều tra. Ngày 28.11.1996, Tổng cục Xây dựng lực lượng đã có báo cáo và được đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đồng ý xác định ngày 31.12.1951 là ngày truyền thống của lực lượng An ninh điều tra.
Trưởng thành trong khói lửa
Tại tỉnh Tây Ninh, tiền thân của Phòng An ninh điều tra chính là Tiểu ban Chấp pháp, được thành lập từ tháng 9.1962. Trải qua nhiều giai đoạn với tên gọi khác nhau, nhưng đều thực hiện chức năng phục vụ các cấp ủy Đảng và chính quyền đấu tranh, làm rõ tội phạm trên lĩnh vực an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu ban Chấp pháp đã điều tra, trấn áp các đối tượng chống phá cách mạng, góp phần bóc gỡ nhiều mạng lưới tình báo, gián điệp, trong đó, có cả đối tượng đã chui sâu vào nội bộ ta hoạt động thu thập tin tức tình báo.
Qua công tác chấp pháp, còn phục vụ cho các lực lượng của Ban An ninh tỉnh mở rộng mạng lưới bí mật hoạt động trong vùng địch kiểm soát, cùng các lực lượng khác của An ninh tỉnh làm thất bại nhiều hoạt động do thám gián điệp của địch đánh vào căn cứ, vùng giải phóng, vùng tranh chấp, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan đầu não của tỉnh và Trung ương Cục miền Nam.
Sau Chiến thắng mùa Xuân năm 1975, các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền và nhiều đối tượng phản động khác vẫn âm thầm hoạt động nhằm chống phá trên địa bàn tỉnh. Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, của các cấp ủy Đảng và chính quyền, lực lượng Chấp pháp đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, chính quyền cơ sở và đoàn thể quần chúng giải tỏa các nguy cơ gây hại an ninh quốc gia, trấn áp các tổ chức, cụm, toán vũ trang phản cách mạng; mau chóng tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chính quyền cách mạng mới giành được.
Trong giai đoạn từ 1975-1981, qua công tác điều tra xét hỏi đã phát hiện, bóc gỡ hàng trăm tên là gián điệp, mật báo viên, tình báo các loại của Mỹ, ngụy; thụ lý điều tra làm rõ hàng trăm vụ án đưa ra truy tố trước pháp luật hàng trăm đối tượng, trong đó, có hàng chục vụ là các tổ chức phản cách mạng với các danh xưng khác nhau có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Tháng 7.1981, từ đơn vị chấp pháp đã tách ra thành 2 bộ phận chuyên sâu về công tác xét hỏi, đó là Phòng Cảnh sát điều tra xét hỏi (điều tra án trên lĩnh vực trật tự xã hội) và Phòng An ninh điều tra xét hỏi (điều tra án trên lĩnh vực an ninh quốc gia).
Giai đoạn đầu thực hiện chức năng điều tra theo quy trình, quy định tố tụng trong điều kiện hệ thống pháp luật về điều tra và kiểm sát hoạt động điều tra chưa đầy đủ, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng An ninh điều tra, Công an tỉnh Tây Ninh không ngừng học tập, tự hoàn thiện mình, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm.
Thầm lặng giữa vinh quang
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng Công an nói chung và lực lượng An ninh điều tra nói riêng có nhiều thay đổi. Vừa xây dựng lực lượng, vừa tiến hành các hoạt động xử lý tội phạm,
Phòng An ninh điều tra là lực lượng mũi nhọn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần vào thành quả bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vào thời điểm này, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tổ chức vượt biên phức tạp do sự kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch phá hoại.
Tình hình buôn lậu, mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ gia tăng làm phức tạp tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trước tình hình đó, Công an tỉnh tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị số 25, ngày 15.1.1983 của Tỉnh ủy, về "Tăng cường các biện pháp chống địch phá hoại nhiều mặt trên biên giới trong thời gian tới". Lực lượng An ninh điều tra phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ khác của Công an tỉnh phá 183 vụ, bắt 284 đối tượng vượt biên trái phép, bắt 15 đối tượng tuyên truyền chiến tranh tâm lý, 5 vụ rải tờ rơi, thư nặc danh có nội dung xấu, thu giữ 1.844 khẩu súng các loại, 86 quả lựu đạn, 30kg thuốc nổ, 80 kíp nổ.
Tiếp đó, trong quá trình đổi mới từ năm 1986 đến nay, các thế lực thù địch, bọn tình báo, gián điệp, phản động lợi dụng dân tộc, tôn giáo, ngụy quân, ngụy quyền... vẫn tiếp tục nhen nhóm, tập hợp lực lượng, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thực hiện hoạt động chống đối, phá hoại, nuôi ảo tưởng phục hồi chế độ tay sai.
Chủ nghĩa đế quốc câu kết phản động quốc tế thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp, các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia diễn biến phức tạp theo từng giai đoạn. Phòng An ninh điều tra đã thụ lý hơn 640 vụ án về các tội phạm liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, buôn lậu, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, chống chính quyền nhân dân.
Hiện nay, lợi dụng thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn phức tạp, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, né tránh cơ quan chức năng để hoạt động tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hay tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài gây khó khăn rất nhiều cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh cũng như gây thiệt hại về kinh tế - xã hội và mất an ninh trật tự địa phương.
Lực lượng An ninh điều tra- Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đấu tranh, làm rõ 54 vụ, 103 bị can tổ chức cho hơn 250 người (trong đó có cả người nước ngoài) xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và trốn đi nước ngoài. Qua đó, đã ngăn chặn, kéo giảm tình hình tội phạm tổ chức cho người khác, nhất là người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, lực lượng An ninh điều tra được củng cố, chất lượng đội ngũ điều tra viên ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu điều tra án theo đúng quy định pháp luật. Những chiến công của lực lượng An ninh điều tra được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành đánh giá rất cao.
Lực lượng An ninh điều tra Công an tỉnh Tây Ninh luôn phát huy truyền thống, phấn đấu không ngừng để nâng cao trình độ trong chuyên môn và trong đấu tranh với tội phạm. Luôn rèn luyện và thực hiện theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội, góp phần vào bình yên và hạnh phúc của nhân dân.