Lực lượng CAND chi viện chiến trường miền Nam nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND
Sáng nay (23-10), tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương (CATW), Bộ Công an long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu 'Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân' thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho Lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy CATW, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng, Bộ trưởng Bộ Công an tới dự. Dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các đồng chí Công an lão thành; các đồng chí trong Đảng ủy CATW; tướng lĩnh CAND, Công an một số đơn vị, địa phương có nhiều cán bộ chi viện chiến trường miền Nam…
Trình bày báo cáo tuyên dương công trạng của Lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, nêu rõ: Trải qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, 75 năm qua, lực lượng CAND đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đã cùng với toàn dân, toàn quân ta bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trong đó có thành tích tiêu biểu, đặc biệt xuất sắc của “Lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam", đã không quản mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, lạc hậu về phương tiện, vũ khí, sự khắc nghiệt của chiến tranh, mưu trí để chiến đấu đầy sáng tạo và quả cảm, lập nên những kỳ tích, cùng dân tộc vượt qua cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Cũng theo Thứ trưởng Lương Tam Quang: Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, miền Bắc được giải phóng, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, Mỹ dựng lên một chính quyền tay sai với bộ máy quân sự đồ sộ, mạng lưới tình báo dày đặc; điên cuồng khủng bố, giết hại cán bộ, cơ sở cách mạng, bắt tù đầy hàng triệu người, dìm phong trào cách mạng miền Nam trong biển máu...
Sớm nhận định tình hình trên, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ chiến lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam.
Với trọng trách được giao, năm 1955, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thành lập Tổ cán bộ miền Nam; sau này là Phòng công tác An ninh miền Nam. Mặc dù tên gọi khác nhau nhưng đều có nhiệm vụ: Chuẩn bị cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam; nghiên cứu tình hình, đề xuất công tác, triển khai chỉ đạo của Bộ Công an đối với an ninh miền Nam.
Từ 1954 đến 1975, Bộ Công an đã chi viện 11.294 cán bộ cho chiến trường miền Nam, trong đó có 8.038 cán bộ CAND; 3.256 cán bộ Công an vũ trang; 01 đồng chí lãnh đạo Bộ, 35 là lãnh đạo cấp Cục, 870 là lãnh đạo cấp Phòng.
Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh: Lực lượng Công an chi viện đã tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho Ban An ninh các cấp ở miền Nam; làm đẩy mạnh công tác đấu tranh với các hoạt động tình báo, gián điệp, công tác diệt ác trừ gian, bảo vệ an toàn cán bộ, cơ quan đầu não, căn cứ, vùng giải phóng và xây dựng, phát triển lực lượng an ninh miền Nam.
Cùng với đó, lực lượng Công an chi viện cán bộ và kỹ thuật thám không đã phát hiện, theo dõi hàng trăm mạng đài, hàng ngàn bức điện, bản tin về các chủ trương, kế hoạch quân sự về các cuộc càn quét lớn, các trận rải bom B52; phát hiện nội gián, cơ sở gián điệp của Mỹ, ngụy cài cắm trong nội bộ ta... Chi viện cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ, sản xuất hàng vạn thẻ căn cước, giấy miễn quân dịch, sự vụ lệnh của Mỹ, Ngụy, tạo thế hợp pháp đi lại, hoạt động trong nội đô, đặc biệt là các thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế…; triển khai rộng khắp mạng lưới thông tin liên lạc và cơ yếu toàn miền Nam khép kín từ Bộ đến địa phương và các đầu mối liên lạc đặc biệt theo các mũi công tác, lưới điệp báo, bảo đảm kịp thời, thông suốt, an toàn, nhất là các tin tức tuyệt mật, phục vụ các chiến dịch lớn...
Đã chi viện những cán bộ ưu tú, tinh thông nghiệp vụ, chiến đấu sắc bén, bảo vệ vững chắc căn cứ, an toàn cho cán bộ lãnh đạo của ta từ Trung ương đến địa phương, làm nòng cốt chống xây dựng các đơn vị trinh sát vũ trang đặc biệt, thực hiện và đẩy mạnh tiêu diệt những tên cầm đầu nguy hiểm, có nhiều tội ác, lập lên những chiến công vang dội như: Đoàn 180, An ninh vũ trang miền Nam vừa bảo vệ, vừa chiến đấu 413 trận lớn, nhỏ của địch cần quét, tập kích vào căn cứ Trung ương Cục; Phân đội An ninh vũ trang Sài Gòn - Gia Định dũng cảm chiến đấu bảo vệ Bộ Tư lệnh tiền phương II trong đợt Tết Mậu Thân năm 1968, có 10/12 chiến sỹ hy sinh, 2 chiến sỹ bị thương nặng, bị địch bắt giữ, tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung, không khai báo; đơn vị Trinh sát vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức chặn đánh xe chở Thủ tướng Trần Văn; đặt thuốc nổ tại nơi làm việc của Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động, kiêm Đảng trưởng Đảng Công nông; tiêu diệt Nguyễn Văn Bông, Hiệu trưởng Trường Quốc gia hành chính, Chủ tịch Đảng Cấp tiến; Thượng sỹ Trần Văn Cường, an ninh vũ trang T4 ném mìn tiêu diệt tướng 2 sao Nguyễn Văn Kiểm, Tham mưu trưởng Biệt phủ Tổng thống Ngụy vào cuối năm 1968; làm nòng cốt trong cuộc tấn công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đánh sập hệ thống chính quyền thành phố Huế...
Ngoài ra, lực lượng chi viện tích cực tham gia thành lập 21 trại giam, trại tạm giam các đối tượng tình báo, biệt kích, thám bảo, phản động phục vụ khai thác tin tức, giáo dục cải tạo; chi viện bộ khung, mở các lớp đào tạo nghiệp vụ tại chỗ, đáp ứng yêu cầu phát triển của An ninh miền Nam, nhất là vừa đào tạo, vừa chiến đấu với 08 lần sơ tán, di chuyển vị trí, nhưng đã biên soạn 560 tài liệu, giáo án, đào tạo được 70 khóa học, hơn 5.000 lượt cán bộ, chiến sỹ, bồi dưỡng 15.463 cán bộ an ninh cơ sở. Hàng trăm cán bộ y tế, hậu cần cùng nhiều phương tiện, vũ khí đã được chi viện, tăng cường cho chiến trường miền Nam. Các cán bộ, y bác sỹ không quản khó khăn, thiếu thốn, sáng tạo điều chế ra nhiều loại thuốc điều trị, sáng tạo các loại công cụ phục vụ chữa bệnh, phục hồi sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ; đội phẫu thuật tiền phương nhanh chóng tiếp quản Bệnh viện Cảnh sát quốc gia của Ngụy quân Sài Gòn trong chiến thắng lịch sử năm 1975 để bắt tay ngay vào việc cấp cứu kịp thời, phục vụ cho chiến trường ác liệt.
Để lập được những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc trên, đã có 909 cán bộ, chiến sỹ hy sinh trên khắp các chiến trường miền Nam; 46 đồng chí bị địch bắt, tù đầy; hàng trăm đồng chí bị thương tật, nhiễm chất độc da cam, mắc các bệnh hiểm nghèo do di chứng chiến tranh. Đó là những minh chứng cho sự hy sinh kiên trung của lực lượng CAND trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của lãnh đạo Đảng, nhà nước, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng trao Danh hiệu “Anh hùng lượng lượng vũ trang nhân dân” cho Lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam”.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tri ân những công lao đóng góp của lực lượng an ninh miền Nam, trong đó có các đồng chí an ninh tại chiến trường miền Nam và lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam. Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công và gia đình người có công, trong đó có lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam, chăm lo đời sống, tạo điều kiện tốt hơn về chỗ ở, chăm sóc sức khỏe, tổ chức cuộc sống vui khỏe hạnh phúc cho cán bộ và gia đình. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách xã hội đối với gia đình là cơ sở, là lực lượng nòng cốt đã hỗ trợ, che chở, giúp đỡ lực lượng an ninh miền Nam hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn các đồng chí Công an lão thành, các đồng chí thế hệ cha anh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, luôn luôn nêu cao bản lĩnh cách mạng, phẩm chất đạo đức và tinh thần khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tiếp tục duy trì bền vững hoạt động của Ban liên lạc, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn các đồng chí CA lão thành, các đồng chí thế hệ cha anh, khi trở về với cuộc sống đời thường tiếp tục cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; các đồng chí luôn là tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Bộ trưởng Tô Lâm cũng mong rằng mỗi cán bộ chiến sĩ CAND sẽ không ngừng nỗ lực, cố gắng trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ về mọi mặt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước.
Thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng CAND quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Cán bộ, chiến sỹ lực lượng CAND nguyện một lòng tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm Sáu điều Bác Hồ dạy, đoàn kết thống nhất, nêu cao tinh thần “Phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”, gương mẫu, tiên phong, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước bằng những hành động sáng tạo, thiết thực, xứng đáng với sự tin cậy và quan tâm chăm lo đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các thế hệ cha anh đi trước.
Trước tình hình mưa lũ lớn liên tục, kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề đến một số tỉnh miền Trung, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về việc nhân dân trong và ngoài nước tiếp tục động viên, giúp đỡ người nghèo, người gặp hoạn nạn khó khăn và đồng bào lũ lụt, Bộ trưởng Tô Lâm kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND với tình cảm và trách nhiệm của mình tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn, quyên góp ủng hộ, chung tay hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm phục hồi sản xuất và ổn định đời sống.