Lực lượng Cảnh sát nhân dân mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ
Ngày 21/6, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết các chuyên án điển hình của lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) giai đoạn 2011 - 2021. Đây là nội dung quan trọng theo chương trình công tác năm 2022 và là một trong những hoạt động trọng tâm chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962 - 20/7/2022).
Đến dự, chỉ đạo hội nghị có đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Cùng dự có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự, tạm giữ, tạm giam Bộ Công an, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an.
Về phía Công an các đơn vị, địa phương tham dự hội nghị có lãnh đạo, chỉ huy cốt cán thuộc lực lượng CSND.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ: Trong giai đoạn 2011 - 2021, lực lượng CSND đã xác lập, đấu tranh hàng chục nghìn chuyên án điển hình (tăng hơn 70% so với giai đoạn 2000 - 2010).
Quá trình xác lập và đấu tranh chuyên án, lực lượng CSND thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an và cấp ủy, người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương; sự phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa nhiều lực lượng trong và ngoài ngành Công an; áp dụng đồng bộ, linh hoạt các chiến thuật, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ.
Từ những kết quả trên đã góp phần phát hiện, đấu tranh khám phá nhiều chuyên án, vụ án lớn, điển hình, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội; nhận diện, đánh đúng, đánh trúng các băng nhóm, đường dây tội phạm về hình sự, tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, ma túy, môi trường, công nghệ cao, góp phần ngăn chặn, kiềm chế gia tăng tội phạm, bảo đảm tốt trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: Thông qua tổng kết những chuyên án điển hình trong vòng 10 năm qua, lực lượng CSND đánh giá, nhận diện những vấn đề mới, tội phạm phi truyền thống, bổ sung những lý luận về đấu tranh tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài.
Qua tổng kết, nghiên cứu sẽ chỉ ra được những giải pháp đổi mới, đấu tranh chuyên án theo hướng linh hoạt, an toàn, bảo mật, phù hợp với tình hình diễn biến tội phạm hiện nay. Công tác chỉ huy, chỉ đạo phối hợp giữa các đơn vị phải đổi mới, nhanh chóng hơn, đề xuất cụ thể, sát với yêu cầu tình hình thực tiễn, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo trong đấu tranh chuyên án với tội phạm nhất là bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 phát triển mạnh mẽ…
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, qua tổng kết những chuyên án điển hình của lực lượng CSND, Công an các đơn vị, địa phương cũng xác định rõ những khó khăn, tồn tại và có giải pháp khắc phục. Trong các báo cáo tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu các đơn vị tập trung trí tuệ, thẳng thắn phát biểu, hiến kế, đưa ra những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh các chuyên án.
Dưới sự chủ trì tham luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, đại diện các đơn vị đã tập trung đánh giá về những bài học kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả đấu tranh với các chuyên án cũng như chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Lần lượt các đơn vị gồm Cục Cảnh sát hình sự; Công an tỉnh Phú Thọ; Cục CSĐT tội phạm về ma túy; Công an TP Hồ Chí Minh; Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Công an tỉnh Quảng Nam; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao...đã nêu bật những bài học về các chuyên án được triển khai trong thời gian qua; những kinh nghiệm quý trong việc xác định nguồn, hướng đấu tranh, áp dụng nhuần nhuyễn, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ truyền thống và hiện đại; phương hướng nhận diện các loại tội phạm trong tình hình hiện nay và giai đoạn sắp tới, cũng như biện pháp đấu tranh, phòng, chống hiệu quả đối với những hệ, loại tội phạm này…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương, đánh giá cao thành tích, chiến công, những dấu ấn nổi bật trong công tác đấu tranh chuyên án, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang, làm nên “thương hiệu” của lực lượng CSND. Điển hình trên lĩnh vực hình sự là các chuyên án đấu tranh với băng nhóm, tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” Năm Cam ở TP Hồ Chí Minh, Khánh “trắng” ở TP Hà Nội; các chuyên án truy xét, điều tra khám phá các vụ trọng án giết 3 người cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở tỉnh Bắc Giang, các vụ giết 4 người ở TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái, Gia Lai, Nghệ An, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc; vụ giết 6 người tại Bình Phước.
Về ma túy là chuyên án triệt phá đường dây do Tráng A Tàng cầm đầu (bắt giữ gần 10 đối tượng, chứng minh các đối tượng mua bán trái phép hơn 2.100 bánh heroin); chuyên án triệt phá 5 đường dây mua bán, vận chuyển hơn 32.000 bánh heroin, khởi tố điều tra 147 bị can, bắt 118 bị can, truy nã 27 bị can...
Những năm gần đây đã triệt phá nhiều chuyên án kinh tế lớn, điều tra các vụ “đại án” được đánh giá là “điểm sáng” trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, như chuyên án đấu tranh làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Đức Kiên (ngân hàng ACB) và đồng phạm; chuyên án truy xét đấu tranh mở rộng vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (ngân hàng Vietinbank) và đồng phạm; chuyên án đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội xảy ra tại Công ty Việt Á, các đơn vị liên quan và CDC các địa phương...
“Thời gian tới, dưới tác động của cách mạng khoa học, công nghệ, những ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, dự báo tội phạm xuất hiện đa dạng, phạm vi rộng hơn và phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, diễn ra nhanh hơn. Do đó, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi lực lượng CSND phải tiếp tục đổi mới tư duy, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, trong đó có đấu tranh chuyên án”- Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu, lực lượng CSND tiếp tục thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò và khẳng định công tác đấu tranh chuyên án là hoạt động nghiệp vụ đặc biệt quan trọng, có tính chiến đấu cao, là vũ khí sắc bén của lực lượng CSND. Do vậy, luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, thống nhất của cấp ủy, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương.
Cùng với tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của các biện pháp nghiệp vụ truyền thống cần linh hoạt áp dụng các biện pháp hiện đại và tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao hiệu quả đấu tranh chuyên án, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm từ xa, từ sớm.
Chú trọng sơ kết, tổng kết các chuyên án, vụ án lớn, điển hình trên các lĩnh vực để bổ sung lý luận nghiệp vụ ngành Công an; rút ra những vấn đề liên quan để kiến nghị các ngành, các cấp khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản trị quốc gia, quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Đồng thời, phối hợp cơ quan báo chí, điện ảnh, truyền hình trong và ngoài ngành tuyên truyền, chuyển tải thành các tác phẩm văn học, nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh, ấn phẩm văn hóa có giá trị lâu dài, tái hiện cuộc chiến đấu phức tạp, bản lĩnh, mưu trí, hy sinh thầm lặng của CBCS CSND trong sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống.
Bộ trưởng Tô Lâm giao nhiệm vụ và tin tưởng lực lượng CSND sẽ tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, lập nhiều chiến công trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh chuyên án, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng với danh hiệu “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ”.