Lực lượng Công an các tỉnh Nam Trung bộ: Vừa khắc phục hậu quả bão số 9 vừa triển khai ứng phó bão số 10
Ngày 3-11, trước diễn biến phức tạp của bão số 10, CA các tỉnh Nam Trung bộ từ Đà Nẵng đến Phú Yên khẩn trương triển khai các phương án ứng phó, đồng thời tiếp tục cử lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra. Hàng nghìn cán bộ chiến sĩ (CBCS) đã được huy động tỏa về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển để thực hiện 'nhiệm vụ kép'...
Ngày 3-11, trước diễn biến phức tạp của bão số 10, CA các tỉnh Nam Trung bộ từ Đà Nẵng đến Phú Yên khẩn trương triển khai các phương án ứng phó, đồng thời tiếp tục cử lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra. Hàng nghìn cán bộ chiến sĩ (CBCS) đã được huy động tỏa về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển để thực hiện "nhiệm vụ kép"...
Ngày 3-11, Giám đốc CATP Đà Nẵng có văn bản yêu cầu CA các đơn vị địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống bão số 10. Theo đó, CA các đơn vị, địa phương phối hợp với BĐBP không cho tàu thuyền ra khơi, bố trí lực lượng, phương tiện phòng cháy chữa cháy ứng trực tại khu vực Âu thuyền cảng cá Thọ Quang sẵn sàng xử lý các tình huống cháy nổ; có phương án phân công cụ thể lực lượng kiểm soát, điều hòa, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nguy hiểm, gió lớn, sạt lở, các khu vực nhà cao tầng, khu vực bị ngập úng… sẵn sàng phương tiện, lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ, nhất là các địa phương Hòa Vang, Sơn Trà, Liên Chiểu…
CA các quận, huyện chủ động tham mưu chính quyền địa phương rà soát nhà, công trình có nguy cơ bị tốc mái, sập đổ do bão, lũ, khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất đồng thời sẵn sàng phối hợp triển khai công tác sơ tán dân, đảm bảo ANTT tại khu vực sơ tán đi và đến, các khu vực có công trình đang thi công. CAH Hòa Vang chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, trọng điểm như đập An Trạch, Hà Thanh, hồ chứa Đồng Nghệ, Hòa Trung để đảm bảo ANTT, chủ động hỗ trợ nhân dân trên địa bàn ứng phó với bão số 10.
Theo Đại tá Phan Công Bình- Giám đốc CA tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện chỉ đạo của Bộ CA và UBND tỉnh Quảng Ngãi, Giám đốc CA tỉnh đã chỉ đạo CA 3 huyện miền núi Sơn Tây, Minh Long và Sơn Hà phối hợp với BĐBP tổ chức sơ tán, di dời dân, cán bộ, công nhân đang ở những khu vực đã và đang bị sạt lở đến nơi tránh trú an toàn; tuyên truyền, vận động người dân không được rời khỏi nơi tránh trú. Đến cuối chiều ngày 3-11, các lực lượng đã cơ bản hoàn thành việc sơ tán dân đến nơi an toàn. Trong khi đó, CA các huyện Bình Sơn và Lý Sơn phối hợp với BĐBP kiểm tra, giám sát các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động và phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ- Lý Sơn và ngược lại, sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm "4 tại chỗ" để kịp thời tổ chức ứng phó thiên tai. CATP Quảng Ngãi kiểm tra, yêu cầu các nhà thầu trên sông Trà Khúc thực hiện nghiêm lệnh phòng chống bão, không để công nhân mắc kẹt giữa sông như trong cơn bão số 9. Các phòng nghiệp vụ và CAH Bình Sơn được giao nhiệm vụ kiểm tra công trình xây dựng, nhà máy, công xưởng tại khu kinh tế Dung Quất, rà soát công tác phòng chống bão tại đây.
Tại Quảng Nam, Đại tá Huỳnh Sông Thu- Phó Giám đốc CA tỉnh cho biết, trừ các lực lượng tiếp tục tham gia tìm kiếm, cứu nạn và cứu trợ tại 2 huyện Phước Sơn, Nam Trà My, các lực lượng khác, đặc biệt nhất là CAH, CAX đến tận làng, bản để tuyên truyền người dân chủ động phòng chống bão, kiểm tra rà soát và kiên quyết di dời, sơ tán người dân, tài sản ở những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất đến nơi an toàn trước 11 giờ ngày 4-11 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, CA tỉnh đã phân công lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại ở những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi có nguy cơ bị sạt lở đất; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là những nơi có nguy cơ dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ và kêu gọi người dân tự chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống từ 7- 10 ngày. CA tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải bố trí lực lượng tại các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông đi lại an toàn, nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là các phương tiện chở người khi có bão.
Tại Phú Yên, Đại tá Phan Thanh Tám- Giám đốc CA tỉnh Phú Yên thông tin, mặc dù người dân trong tỉnh, nhất là cư dân ven biển rất chủ động trong việc phòng chống bão, song CA tỉnh vẫn chỉ đạo lực lượng không chủ quan, sẵn sàng các biện pháp ứng phó bão số 10. Lực lượng CA các địa phương phối hợp với BĐBP kiểm tra các khu dân cư ven biển thuộc TP Tuy Hòa, H. Tuy An, H, Đông Hòa, thị xã Sông Cầu- nơi thường xuyên bị biển xâm thực và sạt lở, kiên quyết đưa các hộ có nhà không đảm bảo an toàn đến nơi trú tránh, kiên quyết đưa người dân rời khỏi các lồng bè nuôi thủy hải sản. Đặc biệt, tại các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân, CA các huyện được yêu cầu phải khảo sát địa chất, địa hình các vùng có nguy cơ sạt lở, tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức di dời dân đến nơi an toàn, nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng ngập sâu, vớt củi trên sông, suối.
Ngày 3-11, sau khi tham gia đoàn khảo sát liên ngành đi khảo sát thực địa các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên địa bàn H. Vĩnh Thạnh và H. Vân Canh, Đại tá Võ Đức Nguyên- Giám đốc CA tỉnh Bình Định cho biết, tại 59 điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên địa bàn toàn tỉnh CA tỉnh đã chỉ đạo CA các huyện tiếp tục nắm tình hình, tham nưu chính quyền địa phương cảnh báo, vận động người dân di dời. Các địa bàn ven biển như TP Quy Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, do UBND tỉnh đã ban lệnh cấm biển từ chiều 2-11, nên CA tỉnh tập trung tuyên truyền và phối hợp với các lực lượng tổ chức nắm bắt số lượng các hộ cần di dời để sẵn sàng tổ chức đưa dân đến nơi an toàn khi bão đổ bộ, cắt cử lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu nạn cứu hộ và đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt, tại vùng biển Tam Quan, người dân sống gần kè biển được cảnh báo sớm để di dời và buộc di dời.