Lực lượng CSGT được tạm giữ phương tiện và cẩu ô tô đỗ sai quy định trong trường hợp nào?
Chiều 23/7, Đội CSGT Cát Lái trong khi làm nhiệm vụ phát hiện chiếc xe Mercedes GLS đỗ sai quy định trên xa lộ Hà Nội, quận 2 (TP.HCM). Lực lượng chức năng tới tiến hành kiểm tra nhưng lái xe đóng cửa bỏ đi, sau đó quay lại nhưng ngồi trong xe nên CSGT đã cưỡng chế, cẩu phương tiện về đồn.
Liên quan đến vụ việc trên, nhiều người dân đặt câu hỏi: "Với những lỗi vi phạm giao thông nào thị bị cảnh sát tạm giữ phương tiện và khi nào thì cảnh sát được quyền cẩu ô tô đỗ sai quy định?"
Làm rõ nội dung này, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ nêu rõ:
Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm. Một số lỗi vi phạm phổ biến sẽ bị CSGT tạm giữ phương tiện bao gồm:
- Điều khiển ô tô, xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức an toàn được phép điều khiển phương tiện giao thông;
- Người điều khiển ô tô, mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;
- Người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ;
- Điều khiển ô tô lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường; người vi phạm mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông;
- Điều khiển ô tô không có Giấy đăng ký xe, không có biển số; không đủ kiều kiện an toàn kĩ thuật;
- Điều khiển xe môtô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;
- Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có Giấy đăng ký xe theo quy định; Sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp; Điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong Giấy đăng ký xe; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe khi có tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe; chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
Cũng theo luật sư Hồng Vân, các trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện được quy định cụ thể tại Điều 78 nêu trên. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì “việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết". Đó là:
- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;
- Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.”
Như vậy, nếu người điều khiển xe chỉ có lỗi đỗ xe trái quy định thì sẽ không thuộc trường hợp được nêu tại Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời có mặt khi bị kiểm tra, có xuất trình các giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe ô tô thì sẽ không bị tạm giữ phương tiện, mà theo thứ tự sẽ tạm giữ giấy tờ theo quy định.
Còn trong trường hợp người vi phạm vắng mặt, cố tình bỏ đi khi bị kiểm tra hoặc không có/không mang giấy tờ hoặc có mang nhưng không chịu xuất trình giấy tờ để tạm giữ thì cơ quan chức năng có quyền áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm.