Lực lượng đặc công Phú Yên góp phần làm nên chiến thắng 1/4

Đại đội Trinh sát 202 tổ chức huấn luyện. Ảnh: XUÂN HIẾU

Trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng đặc công Phú Yên đã tham gia tác chiến, tiêu diệt sinh lực địch, diệt một số chốt điểm, góp phần cùng quân dân trong tỉnh và các lực lượng giải phóng TX Tuy Hòa và giải phóng tỉnh nhà vào lúc 11 giờ ngày 1/4/1975.

Lực lượng “xuất quỷ nhập thần”

Từ năm 1960 đến ngày giải phóng, lực lượng đặc công Phú Yên đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận, nhiều trận đạt thành tích và hiệu quả cao, cùng lực lượng vũ trang tỉnh liên tiếp đánh bại các cuộc càn quét, chiến dịch lớn của địch. Đại đội 202, Đại đội 3 đặc công của Tiểu đoàn 96 và 6 cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều tập thể và cá nhân của binh chủng Đặc công Phú Yên được tặng thưởng nhiều huân chương và phần thưởng cao quý khác.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhằm tăng cường sức chiến đấu cho quân dân Phú Yên chống lại cuộc hành quân Át-lăng của giặc Pháp, ngày 6/4/1954, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 điều động đồng chí Lê Văn Tân, Trung đội trưởng Đặc công Liên khu 5 về Phú Yên huấn luyện cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, “lấy ít địch nhiều” cho đơn vị B15 (Tỉnh đội Phú Yên).

Sau hơn 20 ngày huấn luyện, đêm 28 rạng ngày 29/4/1954, 7 đồng chí B15 với trang bị chủ yếu là thủ pháo, dưới sự chỉ huy của đồng chí Tân đã “xuất quỷ nhập thần” tập kích đồn Hồ Sơn - một đồn giặc khá kiên cố ở phía đông bắc TX Tuy Hòa. Chỉ sau vài phút chiến đấu, đặc công ta đã xóa sổ một trung đội địch.

Sau khi ra quân đánh thắng trận đầu, Đặc công B15 tiếp tục tập kích các cứ điểm Màng Màng (Bình Kiến), Núi Sầm (Hòa Trị)… gây cho địch nhiều thiệt hại và hoang mang lo sợ; cùng quân và dân trong tỉnh đánh bại chiến dịch Át-lăng của địch, góp phần chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đại úy Trần Trọng Hảo, Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát 202 (Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, sau khi Nghị quyết 15 của Trung ương (tháng 1/1959) ra đời, tháng 10/1959, một tổ đặc công gồm 5 đồng chí thuộc Tiểu đoàn 323 Đặc công Quân khu 5 được điều về làm nòng cốt phát triển lực lượng đặc công của Phú Yên. Đây là tổ đặc công đầu tiên của tỉnh trong giai đoạn này và cũng là tiền thân của Đại đội Đặc công 202 (được thành lập ngày 20/2/1964) và Đại đội Trinh sát 202 hiện nay.

Đến thời điểm trước khi mở màn Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, ngoài 5 đại đội đặc công của tỉnh (mỗi đại đội từ 30-40 người), mỗi huyện đều có một đại đội đặc công (25-30 người/đại đội), như Tuy Hòa 1: Đại đội 203, Tuy Hòa 2: Đại đội 204, Tuy An: Đại đội 205, Sông Cầu: Đại đội 206, Đồng Xuân: Đại đội 207, Miền Tây: Đại đội 209. Ngoài ra, Tỉnh đội còn tổ chức một đội biệt động nữ, trực thuộc Ban Đặc công Tỉnh đội. Tuy quân số không đông, nhưng với khả năng và trình độ chiến thuật cao, mỗi phân đội, đại đội đặc công của ta có thể diệt gọn một đại đội địch trong công sự vững chắc.

Chiến thắng giòn giã

Đội nữ biệt động Tỉnh đội Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ (chụp lại ảnh tư liệu)

Đội nữ biệt động Tỉnh đội Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ (chụp lại ảnh tư liệu)

Theo “Lịch sử lực lượng đặc công Phú Yên”, thực hiện nhiệm vụ mở màn chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 trên chiến trường Phú Yên, 3 giờ ngày 17/3, Đại đội đặc công 202 tập kích cứ điểm Núi Tranh (Hòa Quang - Tuy Hòa 2), do một đại đội thuộc Tiểu đoàn 220 bảo an đóng giữ. Cứ điểm này trước đó do lính Nam Triều Tiên chốt giữ, công sự hết sức kiên cố và vững chắc.

Gần 30 phút chiến đấu, tiến công ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa, tiêu diệt và làm bị thương 43 tên, bắt sống 1 tên, thu 5 súng, 1 máy PRC-25; phá hủy 1 súng cối 60 ly, 1 tiểu liên. Đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ khơi ngòi kéo địch giải tỏa, để cho Tiểu đoàn 96 bộ binh chặn đánh tiêu diệt thêm 2 đại đội của Tiểu đoàn 220 bảo an, thu vũ khí, bắt tù binh… Chiến thắng Núi Tranh như ngòi pháo mở đầu cho hướng trọng điểm phát triển thắng lợi giòn giã.

Ngày 19/3, Đại đội 203 đặc công tập kích trụ sở Phước Bình (xã Hòa Thành - Tuy Hòa 1) và hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 21/3, Đại đội 203 đặc công phối hợp với Đại đội 7 đặc công và Đại đội 377 bộ binh huyện Tuy Hòa 1 chốt chặn đường 5; chặn đánh quyết liệt bọn địch giải tỏa từ quốc lộ 1 lên, diệt hơn 40 tên.

Đêm 21/3, Đại đội 25 đặc công được sự chi viện hỏa lực của Tiểu đoàn 189 pháo binh đã tập kích vào bãi xe bắc Hòn Kén và sông Nhau, phá hủy 50 xe quân sự, diệt 100 tên địch.

Đêm 23/3, Đại đội 203 đặc công Tuy Hòa 1 và Đại đội 377 tập kích tiêu diệt bọn địch chốt ở cầu Tổng (Phú Thứ, xã Hòa Bình), xây dựng công sự và chốt giữ khu vực này sẵn sàng đánh địch phản kích. Trong khi đó, Đại đội 205 đặc công huyện Tuy An tập kích trung đội dân vệ ở xã An Hải, diệt và làm bị thương 24 tên, thu 8 súng. Tiếp đó, đại đội cơ động qua quốc lộ 1 về chiếm lĩnh khu vực chùa Tổ (An Cư), chuẩn bị và phối hợp với bộ đội chủ lực đánh chiếm quận lỵ, chi khu Tuy An.

Để thực hiện nhiệm vụ của mặt trận, toàn bộ các lực lượng phải liên tục tiến công, bao vây chia cắt quân địch để tiêu diệt. Đêm 24/3, Đại đội 201 và Đại đội 25 tập kích bãi xe Sông Nhau, diệt 40 tên, phá hủy 30 xe quân sự.

Ngày 25/3, được sự chi viện đắc lực của pháo binh, không quân, đại bộ phận quân địch trên đường 5 quyết mở đường máu chạy về Tuy Hòa, Phú Lâm. Các lực lượng ta vây bắt, chặn đánh quyết liệt. 14 giờ 30, Đại đội 25 và Đại đội 201 chớp thời cơ địch rối loạn đã tổ chức tiến công từ phía sau đội hình của chúng, diệt hàng trăm tên, bắt sống 500 tên, thu 300 súng các loại. Bị đánh bất ngờ địch càng hoảng loạn, cơ giới và bộ binh đạp chồng lên nhau tháo chạy.

Trong khi đó, các đại đội đặc công huyện phối hợp cùng với các lực lượng vũ trang khác liên tục tiến công đánh địch trên khắp các địa bàn, làm tiêu hao sinh lực địch, tạo thế chiến trường chung, chuẩn bị sẵn sàng giải phóng các quận lỵ, chi khu…

Trận đánh quyết định

Cũng theo “Lịch sử lực lượng đặc công Phú Yên”, sáng 1/4/1975, Tiểu đoàn 96 và một bộ phận Tiểu đoàn 189 tiến công điểm chốt Núi Sầm, diệt và bắt sống 100 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 2 pháo 105 ly. Cùng ngày, Đại đội 206 đặc công huyện Sông Cầu vừa cơ động vừa đánh địch từ Xuân Lộc và thị trấn Sông Cầu và đánh chiếm quận lỵ, chi khu Sông Cầu lúc 10 giờ. Đại đội 207 đặc công huyện Đồng Xuân cùng các lực lượng khác đánh chiếm, tiếp quản và làm chủ quận lỵ chi khu La Hai; truy kích Tiểu đoàn 238 bảo an bị tan rã tháo chạy xuống huyện Tuy An đầu hàng vô điều kiện. 8 giờ sáng 1/4, tên thiếu tá Độ cùng số sĩ quan ngụy quyền ở chi khu Tuy An tháo chạy; quần chúng nổi dậy làm chủ cùng lực lượng ta vào tiếp quản quận lỵ chi khu Tuy An lúc 11 giờ. Đại đội 209 đặc công huyện Miền Tây, tập kích đại đội bảo an đóng ở đồn Cà Lúi. Nghe các nơi bị tiến công dồn dập, bọn địch hoảng hốt tháo chạy, ta chiếm lĩnh và làm chủ, giải phóng khu dồn, đưa đồng bào các dân tộc trở về buôn làng cũ. Đại đội 204 đặc công huyện Tuy Hòa 2 tổ chức đánh địch ở khu vực Phong Niên (Hòa Thắng), phối hợp dẫn đường cho bộ đội chủ lực có xe tăng, pháo binh chi viện đánh chiếm TX Tuy Hòa.

Đến 11 giờ ngày 1/4/1975, TX Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên được hoàn toàn giải phóng. Các lực lượng đặc công của tỉnh đã góp phần xứng đáng của mình vào chiến thắng này và chiến công chung có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc trong Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

HIẾU NGHĨA

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/236478/luc-luong-dac-cong-phu-yen-gop-phan-lam-nen-chien-thang-1-4.html