Lực lượng đi đầu phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Australia

Australia là một trong các quốc gia mà phong trào phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam phát triển mạnh, trong đó nổi bật là hoạt động của Liên đoàn Thủy thủ Australia.

Họ là những người đi tiên phong với nhiều hoạt động trong thời gian chiến tranh và cả sau khi chiến tranh kết thúc nhằm ủng hộ người dân Việt Nam, ủng hộ chính nghĩa. Sự tích cực và nỗ lực hết mình của các thủy thủ thuộc Liên đoàn Thủy thủ Australia đã góp phần tạo nên sự ủng hộ Việt Nam sâu rộng tại Australia thời gian đó.

Bức ảnh chụp các thủy thủ trên tàu Boonaroo được treo tại văn phòng của Liên đoàn Hàng hải Australia (MUA). Nguồn: MUA

Bức ảnh chụp các thủy thủ trên tàu Boonaroo được treo tại văn phòng của Liên đoàn Hàng hải Australia (MUA). Nguồn: MUA

Liên đoàn Thủy thủ Australia (SUA) là một lực lượng cấp tiến tại Australia khi từ năm 1948, liên đoàn đã khẳng định quyết tâm “đấu tranh vì hòa bình trên mọi mặt trận và chống lại mọi lý do dẫn đến chiến tranh”. Liên đoàn có nhiều hoạt động để thúc đẩy hòa bình, giải pháp vũ khí như phản đối Australia cùng Mỹ can dự vào cuộc chiến tranh Triều Tiên hay khởi động phong trào phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam tại Australia.

Một số thủy thủ của tàu Boonaroo và tàu Jeparit phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam.

Một số thủy thủ của tàu Boonaroo và tàu Jeparit phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam.

Ông Joe Deakin, một thành viên tích cực của liên đoàn đã tham gia các hoạt động chống lại cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam từ khi là thành viên của Đảng Cộng sản. Sau này, khi trở thành thành viên của Liên đoàn Thủy thủ Australia, ông Joe Deakin lại tiếp tục chia sẻ mối quan tâm này với các thành viên của liên đoàn:

“Tôi đến từ một gia đình có niềm tin mãnh liệt vào sự độc lập, vào việc một quốc gia có thể tự định đoạt số phận của mình mà không bị thao túng, bắt nạt, không bị quốc gia khác xâm lược vì thế mà gia đình tôi luôn biết trước được cuộc chiến này sẽ dẫn tới đâu, chúng tôi biết cuộc chiến này sẽ mang đến những điều tồi tệ cho người dân Việt Nam”.

Ông Joe Deakin.

Ông Joe Deakin.

Vào những năm 1960, thông tin bị cát cứ nên đa số người dân Australia chỉ biết về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam qua những tin tức do chính phủ cung cấp hoặc qua các nguồn tin phương Tây. Vào thời điểm đó, thủy thủ đã trở thành những nguồn tin đáng tin cậy vì họ được đi nhiều nơi, được gặp nhiều người nên hiểu rõ hơn về những khía cạnh khác của cuộc chiến, khía cạnh chân thực với những con người cụ thể mà họ từng gặp. Vì thế, nhiều thủy thủ như ông Joe Deakin thấy rằng mình cần phải có trách nhiệm đưa những thông tin này tới người dân Australia:

“Chúng tôi nói chuyện với mọi người. Đối thoại là cách thức tốt nhất và không có điều gì có thể tốt hơn là đối thoại. Khi bắt đầu lên tàu, các thành viên của liên đoàn bắt đầu nói chuyện với các thủy thủ và khi họ hiểu ra rằng điều gì đang diễn ra, họ không cần liên đoàn phải thuyết phục nữa. Họ tự lan truyền các thông tin này và rồi công nhân các nhà máy, công nhân, nông dân, thủy thủ…. đều cùng lên tiếng rằng đây là cuộc chiến phi lý của Mỹ và chúng ta cần chấm dứt nó”.

Thông tin về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam được chia sẻ qua nhiều cuộc nói chuyện và còn được viết lên cả tạp chí của Liên đoàn Thủy thủ. Tiếng nói phản đối chiến tranh càng trở nên mạnh mẽ hơn khi nhận được sự ủng hộ của Liên đoàn Thủy thủ Australia. Liên đoàn đã tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của các thành viên để thảo luận về tình hình và nhận được sự ủng hộ của hầu hết mọi người.

Ông Reg Pickering, một thủy thủ tham dự cuộc họp này nhớ lại: “Liên đoàn đã tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của tất cả các thành viên của liên đoàn ở mọi cảng biển của Australia. Cuộc họp đã thảo luận về mọi khía cạnh của cuộc chiến và tôi rất tự hào là tất cả các thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ quan điểm của chúng tôi chống lại cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Một người bạn của tôi là ông Regi đã tham dự cuộc họp và có bài phát biểu rất ấn tượng, được nhiều người ủng hộ. Chúng tôi không gặp khó khăn trong việc thuyết phục mọi người vì hầu hết mọi người biết rằng chúng tôi cần phải ủng hộ người dân Việt Nam”.

Ông Reg Pickering.

Ông Reg Pickering.

Khi ngày càng nhiều người hiểu hơn về tình hình Việt Nam thì tiếng nói phản đối cuộc chiến cũng gia tăng và ngày càng nhiều người xuống đường để yêu cầu chính phủ Australia rút quân khỏi Việt Nam. Ông Joe Deakin nhớ lại: “Tôi rất nhớ về hình ảnh của đông đảo người biểu tình chống lại cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Tôi đã rất phấn khởi và cảm thấy ấm lòng khi thấy số lượng người tham gia biểu tình ngày càng nhiều hơn. Mỗi khi ra phố nói chuyện với mọi người thì lại thấy có thêm nhiều người hơn nữa tham gia biểu tình”.

Không chỉ tham gia các cuộc tuần hành, biểu tình, thành viên Liên đoàn Thủy thủ Australia còn phản đối chiến tranh theo cách riêng của mình. Vào năm 1962, người lao động tại cảng Melbourne từ chối nhận hàng hóa là vũ khí hoặc các vật tư phục vụ chiến tranh như dây thép gai để chở đến Việt Nam hoặc từ chối điều khiển các con tàu này. Trong đó nổi bật là vụ tàu Boonaroo đã không cử thủy thủ lên tàu khi biết được tàu chuyên chở lều, xe cộ, vật tư y tế, dây thép gai… đến Việt Nam vào tháng 5/1966. Đến năm 1967, các thủy thủ trên tàu Boonaroo lại tiếp tục rời tàu khi phát hiện vũ khí được chuyển lên tàu để đưa tới Việt Nam. Sau này, chính quyền Australia buộc phải đáp ứng yêu cầu của các thủy thủ tàu Boonaroo nên đã không chuyển vũ khí và vật tư phục vụ chiến tranh lên tàu và khi đó Boonaroo mới bắt đầu hành trình đến Việt Nam với khẩu hiệu đầy tự hào được treo trên boong tàu “Thủy thủ tàu Boonaroo phản đối chiến tranh Việt Nam”.

Không chỉ có tàu Boonaroo, thủy thủ tàu Jeparit cũng đã từ chối ra khơi khi phát hiện tàu chuyên chở vũ khí và đạn dược tới Việt Nam.

Ông John Graham.

Ông John Graham.

Ông John Graham, một thủy thủ trên tàu Boonaroo nhớ lại, khi mới 24-25 tuổi, ông đã tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Mặc dù biết rằng vì hành động này mà ông và các bạn bè của mình phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, thậm chí là nguy cơ mất việc song vì đây là hành động đúng đắn nên ông đã không nao núng. Giờ đây, nhìn lại sau hơn 50 năm, ông John Graham cảm thấy tự hào vì đã tham gia phong trào này:

“Chúng tôi đã xuống đường tuần hành, tôi đã trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia ABC để thể hiện quan điểm của mình. Sở dĩ vào thời điểm đó chúng tôi làm như vậy vì cảm nhận rằng Australia đang bị lôi vào cuộc chiến này. Đa phần người dân Australia khi đó ủng hộ chiến tranh vì thế chúng tôi bị cô lập. Giờ đây tôi tự hào là đã cùng với các thủy thủ trên tàu Boonaroo đã đến Việt Nam với khẩu hiệu gắn trên tàu rằng thủy thủ tàu Boonaroo phản đối chiến tranh. Bây giờ mọi chuyện đã trở thành lịch sử và tôi cho rằng đa số người dân Australia khi nhìn lại cuộc chiến đếu muốn xin lỗi vì đã tham gia vào cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Khi nhìn lại tôi vẫn luôn cảm thấy tự hào vì mình đã mình đã là một phần của phong trào này”.

Khi Australia rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1971, Liên đoàn Thủy thủ Australia vẫn tiếp tục các hành động phản đối cuộc chiến của Mỹ bằng việc viết thư cho giới chức Mỹ, trong đó có Tổng thống Mỹ Nixon để kêu gọi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Vào tháng 10/1971, Liên đoàn Thủy thủ Australia cũng nỗ lực tìm kiếm nguồn tài chính để thông qua Liên đoàn phụ nữ Australia ủng hộ Bệnh viện Bà mẹ và trẻ em ở miền Trung Việt Nam.

Ông George Murray.

Ông George Murray.

Vào tháng 11/1974, Liên đoàn Thủy thủ Australia đã quyên góp 76.000 AUD để xây dựng một nhà trẻ ở Hải Phòng. Ông George Murray, một thành viên của Liên đoàn Thủy thủ Australia, đã có dịp cùng với người bạn của mình là ông Alan Oliver đến thăm nhà trẻ ở Hải Phòng vào năm 2006 cho biết, ông và các bạn bè của mình rất vui khi vào năm 1974, Liên đoàn Thủy thủ Australia đã quyên góp tiền để xây dựng nhà trẻ ở Hải Phòng, nơi đã từng bị bom Mỹ phá hoại:

“Ý tưởng quyên góp tiền xây dựng nhà trẻ tại Hải Phòng xuất phát từ việc trong thời kỳ chiến tranh, máy bay chiến đấu của Mỹ đã thả bom B52 xuống một trại trẻ mồ côi ở đây vì thế khi Liên đoàn Thủy thủ Australia phát hiện ra điều này thì đã quyết định quyên góp rất nhiều tiền để xây dựng một nhà trẻ. Nhà trẻ đã rất biết ơn trước hành động này của Liên đoàn Thủy thủy Australia vì thế khi có dịp, chúng tôi đã quay trở lại thăm nơi này”.

Tháng 7/2006, ông George Murray (áo trắng) cùng với bạn Alan Oliver đến thăm nhà trẻ tại Hải Phòng, nơi được xây dựng từ tiền quyên góp từ các thành viên SUA.

Tháng 7/2006, ông George Murray (áo trắng) cùng với bạn Alan Oliver đến thăm nhà trẻ tại Hải Phòng, nơi được xây dựng từ tiền quyên góp từ các thành viên SUA.

Không dừng lại ở đó, ngay cả khi chiến tranh kết thúc, Liên đoàn Thủy thủ Australia vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam. Vào năm 1978, khi lũ lụt tàn phá Việt Nam, Liên đoàn Thủy thủ Australia đã cùng với Liên đoàn Phụ nữ Australia và tổ chức Xã hội Australia - Việt Nam quyên góp tiền để mua 51 tấn sữa cùng nhiều quần áo để chuyển đến các gia đình khó khăn, các nhà trẻ và bệnh viện tại Việt Nam.

Năm 1985, Liên đoàn Thủy thủ Australia đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Đến năm 1992, Liên đoàn Thủy thủ Australia cũng đã kêu gọi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam.

Sự ủng hộ của Liên đoàn Thủy thủ Australia đối với Việt Nam trong quá khứ đã xây nên cây cầu để người dân hai nước hiểu hơn về nhau và viết tiếp những câu chuyện hợp tác trong tương lai.

Ông Paddy Crumlin.

Ông Paddy Crumlin.

Đây chính là điều mà ông Paddy Crumlin, Tổng thư ký Liên đoàn hàng hải Australia (MUA) muốn nhấn mạnh: “Chúng tôi đã ủng hộ Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ trong suốt thời kỳ chiến tranh. Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với người Việt Nam. Kể cả sau chiến tranh, chúng tôi cũng tham gia vào nỗ lực tái thiết Việt Nam. Bây giờ tôi tiếp tục có nhiều nỗ lực để mang lại nhiều cơ hội cho những người lao động trong khu vực, trong đó có những người lao động tại Việt Nam, dựa trên mối quan hệ sẵn có trong quá khứ. Điều này quan trọng đối với Việt Nam vì Việt Nam không chỉ là một quốc gia trong khu vực mà còn là một đại diện của phong trào cấp tiến”.

Với những người đã dành tuổi thanh xuân xuống đường phản đối chiến tranh Việt Nam như ông Reg Pickering, những hành động trong quá khứ không chỉ khiến ông và bạn bè của mình tự hào mà giờ đây, khi chứng kiến sự đổi thay của Việt Nam ông cũng rất vui vì đã góp phần tạo nên nền móng để Việt Nam có thể phát triển của được như ngày hôm nay:

“Sau chiến tranh chúng tôi đều rất đoàn kết với Việt Nam và chúng tôi rất tự hào về những hành động của mình trong quá khứ… Bây giờ, tôi và những người bạn của tôi đều nhìn thấy những thành tựu mà Việt Nam đạt được, các bạn có một đất nước tuyệt vời, các bạn đã tạo nên thành công của Việt Nam…Các bạn đã chứng minh là các bạn đã làm điều đúng đắn. Các bạn đã chứng minh được là Việt Nam là đất nước tự do và đây là điều khiến chúng ta cảm thấy rất tự hào”.

Việt Nga/VOV-Australia

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/luc-luong-di-dau-phong-trao-phan-doi-chien-tranh-viet-nam-tai-australia-post1195913.vov