Lực lượng dự bị động viên: Tích cực góp sức cho quê hương
Trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, 100% quân nhân xuất ngũ được tham gia vào ngạch dự bị động viên. Trong đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ dự bị đã năng động trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tích cực, trách nhiệm tham gia công tác xã hội.
Ngày đầu xuân Quý Mão, chúng tôi đến thăm cửa hàng bán thiết bị điện nước của anh Dương Văn Quang, tổ dân phố Mới, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang). Anh Quang đang giới thiệu cho khách hàng về các mặt hàng và cách lắp đặt bảo đảm tiện lợi, thẩm mỹ, phù hợp với từng công trình. Cùng với bán hàng, anh Quang nhận thi công các công trình điện nước, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động là hội viên hội cựu chiến binh, lực lượng dự bị động viên ở địa phương với mức lương từ 12 đến 15 triệu đồng/người/tháng. Nói về cơ ngơi hiện có, anh Quang cho biết: “Từng có thời gian học tập, rèn luyện trong quân ngũ đã giúp tôi có bản lĩnh vững vàng hơn. Trước những khó khăn, thách thức của cuộc sống, tôi luôn tìm cách vượt qua”.
Được biết, năm 2003, anh Quang nhập ngũ tại Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 (Quân khu 1). Nhờ quá trình nỗ lực phấn đấu nên năm 2004, anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Trung đoàn và được kết nạp vào Đảng. Năm 2005, anh xuất ngũ, trở về quê lập nghiệp. Lúc bấy giờ, có sức trẻ, lòng nhiệt huyết nên anh năng nổ tham gia các phong trào ở địa phương. Sau đó, anh được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Tổ đội trưởng dân quân, Tổ phó tổ dân phố. Anh cùng Ban Chấp hành Chi hội thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hội viên, từ đó đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để cấp trên quan tâm hỗ trợ hội viên vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. Đồng thời, giúp nhiều hội viên cựu chiến binh, lực lượng dự bị động viên có việc làm tại cửa hàng của gia đình mình.
Với bản tính cần cù, chịu khó lại ham học hỏi, quân nhân dự bị Trần Quang Hợp (SN 1980), thôn Lai Hòa, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) đã biến vùng đất đồi khô cằn thành vườn cây trĩu quả. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2002, anh bắt tay vào trồng cam. Sau 3 năm, vườn đồi đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch thì hơn một ha cây cam bị bệnh gân xanh, lá vàng… dẫn đến cây bị chết khô, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhìn khối tài sản “khô héo dần”, anh Hợp như người mất hồn. Cứ ngỡ sau thiệt hại lớn này anh sẽ từ bỏ trồng cam. Nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thất bại ở đâu, đứng lên ở đó, rút kinh nghiệm từ thất bại trước, anh Hợp tiếp tục vay vốn, học hỏi thêm kỹ thuật đầu tư khôi phục lại vườn cam Canh và trồng thêm gần một ha cam Vinh. Cứ như vậy, sau 3 năm tiếp theo khu vườn đồi gần 2 ha dần trở lại màu xanh cây trái. Cùng với cây cam, đến nay anh Hợp trồng thêm nhiều cây ăn quả khác như bưởi Diễn, nhãn, táo… cho thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng/năm và dự kiến tiếp tục tăng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, quân nhân dự bị Trần Quang Hợp còn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Từ khi rời quân ngũ về quê hương đến nay, anh tham gia nhiều cương vị như Trung đội trưởng Trung đội súng máy phòng không 12,7 mm xã Quý Sơn; Chi hội trưởng Hội Cựu quân nhân, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Lai Hòa… Ở cương vị nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đối với anh Nguyễn Đình Sức, thôn Bãi Cả Đồng Kim, xã Tiên Lục (Lạng Giang) hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2002, đứng trước nhiều sự lựa chọn cho tương lai, nhưng anh quyết định gắn bó với mảnh đất quê hương. Anh Sức đã lựa chọn mô hình chăn nuôi lợn thịt. Bước đầu khó khăn về vốn, anh vay 50 triệu đồng từ ngân hàng để xây chuồng, mua 30 con lợn giống. Vì còn thiếu kinh nghiệm, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên lứa lợn đầu tiên anh lỗ nặng. Không nản chí, anh nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi từ sách, báo và học hỏi nhiều nơi để có kiến thức. Lứa lợn thứ hai, anh tiếp tục vay vốn từ ngân hàng để mua 60 con lợn giống. Nhờ rút kinh nghiệm và thực hiện đúng kỹ thuật nên lợn lớn nhanh, khỏe mạnh. Đến nay, mô hình kết hợp chăn nuôi với trồng cây ăn quả của anh Sức mang lại hiệu quả cao, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nhiều người trong thôn thấy mô hình của anh mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã đến tìm hiểu, học hỏi. Anh Sức nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ họ về nhiều mặt. Cùng với phát triển kinh tế gia đình, anh Sức còn tham gia lực lượng dự bị động viên, được nhân dân địa phương tin tưởng bầu làm trưởng thôn từ năm 2013. Anh đã cùng với Ban quản lý thôn vận động nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất làm đường. Trong đó bản thân gia đình anh gương mẫu hiến 360 m2 đất ruộng để mở rộng đường liên thôn, đóng góp gần 20 triệu đồng xây dựng công trình công cộng. Là đảng viên, quân nhân dự bị, anh Sức không nề hà khó khăn, luôn nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ, được bà con quý mến.
Theo Đại tá Lê Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, trung bình mỗi năm, Bắc Giang có hơn 2 nghìn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Được rèn luyện trong quân ngũ, cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ của địa phương, đơn vị nên nhiều bộ đội sau khi xuất ngũ đã chủ động chọn được nghề phù hợp, phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 4 nghìn quân nhân dự bị tích cực tham gia vào các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương. Mỗi quân nhân dự bị đều gương mẫu vận động gia đình, nhân dân địa phương chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực xây dựng nông thôn mới, tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công, hàng nghìn m2 đất để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương thủy lợi; hoặc tham gia phong trào dọn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh ở những nơi công cộng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: Phạm Đoàn