Lực lượng Hamas đóng vai trò gì ở dải Gaza?
Nguy cơ chiến tranh toàn diện Israel - Palestine cận kề, trong khi Israel có khả năng đưa quân tới dải Gaza, Hamas là lực lượng chính ở phía Palestine.
Các vụ đụng độ "ăn miếng trả miếng" giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas những ngày qua được cho là dữ dội nhất kể từ cuộc chiến năm 2014 ở dải Gaza. Diễn biến này khiến cộng đồng quốc tế lo ngại tình hình có thể vượt tầm kiểm soát.
Căng thẳng leo thang ở dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem sau khi Israel áp đặt những hạn chế đối với tín đồ Hồi giáo Palestine trong tháng lễ Ramadan, đồng thời dự định trục xuất một số người Palestine tại Đông Jerusalem. Tình hình trở nên trầm trọng từ hôm 9/5, với việc người dân Palestine đã đụng độ nghiêm trọng với lực lượng an ninh Israel bên ngoài thánh đường Al-Aqsa ở Đông Jerusalem - địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo, khiến hơn 200 người bị thương.
Tới 14/5, căng thẳng đến đỉnh điểm khi Israel - Palestine liên tục nã pháo và tên lửa lẫn nhau. Israel bị nghi đưa quân vào dải Gaza, đẩy khu vực vào nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện mà ở đó Hamas sẽ là lực lượng chiến đấu chính từ phía Palestine.
Vậy Hamas là ai? Đóng vai trò gì trong cuộc xung đột ở khu vực?
Hamas là tổ chức chiến binh Hồi giáo chính thống hoạt động ở Bờ Tây và Dải Gaza. Đây tổ chức vũ trang Hồi giáo lớn nhất của Palestine, được thành lập năm 1987, khi người Palestine bắt đầu nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel ở khu Bờ Tây và dải Gaza.
Hoạt động của Hamas được chia thành hai mảng. Một là các chương trình xã hội như xây dựng trường học, bệnh viện và các cơ sở tôn giáo. Hai là các hoạt động quân sự. Nhóm vũ trang này tuyển mộ hàng nghìn chiến binh, kêu gọi người ủng hộ và tình nguyện viên tham gia. Hamas cũng có chi nhánh ở nước ngoài.
Mục tiêu trước mắt của Hamas là đuổi hết lực lượng Israel ra khỏi các lãnh thổ bị chiếm đóng, bằng các cuộc tấn công nhắm vào binh lính Israel và những người dân Do thái định cư trên lãnh thổ của người Palestine. Các thành viên của Hamas nhấn mạnh, lực lượng này luôn cố gắng giải phóng các vùng lãnh thổ Palestine đang bị người Israel chiếm đóng.
Về lâu dài, Hamas muốn thiết lập một quốc gia Hồi giáo trên khắp lãnh thổ lịch sử của Palestine - phần lớn thuộc lãnh thổ Israel sau khi nhà nước Do thái được thành lập năm 1948.
Ngân sách hàng năm của Hamas đều xuất phát từ những người Palestine ở nước ngoài, các nhà tài trợ tư nhân ở Trung Đông và các tổ chức từ thiện Hồi giáo phương Tây. Hơn nữa, nhóm vũ trang này cũng nhận được sự hỗ trợ đáng kể về kinh tế cũng như vũ khí từ phía Iran. Hamas còn nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ dân chúng tại Gaza nhờ vào chương trình phúc lợi xã hội.
Năm 1993, Hamas kịch liệt phản đối việc Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) kí kết Hiệp định Hòa bình Oslo với Chính phủ Israel. Đây là tiến trình hòa bình do Mỹ bảo trợ giám sát sự rút lui dần và từng phần sự chiếm đóng của Israel, đổi lại việc người Palestine phải đảm bảo an ninh cho Israel. Hamas đã thể hiện quyền phủ quyết trên thực tế của mình đối với tiến trình hòa bình bằng việc tổ chức các cuộc đánh bom liều chết.
Năm 2004, vị lãnh tụ tinh thần của Hamas - Sheikh Ahmed Yassin bị thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel. Từ đó, nhóm vũ trang này bắt đầu thực hiện những vụ đánh bom tự sát vào các mục tiêu dân sự và quân sự của Israel.
Nhiều người dân Palestine đã hoan nghênh làn sóng đánh bom tự sát của Hamas, coi những cuộc tấn công “tử vì đạo” như là cách tốt nhất để trả thù cho những đau khổ mất mát của họ và chống lại việc tiếp tục xây dựng những khu định cư của Israel ở khu Bờ Tây.
Để có tiếng hơn trong những người Palestine, Hamas xây dựng trường học, bệnh viện, các tổ chức tôn giáo, nhà ăn và trại trẻ mồ côi ở Bờ Tây và Gaza và họ chịu trách nhiệm trong chương trình hỗ trợ hiệu quả xã hội trong các khu vực trong lãnh thổ.
Sau khi tẩy chay bầu cử trong nhiều năm, Hamas lần đầu tiên tham gia bầu cử quốc hội Palestine năm 2006. Dưới tên Đảng Cải cách, Hamas đã dành chiến thắng vang dội, chiếm đa số ghế trong Hội đồng Lập pháp Palestine. Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniya được bổ nhiệm làm Thủ tướng Palestine. Nhưng chỉ 1 năm sau đó ông này đã bị sa thải.
Israel cáo buộc Hamas đã biến Gaza thành một “căn cứ chiến lược” cho Iran, buộc người Israel phải sống dưới những điều kiện “không thể chịu đựng nổi". Israel cũng tố Hamas đã sử dụng người dân ở Gaza như những "lá chắn sống", sử dụng trường học và bệnh viện trong khu vực làm vỏ bọc để thực hiện lắp đặt trang thiết bị quân sự.
Hamas luôn bị xem là một tổ chức khủng bố đối với Mỹ, Israel và Liên minh châu Âu (EU). Sau cuộc xung đột ở dải Gaza năm 2008 và 2009, khiến hơn 1.400 người chết, báo cáo của Liên hợp quốc nêu rõ những cuộc tấn công bằng tên lửa của tổ chức này có thể cấu thành tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại.
Cũng giống như Hamas, Al-Fatah - Tổ chức Cách mạng đầu tiên của nhân dân Palestine được thành lập năm 1958, nhiều lần khơi mào cho những cuộc tấn công chống lại Israel. Tuy nhiên, trong khi Hamas bị xem là một tổ chức khủng bố thì Fatah lại nhận được sự hỗ trợ từ những nước phương Tây, trong đó có Mỹ.
Đã có nhiều nỗ lực nhằm thống nhất các đảng phái người Palestine với nhau. Tuy nhiên, Hamas thường xuyên tìm cách lẩn tránh việc ký kết một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài chừng nào Israel còn chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine và binh lính Israel giết chết người Palestine.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/luc-luong-hamas-dong-vai-tro-gi-o-dai-gaza-ar611978.html