Lực lượng Hamas lấy số lượng 'đọ' chất lượng với Israel
Số người chết ở phía Israel sẽ cao hơn nhiều nếu không có hệ thống phòng không Vòm Sắt, điểm nhấn trong các cuộc xung đột bạo lực giữa Israel và các nhóm vũ trang ở Dải Gaza.
Tính đến hôm 14-5, theo các quan chức Israel, các tay súng ở Dải Gaza đã phóng 2.200 quả tên lửa, trong đó hệ thống "Vòm sắt" đã đánh chặn được 85 đến 90% rốc-két nhằm vào khu đông dân cư.
Ông Jean-Loup Samaan, nhà nghiên cứu của Viện Trung Đông thuộc Trường ĐH Quốc gia Singapore, người đã nghiên cứu khả năng phòng thủ tên lửa của Israel, gọi đó là "chính sách bảo hiểm" - trấn an người dân và ngăn thiệt hại về người và tài sản.
Hệ thống "Vòm sắt" do Công ty Công nghệ quốc phòng Rafael phát triển và đã có kinh nghiệm thực chiến trong một thập niên qua. Hiện có 10 hệ thống "Vòm sắt" di động đang được sử dụng ở Israel. Người đứng đầu Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel, Moshe Patel, cho biết hơn 2.400 rốc-két đã bị đánh chặn trong 10 năm qua tính đến tháng 1 năm nay.
Một khẩu đội "Vòm sắt" hoàn chỉnh thường được bố trí 3-4 bệ phóng, mỗi bệ được lắp khoảng 20 tên lửa đánh chặn Tamir.
Hệ thống này được thiết kế để đảm nhận nhiệm vụ đánh chặn rốc-két, đạn pháo, đạn cối nhưng cũng có thêm chức năng đánh chặn tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ. Với khả năng đánh chặn từ khoảng cách tối đa lên đến 70 km, "Vòm sắt" được đánh giá đủ sức bảo vệ khu vực rộng khoảng 150 km2 an toàn trước mối nguy tấn công bằng tên lửa.
"Vòm sắt" sử dụng đạn tên lửa đánh chặn loại Tamir, được trang bị đầu dò cảm biến điện quang và tầm bắn từ 4-70km nhưng giá đắt đỏ lên đến 80.000 USD/quả.
Các hệ thống radar và cảm biến trên "Vòm sắt" chỉ được lập trình để bám đuổi và đánh chặn những quả rốc-két, vốn chỉ bay theo quỹ đạo đơn giản vào khu đông dân cư mà bỏ qua những quả rốc két nhắm vào khu vực không có người ở.
Quân đội Israel cũng đang vận hành nhiều loại máy bay tấn công, gồm máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 do Mỹ chế tạo - F-35 Lightning-II mà họ sở hữu gần đây. Bên cạnh đó, Israel cũng sử dụng các tiêm kích F-15 và máy bay chiến đấu F-16 trong nhiều năm qua.
Ở phía bên kia chiến tuyến, theo báo The Washington Post, giới phân tích cho rằng các loại rốc-két được Hamas sử dụng những ngày qua là những rốc-két sử dụng công nghệ quen thuộc, gồm loại rốc-két lần đầu được sử dụng trong cuộc chiến với Israel năm 2014. Tuy nhiên, cách thực Hamas dùng rốc-két đã thay đổi.
Ông Uzi Rubin, kỹ sư quốc phòng người Israel, chỉ ra những rốc-két của lực lượng Hamas có kích cỡ lớn hơn và đầu đạn nặng hơn so với những rốc-két được dùng hồi năm 2014.
Hôm 13-5, người phát ngôn lực lượng Hamas, ông Abu Ubaidah, nói rằng Hamas đã dùng một loại rốc-két mới có tên gọi "Ayyash 250" để tấn công mục tiêu gần Tel Aviv - Israel. Theo lực lượng Hamas, rốc-két này có tầm bắn khoảng 250km nhưng thông tin này chưa được xác nhận.
Ông Fabian Hinz, nhà phân tích tình báo độc lập chuyên về tên lửa ở Trung Đông, cho rằng Hamas cũng sở hữu rốc-két từ nước ngoài, gồm Fajr-3 và Fajr-5 từ Iran cũng như rốc-két M302 từ Syria. Nhưng giờ đây họ có thể sản xuất nội địa các rốc-két có tầm bắn bao trùm hầu hết lãnh thổ Israel.
Theo tờ The Jerusalem Post, phong trào Hamas dường như đang thực hiện chiến lược "dội mưa rốc-két" để kiểm tra giới hạn của "Vòm sắt". Trong cuộc chiến tại Dải Gaza năm 2014, lực lượng Hamas phóng gần 4.000 quả rốc-két nhưng trải dài trong hơn 50 ngày và nhiều nhất là vài chục quả mỗi ngày.
Nhưng trong cuộc chiến đầu tuần này, Hamas dường như đã bắn thành công hơn 100 quả rốc-két trong vòng vài phút, trong đó có một số lượng lớn tập trung vào Tel Aviv. Dường như quy mô chiến dịch tấn công lần này đã khiến giới lãnh đạo quân đội, tình báo Israel bất ngờ.
Bên cạnh đó, Hamas cũng bổ sung các tên lửa điều khiển chống tăng (ATGM) vào kho vũ khí của mình để chống lại quân đội Israel. Phong trào Hamas gần đây đã chuyển sang sử dụng thiết bị bay không người lái tự sát Shehab. Lữ đoàn Al Qassam, cánh vũ trang của Hamas, cho biết Shehab là sản phẩm do tổ chức này tự nghiên cứu và chế tạo. Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự cho rằng đây là một phiên bản được phát triển từ dòng Qasef của phiến quân Houthi và Ababil-T do Iran sản xuất.
Việc Hamas bổ sung UAV tự sát vào các đòn tấn công có thể gây nhiều khó khăn cho hệ thống phòng không Israel, vốn đã vận hành liên tục để đánh chặn rốc-két trong những ngày qua. Mỗi thiết bị bay không người lái tự sát có giá thành rẻ, chỉ vài trăm đến vài ngàn USD, so với chi phí đắt đỏ của tên lửa Tamir trong hệ thống Vòm sắt của Israel.