Lực lượng hỗ trợ hậu cần chính của Hải quân Mỹ đang gặp 'nguy hiểm'

Bộ Tư lệnh Vận tải Quân sự (MSC) đang đối mặt với khủng hoảng khi Hải quân Mỹ lên kế hoạch giảm 17 tàu và đang gặp khó khăn lớn về nhân sự.

Việc mất tàu và nhân sự không chỉ đe dọa khả năng hoạt động của MSC mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chiến đấu và răn đe của Hải quân Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc mất tàu và nhân sự không chỉ đe dọa khả năng hoạt động của MSC mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chiến đấu và răn đe của Hải quân Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal ngày 3/9, Bộ Tư lệnh Vận tải Quân sự (MSC) là xương sống của hải quân Mỹ, chịu trách nhiệm cung cấp nhiên liệu, vũ khí và các vật tư cần thiết cho các tàu chiến và lực lượng mặt đất từ Địa Trung Hải đến Thái Bình Dương. Tuy nhiên, MSC đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi hải quân Mỹ lên kế hoạch giảm 17 tàu trong bối cảnh lực lượng này đang thiếu nhân sự trầm trọng. Điều đó không chỉ làm suy yếu khả năng hoạt động của hải quân Mỹ mà còn đe dọa vị thế chiến lược chung của Mỹ trên toàn cầu.

Cụ thể, việc giảm số lượng tàu sẽ gây nguy hiểm cho khả năng hỗ trợ hậu cần của hải quân Mỹ, đặc biệt khi các tàu MSC hiện có đang phải hoạt động liên tục để duy trì sự hiện diện của Mỹ tại các vùng biển chiến lược. Với khoảng 125 tàu, MSC không chỉ vận chuyển hàng hóa mà còn điều hành các tàu nhiệm vụ đặc biệt như tàu định vị tên lửa, tàu giám sát dưới nước và tàu sửa chữa cáp. Nếu không có MSC, hải quân Mỹ sẽ không thể duy trì hoạt động chiến đấu lâu dài, vì việc thay thế hậu cần trên tàu bằng máy bay vận tải của không quân Mỹ là không thể do hạn chế về sức chứa và phạm vi hoạt động.

Việc giảm số lượng tàu MSC càng trở nên đáng lo ngại hơn khi hải quân Mỹ đang phải vật lộn để duy trì nhân sự. Tình trạng thiếu hụt nhân sự là vấn đề phổ biến trên toàn hạm đội. Năm 2023, hải quân Mỹ đã không đạt được mục tiêu tuyển dụng dù đã nới lỏng tiêu chuẩn nhập ngũ và tăng tiền thưởng tái nhập ngũ. Các chương trình thăng chức mới đã giúp giữ chân nhân sự hiện có, nhưng MSC, với lực lượng thủy thủ đoàn chủ yếu là dân sự, lại đang gặp khó khăn lớn hơn trong việc cạnh tranh với thị trường lao động dân sự.

Theo đó, MSC đang đối mặt với tỷ lệ nhân sự thấp đáng báo động, chỉ 1,27, nghĩa là có 27 thủy thủ thay thế trên bờ cho mỗi 100 thủy thủ được triển khai. Điều này buộc các thủy thủ MSC phải tuân theo lịch trình làm việc khắc nghiệt, với 4 tháng trên biển và chỉ được 1 tháng nghỉ ngơi trên bờ, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của khu vực tư nhân, nơi công đoàn quy định thời gian làm việc và nghỉ ngơi cân bằng hơn. Hệ quả là MSC khó giữ chân được nhân sự và càng khó thu hút thêm nhân lực mới trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Việc hải quân Mỹ cho ngừng hoạt động các tàu tuần dương lớp Ticonderoga và chuyển giao nhiệm vụ phòng không hạm đội cho các tàu khu trục lớp Arleigh Burke cũng làm tăng thêm gánh nặng. Các tàu tuần dương Ticonderoga vốn là tài sản phòng không quan trọng với số lượng ống phóng tên lửa nhiều hơn, giúp bảo vệ các nhóm tác chiến tàu sân bay. Việc giảm bớt những tàu này sẽ làm suy yếu khả năng phòng không của hải quân, buộc các tàu khu trục phải gánh thêm trách nhiệm, gây áp lực lớn lên lực lượng hiện có.

Để giải quyết vấn đề này, hải quân Mỹ cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Quốc hội nước này. Các biện pháp cải thiện mức lương, phúc lợi và điều kiện làm việc cho nhân sự MSC là cần thiết để duy trì và thu hút thêm thủy thủ. Ngoài ra, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như nâng cấp Học viện Hàng hải Thương mại ở King's Point, New York, sẽ giúp tăng cường nguồn nhân lực có trình độ. Đây là những bước đi thiết yếu để đảm bảo hải quân Mỹ không bị suy yếu trước các đối thủ cạnh tranh.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo wsj.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/luc-luong-ho-tro-hau-can-chinh-cua-hai-quan-my-dang-gap-nguy-hiem-20240904160508289.htm