Lực lượng Kiểm lâm tỉnh: Khẳng định vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ rừng
Cùng với lực lượng Kiểm lâm cả nước, lực lượng Kiểm lâm tỉnh nhà đã chủ động vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giữ màu xanh cho những cánh rừng, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Năm 2023 là mốc thời gian tròn 50 năm lực lượng Kiểm lâm Việt Nam được thành lập (21/5/1973- 21/5/2023). Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn ông Hồ Thiện Đang (ảnh) – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh…
Thưa ông! Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ cháy rừng, phá rừng cũng như thiệt hại về tài nguyên rừng được kéo giảm. Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
Ông Hồ Thiện Đang – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh
Với những nỗ lực của ngành, đặc biệt là giai đoạn từ 2020 – 2023, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật, cơ sở dữ liệu về rừng và đất rừng được số hóa để quản lý chặt chẽ trên thực địa và trên hệ thống mạng máy tính, đáp ứng nhanh việc truy xuất, kiểm tra theo yêu cầu của các cấp quản lý. Năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng phần mềm cảnh báo mất rừng trên địa bàn tỉnh, qua đó kịp thời phát hiện rừng bị mất để kiểm tra, xử lý không để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng về phá rừng, cháy rừng mất kiểm soát. Từ nền tảng ấy, tình hình vi phạm pháp luật về lĩnh vực Lâm nghiệp trong những năm qua liên tục được kéo giảm. Cụ thể, nếu như 2010 có 2.000 vụ vi phạm/năm, thì năm 2020 số vụ vi phạm đã giảm còn 275 vụ/năm (giảm 86%), các năm 2021, 2022 số vụ vi phạm tiếp tục được kéo giảm chỉ còn 270 và 252 vụ. Bên cạnh, từ năm 2020 đến nay (tháng 5/2023) chưa có vụ cháy rừng nào gây thiệt hại đáng kể đến tài nguyên rừng, các vụ cháy rừng đều được lực lượng tại chỗ của chủ rừng, kiểm lâm phát hiện và tổ chức lực lượng dập tắt kịp thời.
Được biết, lực lượng Kiểm lâm thường xuyên phải đối diện với không ít hiểm nguy, gian khổ. Tại Bình Thuận, những nguy hiểm đối với lực lượng Kiểm lâm thường gặp là gì?
Lực lượng Kiểm lâm thường xuyên trực tiếp đối mặt với các đối tượng vi phạm, cá biệt có đối tượng còn sử dụng hung khí, vũ khí tự chế và rất manh động, liều lĩnh. Lâm tặc sẵn sàng tấn công, uy hiếp, đe dọa tới tính mạng của người đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản của nhà nước. Đơn cử, năm 2012, khi lực lượng Kiểm lâm phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ La Ngà kiểm tra khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng thì phát hiện 1 vụ khai thác lâm sản trái pháp luật tại tiểu khu 312. Trong quá trình ngăn chặn, các đối tượng (người dân tỉnh Lâm Đồng) dùng vũ khí tự chế bắn lực lượng chức năng khiến cho đồng chí Lê Trung Hậu – nhân viên bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ La Ngà bị thương.
Trên thực tế, kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với các trạm, chốt bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng để bám rừng, hỗ trợ chủ rừng để bảo vệ rừng tận gốc. Do vậy, nhiều công chức kiểm lâm phải sống xa nhà nên thiếu thốn các nhu cầu cơ bản của xã hội hiện đại ngày nay. Theo Luật Lao động, người lao động làm việc không quá 48 giờ trong tuần, không quá 8 giờ trong ngày. Tuy nhiên, khi bám chốt trong rừng họ làm việc tại rừng 24/24, mỗi tuần làm việc đến 5 ngày; tuần tra rừng thường xuyên là nhiệm chính của kiểm lâm địa bàn và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, việc đi bộ trên địa hình đồi núi hiểm trở rất khó khăn, chưa kể khi gặp, rượt đuổi đối tượng vi phạm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm 2022, Hạt Kiểm lâm Tánh Linh tổ chức tuần tra, truy quét, phát hiện 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép tại tiểu khu 380 (Suối Kiết) thuộc lâm phận Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Dinh. Trong quá trình chạy đuổi truy bắt các đối tượng vi phạm, ông Đỗ Đức Hùng – Phó Hạt trưởng bị ngã gãy xương đùi, đến nay vẫn chưa hồi phục.
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng.
Hiện, lực lượng kiểm lâm tỉnh có gặp khó khăn gì trong công tác quản lý, bảo vệ rừng?
Khó khăn thì rất nhiều. Về biên chế, hiện nay Kiểm lâm Bình Thuận có 257 người thuộc biên chế hành chính nhà nước và 12 lao động hợp đồng theo Nghị định 68. So với diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp của tỉnh hiện nay (347.621 ha) thì mỗi Kiểm lâm (tính cả ở văn phòng) phải quản lý trên 1.300 ha/người, như vậy biên chế lực lượng vẫn còn mỏng so yêu cầu 1.000 ha/người. Về cơ chế, còn nhiều bất cập trong xử lý các hành vi vi phạm, như thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính từ khi phát hiện hành vi vi phạm là quá ngắn theo quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; pháp luật không quy định xử lý việc đưa phương tiện vào rừng sản xuất…
Về địa lý, Bình Thuận có 5 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh giáp ranh với các huyện: Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai của tỉnh Lâm Đồng, với chiều dài khoảng gần 200km. Đây là vùng rừng có địa hình đồi núi cao, hiểm trở. Việc tuần tra bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, trở ngại, chủ yếu là đường mòn, một số khu vực phải đi từ phía tỉnh Lâm Đồng mới vào rừng được. Theo quy hoạch 3 loại rừng, thì Bình Thuận chủ yếu là rừng phòng hộ, trong khi tỉnh Lâm Đồng là rừng sản xuất hoặc đất không có rừng, đất trồng cây công nghiệp và sản xuất hoa màu; tài nguyên rừng Bình Thuận còn khá phong phú và có nhiều loài gỗ quý hiếm. Đây là khu vực có nguy cơ cao về phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng.
Với những kết quả đạt được, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có biện pháp, giải pháp gì để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao trong thời gian tới?
Ngoài việc tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại phương án bảo vệ rừng, phòng, chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh năm 2023, lực lượng Kiểm lâm sẽ tăng cường năng lực hoạt động cho kiểm lâm địa bàn, bố trí kiểm lâm địa bàn bám rừng, ở chung với các trạm của chủ rừng. Sử dụng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng với các hộ nhận khoán để tạo lực lượng đủ mạnh trong tuần tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp ngay từ khi mới phát hiện, không để xảy ra điểm nóng quy mô lớn; chú trọng bố trí lực lượng tuần tra thường xuyên các khu vực còn giàu tài nguyên rừng, các khu vực nhạy cảm về giá đất đai.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở cơ sở. Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm ngoài thực hiện kế hoạch kiểm tra theo định kỳ, còn tiến hành kiểm tra rừng thường xuyên hoặc đột xuất cùng với hoạt động của các Trạm kiểm lâm địa bàn, Trạm bảo vệ rừng của chủ rừng. Yêu cầu lãnh đạo các Hạt Kiểm lâm tổ chức kiểm tra hiện trường các khu vực có nguy cơ cao, khu vực giàu tài nguyên rừng ít nhất mỗi tháng 1 lần. Chi cục Kiểm lâm sẽ triển khai kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất theo tin báo đối với các địa bàn ở cơ sở. Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ trong việc theo dõi biến động tài nguyên rừng, theo dõi các điểm cảnh báo mất rừng từ phần mềm FMRS Bình Thuận để kịp thời kiểm tra, truy quét, lập hồ sơ xử lý kịp thời.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!