'Lực lượng Mãnh Hổ' và những tội ác trong cuộc chiến ở Việt Nam

Hoạt động chỉ trong khoảng thời gian 7 tháng, từ tháng 5 đến tháng 11/1967, song trung đội viễn thám thuộc Sư đoàn 101 của Quân đội Mỹ đã gây ra những tội ác ghê rợn đối với dân thường ở vùng Quảng Ngãi, Quảng Nam. Những câu chuyện, những cuộc điều tra không khoan nhượng đều đã được giải mã một phần nào trong cuốn sách 'Lực lượng Mãnh Hổ' (Michael Sallah&Mitch Weiss, NXB Thế giới).

“Lực lượng Mãnh Hổ” được thành lập vào tháng 11/1965 để “dùng chiến thuật du kích trị du kích”. Là “đơn vị thám kích”, Mãnh Hổ thực hiện chức năng do thám, biệt kích và các nhiệm vụ bất khả thi. Chẳng hạn, hoạt động như một đơn vị chặn đường rút lui của du kích quân và thường giải vây cho các đại đội chính quy lớn hơn nhiều bị mắc kẹt trong các vụ chạm súng.

45 người được nhận vào Mãnh Hổ, với yêu cầu 3 tháng kinh nghiệm chiến đấu và quá trình sàng lọc của các chỉ huy bao gồm một loạt câu hỏi, chủ yếu tập trung vào việc sẵn sàng giết người.

“Lực lượng Mãnh Hổ” được chia làm hai phần. Phần đầu tiên thuật lại quá trình sa đọa của Mãnh Hổ khi trở thành đơn vị vô tổ chức và tàn nhẫn bậc nhất. Bước sang tháng 5/1967, Mãnh Hổ đã được gửi đến tỉnh Quảng Ngãi, mục tiêu đầu tiên của lực lượng này là buộc 5.000 dân ở thung lũng sông Vệ về trại tập trung để ngăn chặn việc trồng lúa và cung cấp lương thực cho quân cách mạng Việt Nam.

Đối nghịch với khung cảnh thiên nhiên, “mặt đất ướt đẫm vì một cơn mưa sớm, những giọt nước lấp lánh như những viên ngọc quý trên những cọng cỏ cao. Trên mặt đất, thung lũng trông bình yên... Cỏ voi bao phủ lưu vực với màu xanh lá cây biến ảo - sắc xuân tươi sáng trên các đỉnh đồi và càng đậm dần dọc theo các sườn núi cho đến khi nó trở thành màu oliu sẫm dọc theo dòng sông... Hình ảnh người dân thường ở thung lũng sông Vệ tang thương sau những phát súng, tiếng đạn, họ sống trong địa ngục ngay chính nơi quê nhà tưởng là bình yên nhất.

Đâu chỉ có thung lũng sông Vệ, các làng thuộc tỉnh Quảng Ngãi, rồi cả Quế Sơn, nơi mà chính quyền Sài Gòn gọi là tỉnh Quảng Tín (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) cũng chìm trong tang tóc khi Mãnh Hổ thám kích. “Những thi thể đẫm máu và nát bươm bị lôi ra khỏi cửa nhà”, bất kể ai bỏ chạy cũng bị quân Mỹ “khai hỏa và vãi đạn vào người”, “chĩa nòng súng vào miệng“, đến mức” ruột lộ ra qua lớp thịt bị xé toạc”... Lực lượng Mãnh Hổ còn xếp thành hàng ngang bắn xối xả vào các túp lều, “tiếng rên rỉ, kêu la gào thét và tất cả ngày càng to hơn, to hơn nữa”. Những người Việt Nam không có vũ khí đều bị lực lượng này tiêu diệt. “Chúng có thể giết bất cứ thứ gì - bất cứ thứ gì di chuyển, ngay cả khi nó không di chuyển. Chỉ cần giết”.

Có thể nói, Mãnh Hổ đi từ cuộc giao tranh chóng mặt này đến cuộc giao tranh chóng mặt khác. Họ là một phần của một chiến dịch lớn hơn - một chiến dịch được thiết kế để giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Tuy nhiên, phía sau sự điên cuồng ấy, lính Mãnh Hổ đều “sụt cân thấy rõ, mặt mày hốc hác, xương sườn nhô ra khi cởi áo”. Bởi, Mãnh Hổ đang chiến đấu đơn độc - và chỉ cố gắng sống sót. “Điều gì đó đang xảy ra với những người lính khi họ bị đẩy vào thế tuyệt vọng vì sự sống còn. Họ không có nhiều cơ hội để lựa chọn. Họ thích nghi với việc bóp cò súng mà không suy xét thận trọng, đôi khi chỉ vì tuyệt vọng”. Không ít lính Mỹ nghĩ rằng: “Chiến tranh đã thay đổi, toàn bộ lý do chiến đấu của anh ta đã thay đổi. Không còn là chiến thắng. Bây giờ là để sống sót. Và tất cả những gì anh ta muốn là về nhà”.

Mỗi trang trong cuốn sách là sự chết chóc, phía sau nhiệm vụ của lực lượng Mãnh Hổ, họ cũng nhận ra: “Trong bất kỳ cuộc chiến nào đều có những cuộc chiến nhỏ, và bây giờ một cuộc chiến nhỏ khác đã bắt đầu...”. Liệu có sự day dứt, có quy tắc đạo đức nào không?

Những người lính Mãnh Hổ "đã dành gần cả đêm để nói về sự tàn khốc của chiến tranh và mọi người bị kẹt giữa 2 bên như thế”. Trước khi chợp mắt, họ cũng đã thỏa thuận: “Ai còn sống sau cuộc chiến sẽ nói với những người ở quê nhà về những thường dân vô tội đã bị giết hại. Họ sẽ kể cho những người ở quê nhà về việc một người lính đã chặt đầu một em bé”.

Xót xa vô cùng. Sự ăn năn hối lỗi đã được ghi lại trong phần 2 của cuốn sách. Ký ức ám ảnh họ. Đó là chuyện một lão nông mặc áo trắng vừa lùa đàn vịt qua sông Vệ thì bất ngờ gặp phải trung đội Mãnh Hổ. Ông già sợ hãi la lên. Những gã lính giận dữ quát ông im miệng, nhưng ông không thể. Phát súng khiến ông lão ngã xuống.

Đó chỉ là một trong hàng chục vụ tấn công của lực lượng Mãnh Hổ trong năm 1967 nhắm vào các thường dân không có vũ trang, trong đó có nhiều vụ hãm hiếp và tra tấn. Họ ném lựu đạn vào những boong ke có phụ nữ và trẻ em đang trú ẩn, bắn chết nhiều tù nhân, sau đó cắt tai và da đầu giữ làm chiến lợi phẩm, giết hại dân làng chẳng bởi lý do gì rồi bỏ lại họ trong các ngôi mộ tập thể. Bởi chỉ số “đo lường thành công của họ bằng chính số lượng xác chết”, một số binh sĩ về sau tiết lộ.

Năm 1971, Lục quân Mỹ bắt đầu điều tra về tội ác chiến tranh của lực lượng Mãnh Hổ. Cuộc điều tra kéo dài 4 năm sau đó và hồ sơ cho thấy lính Mãnh Hổ đã giết ít nhất 81 dân thường, vi phạm nhiều quy định quân đội. Cục điều tra của Lục quân Mỹ đã đề nghị kết án nhiều thành viên Mãnh Hổ. Nhưng tập hồ sơ bị lờ đi và rơi vào quên lãng suốt gần 30 năm.

Các phóng viên Michael Sallah, Mitch Weiss và John Mahr bắt đầu lần giở lại hồ sơ và tiến hành phỏng vấn các cựu thành viên của lực lượng Mãnh Hổ. Nhiều sự thật ghê gớm đã được tiết lộ.

Những nhân vật trong trung đội Mãnh Hổ đều chỉ chung điểm là thiện chiến. Và sau khi rời khỏi Mãnh Hổ, nhiều người vào tù ra khám, có nhiều người chết trẻ vì ung thư hay xơ gan, hoặc tự sát. Một trong những người tàn ác nhất được miêu tả trong sách đã qua đời ở tuổi 34.

Năm 2004, thông qua loạt bài báo “Buried Secrets, Brutal Truths” (Bí mật chôn vùi, Sự thật tàn bạo) của 2 phóng viên Michael Sallah, Mitch Weiss trên tờ Toledo Blade, nhiều sự thật đã được phơi bày. Loạt bài này được trao giải thưởng Pulitzer hạng mục Báo chí trong năm. Lần theo tư liệu đó, 2 phóng viên tiếp tục viết thêm quyển sách “Lực lượng Mãnh Hổ” đầy ắp tư liệu, giàu sức thuyết phục. Từ các cuộc điều tra, họ cho thấy, trong khoảng 7 tháng, trung đội này đã giết chết hàng trăm người dân không vũ trang ở Tây Nguyên.

Được viết theo lối tường thuật ở ngôi thứ ba, kể lại những sự việc đã xảy ra như đang ở thì hiện tại, cuốn sách đem lại cảm giác sống động, khách quan cho người đọc tương tự như chúng ta đang được xem lại cuốn phim tài liệu không có lời bình. Các sự kiện càng được kể đơn giản thì càng có sức lay động, chỉ có sự mất mát là dai dẳng và đớn đau.

“Không sự việc gì che giấu mà không bị tiết lộ, chẳng bí mật nào mà không bị công khai”, hơn 450 trang sách với 23 chương, khiến chúng ta bứt rứt và suy tư về nhiều câu hỏi nhân quyền được đặt ra. Những câu chuyện thương tâm trong “Lực lượng Mãnh Hổ” không chỉ vén bức màn bí mật về một phần của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Trung Việt Nam mà còn cho chúng ta hiểu được tại sao những hậu quả của nó sau hơn nửa thế kỷ vẫn chưa kết thúc.

CHI ANH

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/luc-luong-manh-ho-va-nhung-toi-ac-trong-cuoc-chien-o-viet-nam-234314.htm