Lực lượng mũi nhọn trong phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế
Lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh được xác định là lực lượng mũi nhọn, đi đầu trong công tác tham mưu, phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng. Đồng thời, đây cũng là lực lượng tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra những vụ án liên quan đến tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trên địa bàn.
Lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng thi hành quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 36-08D về tội “Nhận hối lộ”.
Thượng tá Nguyễn Thành Long, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, cho biết: Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm kinh tế, tham nhũng, lực lượng cảnh sát kinh tế luôn bám sát chỉ đạo của ban giám đốc, Cục Cảnh sát kinh tế để cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, đề ra chỉ tiêu, lộ trình triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp và tổ chức thực hiện một cách khoa học, hợp lý, quyết liệt theo phương châm xuyên suốt “lấy phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài; đấu tranh là trọng tâm, thường xuyên, cấp bách”, cùng ý thức, tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Cùng với đó, chủ động nắm chắc tình hình những vấn đề, lĩnh vực nổi lên tiềm ẩn vi phạm và tội phạm; phân tích, dự báo, kịp thời nhận diện sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước, các hành vi vi phạm, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu ở các lĩnh vực, tuyến, địa bàn trọng điểm để tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý.
Lực lượng cảnh sát kinh tế phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 29-12-2017 quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Chủ động trao đổi thông tin tình hình với các sở, ban, ngành để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, bảo đảm thận trọng, khách quan, đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Do làm tốt các mặt công tác nghiệp vụ, trong năm 2022 và gần 5 tháng đầu năm 2023 lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện, khởi tố gần 50 vụ, trên 90 bị can phạm tội về kinh tế tham nhũng, chức vụ; bắt xử lý trên 500 vụ buôn lậu, gian lận thương mại... Điển hình, ngày 30-11-2022 Công an huyện Như Xuân ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trịnh Thị Đào, sinh năm 1963 ở khu phố 3, thị trấn Yên Cát về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Quá trình điều tra, Công an huyện Như Xuân phát hiện, với chiêu trò “chạy việc” vào ngành công an và các cơ quan Nhà nước, Đào đã lừa đảo rất nhiều người ở các huyện Như Xuân, Hoằng Hóa, Như Thanh, Thạch Thành với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Ngày 17-3-2023, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng thi hành quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Văn Khang, sinh năm 1987, nguyên là công chức địa chính thị trấn Quý Lộc (Yên Định) phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" quy định tại Khoản 2 Điều 355 Bộ luật Hình sự. Trước đó, ngày 15-3-2023 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng thi hành quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Chí Thành, sinh năm 1962, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thường Xuân; khởi tố bị can đối với Vũ Ngọc Nam, sinh năm 1972, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân vì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ...
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, trong thời gian tới lực lượng cảnh sát kinh tế tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp nghiệp vụ, đổi mới tư duy về phòng, chống tội phạm theo hướng “Tích cực phòng ngừa, chủ động tấn công, trong đó lấy phòng ngừa giữ vững bên trong là chính”, đồng thời đấu tranh, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án. Tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.