Lực lượng Mỹ có thể quay lại vịnh Subic
Vịnh Subic (Philippines) từng là nơi đặt căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở châu Á, nhưng bất đồng về chi phí thuê đất sau Chiến tranh Lạnh đã dẫn đến việc lực lượng Mỹ rút khỏi vào năm 1992.
Tuy vậy cuối tháng trước xuất hiện thông tin vịnh Subic được cân nhắc như địa điểm mới thực thi Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) – cho phép Mỹ xây dựng và vận hành cơ sở vật chất bên trong các căn cứ quân sự Philippines, luân chuyển binh lính để đồn trú dài hạn.
Mỹ - Philippines ký kết EDCA năm 2014, thỏa thuận bị gác lại dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte do ông muốn thúc đẩy quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc.
Nay thỏa thuận hồi sinh khi chính trị gia Ferdinand Marcos Jr kế nhiệm. Bộ Quốc phòng Philippines tháng trước thông báo đang làm việc với Mỹ để đẩy nhanh loạt dự án EDCA tại các địa điểm hiện tại, đồng thời cân nhắc một số địa điểm mới.
Các địa điểm thực thi EDCA hiện tại gồm căn cứ không quân Cesar Basa cách vịnh Subic khoảng 55km, căn cứ Ramon Magsaysay ở trung tâm Luzon, trạm cơ sở sân bay Lumbia trên đảo Mindanao. Tham mưu trưởng quân đội Philippines Bartolome Vicente Bacarro giữa tháng 11 cho biết Mỹ đề xuất đưa thêm 5 căn cứ vào EDCA, theo thông tin đồn đoán thì trong đó có vịnh Subic.
Nhà phân tích an ninh Collin Koh (Học viện quan hệ quốc tế S.Rajaratnam) nhận định địa điểm bổ sung có thể được xác nhận vào tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau. Philippines đẩy nhanh quá trình phê duyệt do “nhận thức về mối đe dọa trên Biển Đông” tăng cao, chẳng hạn như vụ việc tuần duyên Trung Quốc ngang nhiên giành mảnh vỡ tên lửa mà hải quân Philippines vớt được xảy ra vào giữa tháng trước.
Tuy nhiên, Tổng thống Marcos Jnr sẽ không xác nhận địa điểm bổ sung trước chuyến thăm Bắc Kinh tháng tới để tránh làm mất lòng Trung Quốc.
Viễn cảnh lực lượng Mỹ quay lại vịnh Subic chắc chắn khiến Trung Quốc lo lắng, vì hiện diện quân sự tại đó cho phép Mỹ tăng cường giám sát mọi tuyến đường thủy quan trọng xung quanh – đặc biệt là eo biển Ba Sĩ nằm giữa Philippines và Đài Loan, cũng như tham gia nhiều cuộc tập trận tại khu vực hơn.
Học giả Aries Arugay (Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak) nhận định với quy mô và vị trí địa lý thuận lợi của vịnh Subic, việc lực lượng Mỹ quay lại hoàn toàn hợp lý.
Theo Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải (AMTI) Gregory Poling, động thái mở rộng EDCA phản án mức độ khiêu khích liên tục của Trung Quốc, khiến Philippines quyết định tìm kiếm hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/luc-luong-my-co-the-quay-lai-vinh-subic-190466.html