Lực lượng Nga và Ukraine đưa đến 'mặt trận Donbas'
Lực lượng Nga và Ukraine đang tăng cường huy động vũ khí cùng quân đội của mình để chuẩn bị cho trận đánh mang tính quyết định ở mặt trận phía Đông.
Việc Nga tăng cường quân sự tại mặt trận phía Đông Ukraine những ngày gần đây đang tạo tiền đề cho một giai đoạn mới trong “chiến dịch quân sự" của Moscow - một giai đoạn có khả năng rất khác so với kiểu giao tranh đã diễn ra gần hai tháng qua.
Lần này, quân đội hai nước sẽ hoạt động trên địa hình rộng mở, thích hợp cho lực lượng tập trung đông với hàng trăm xe thiết giáp.
Nga cũng sẽ chiến đấu gần các căn cứ của họ ở miền Tây nước Nga, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển tiếp tế. Đây cũng là khu vực mà các chỉ huy của Nga nắm rõ hơn, theo Wall Street Journal.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi phương Tây hỗ trợ khẩn cấp trước vòng xung đột mới này.
Tuy nhiên, hôm 17/4, ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, cảnh báo Mỹ và Anh ngừng cấp vũ khí cho Ukraine để tránh gây hậu quả “đáng trách” với thế giới, theo TASS.
Nga đổi chiến thuật, Ukraine muốn vũ khí hạng nặng
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga “đang thay đổi chiến lược của họ. Họ đang tăng cường lực lượng để đẩy mạnh hơn nữa” chiến dịch ở phía đông.
Các quan chức phương Tây và chuyên gia quân sự cho rằng mục tiêu chính của Nga là cố gắng cô lập lực lượng tinh nhuệ nhất của Ukraine, tập trung ở vùng Donbas, đông nam Ukraine.
Theo chiến lược bao vây, các đơn vị Nga tiến về phía nam từ khu vực gần Kharkiv, trong khi một số khác dự kiến tiến về phía bắc từ Mariupol, sau khi kiểm soát được thành phố cảng trên biển Azov.
Nếu Nga giành được quyền kiểm soát phía đông của Ukraine, nước này có thể cố gắng đẩy thế tiến công về phía tây một lần nữa. Và việc đánh chiếm Odessa - thành phố cảng cuối cùng nằm trên bờ biển Đen mà chính phủ Kyiv còn kiểm soát - sẽ chặn các tuyến đường biển của chính phủ Kyiv.
Lực lượng Nga cũng có thể cố gắng chiếm Dnipro, thành phố đông nam trên sông Dnepr, và cố gắng thực hiện một cuộc tấn công mới vào thủ đô Ukraine.
Trong bối cảnh đó, Ukraine đang nỗ lực ngăn cản bước tiến của Nga từ phía bắc. Các cuộc giao tranh với lực lượng Nga xung quanh Izyum liên tục diễn ra, trong khi nhiều binh sĩ Ukraine cố gắng giữ lấy Mariupol, dù nguồn cung cấp đạn dược và lương thực của họ cạn kiệt.
Cả hai bên đang chuẩn bị cho cuộc chiến khó khăn hơn ở phía trước. Để củng cố lực lượng của Ukraine, Mỹ đã mở rộng việc chia sẻ thông tin tình báo với Kyiv. Lần đầu tiên, Mỹ cũng gửi lựu pháo cỡ 155 mm trong đợt chuyển giao gói viện trợ vũ khí mới.
Kyiv cũng đang tìm kiếm nguồn viện trợ vũ khí hạng nặng từ các nước thuộc khối Liên Xô cũ, nay thuộc NATO, bao gồm xe tăng T-72 thời Liên Xô, hệ thống tên lửa phóng hàng loạt, hệ thống phòng không tầm xa và máy bay chiến đấu.
Mỹ cho biết nước này sẽ cung cấp 200 phương tiện bọc thép M-113 đã có tuổi đời hàng chục năm cùng với pháo.
“Địa hình rộng mở hơn tạo điều kiện cho lực lượng cơ động và thiết giáp hạng nặng, thay vì lực lượng nhỏ theo kiểu phục kích”, tướng Philip Breedlove, cựu tổng tư lệnh các lực lượng liên quân ở châu Âu, cho biết.
Ông nói thêm: “M-113 có khả năng hoạt động tốt, nhưng chúng sẽ không đủ sức chống lại một số loại vũ khí hiện đại khác”.
Các phương tiện quân sự đổ về Donbas
Để tăng cường năng lực chiến đấu, Nga cũng đang cố gắng huy động tới 60.000 quân dự bị. Pháo binh, các đơn vị chỉ huy cùng máy bay trực thăng đang di chuyển tới khu vực trong và xung quanh Donbas, nhằm hỗ trợ cho 65 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn Nga mà Lầu Năm Góc cho biết đang tham chiến ở Ukraine. Các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn thường có 700-1.000 quân mỗi nhóm.
Nga cũng không kích các kho vũ khí và hậu cần của Ukraine để cố gắng cản trở khả năng tiếp tế của lực lượng này - điều mà các quan chức Mỹ gọi là “hoạt động định hình”. Moscow cũng đã bổ nhiệm chỉ huy mới là tướng Aleksandr Dvornikov.
“(Bên cạnh đó), lực lượng Nga dường như bắt đầu cải thiện khả năng chỉ huy và kiểm soát của mình”, Ben Barry, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London (Anh), cho biết. “Một ẩn số là không biết liệu Nga đã giải quyết được vấn đề hậu cần hay chưa".
Mason Clark, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, cho biết các tuyến cung ứng của Nga ở Donbas phát triển và thuận lợi hơn so với những tuyến xung quanh Kyiv.
Tuy nhiên, cuộc giao tranh trên địa hình bằng phẳng sẽ đòi hỏi một mức độ phối hợp mà quân đội Nga chưa thể hiện một cách nhất quán trước đó.
Về phía Ukraine, thách thức lớn nhất đối với họ là việc bổ sung trang thiết bị, vũ khí nếu cuộc xung đột kéo dài.
Các quan chức Ukraine cho biết nước này đang sử dụng đạn dược và vật tư nhanh hơn so với mức nhận được từ viện trợ. Một số thiết bị, vũ khí quan trọng như xe tăng T-72 do Đông Âu cung cấp và tên lửa chống hạm của phương Tây để bổ sung cho kho tên lửa Neptune “khiêm tốn” của Ukraine, vẫn chưa xuất hiện trong các cuộc giao tranh.
“Tôi dự đoán lực lượng Nga sẽ đạt được một số tiến bộ. Các đốm màu đỏ trên bản đồ sẽ tiếp tục di chuyển”, ông Liam Collins, một đại tá lục quân Mỹ đã nghỉ hưu, nói. “Vì vậy, việc tiếp tục chuyển vũ khí cho Ukraine để bù đắp những tổn thất rất quan trọng".
“Lực lượng Ukraine nhỏ hơn nhiều. Vì vậy, ngay cả khi Nga chịu nhiều tổn thất hơn, sự tiêu hao liên tục có thể vẫn có lợi cho họ”, ông cho hay.
Các quan chức Lầu Năm Góc nhận định cường độ của cuộc giao tranh mới có thể vượt quá những cuộc xung đột đã diễn ra trong hơn 50 ngày qua.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/luc-luong-nga-va-ukraine-dua-den-mat-tran-donbas-post1310568.html