Lực lượng phòng cháy cùng vào cuộc kiềm chế cháy rừng
Thời tiết nắng nóng, ngoài nhiệm vụ chung, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Tĩnh cũng nỗ lực triển khai các giải pháp phòng chống cháy rừng.
Trong những ngày nắng nóng cao điểm, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng (PCCCR) ở các địa phương có diện tích rừng trọng điểm dễ cháy lớn như: Can Lộc, Nghi Xuân, Lộc Hà, thị xã Hồng Lĩnh….
Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Văn An cho biết: “Vừa qua, đoàn công tác lực lượng phòng cháy, kiểm lâm đã đến kiểm tra về quá trình xây dựng và thực hiện phương án PCCCR, các công trình, trang thiết bị, dụng cụ PCCCR, việc chuẩn bị sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” tại hạt kiểm lâm, UBND cấp xã, các chủ rừng trên địa bàn huyện… Đợt kiểm tra giúp chúng tôi kịp thời bổ cứu rà soát phương án, thiết bị, xử lý tình huống trong trường hợp không may xảy ra cháy”.
Cùng với kiểm tra, lực lượng cảnh sát phòng cháy đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCCCR, nhất là trong tuyên truyền lưu động, thông báo cấp dự báo cháy rừng hàng ngày khi cấp dự báo cháy rừng đến cấp IV - cấp V...
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền 1.561 lượt trên các phương tiện thông tin đại chúng; nói chuyện chuyên đề và ký 81.849 bản cam kết tại 138 trường học và 391 thôn, xóm.
Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức lực lượng thường trực 24/24h, sẵn sàng huy động lực lượng tham gia ứng cứu cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh; rà soát phương tiện chữa cháy rừng, cấp mới bổ sung các dụng cụ, phương tiện phục vụ chữa cháy rừng...
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn trong cả nước (đạt 52,58%, đứng thứ 17 cả nước). Toàn tỉnh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 360.000 ha, trong đó, có trên 130.000 ha rừng dễ cháy, trải đều trên địa bàn 12 huyện, thị xã.
Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 21 điểm phát lửa, trong đó có 11 điểm gây cháy rừng, diện tích rừng thiệt hại không có khả năng phục hồi 8,97 ha. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, trong đó lực lượng phòng cháy trực tiếp tham gia chữa cháy 2 vụ.
Sau khi xảy ra cháy rừng, lực lượng phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng điều tra, xác định được nguyên nhân, thủ phạm gây cháy rừng để xử lý theo quy định. Đến nay đã có 2/4 vụ cháy đã truy tìm được thủ phạm gây cháy rừng, xử phạt hành chính 180 triệu đồng. Với vụ cháy rừng xảy ra vào tối 21/6 tại huyện Hương Khê, lực lượng phòng cháy đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân.
Thượng tá Võ Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CHCN (Công an tỉnh) cho biết: “Lực lượng cảnh sát phòng cháy - Công an tỉnh luôn xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của lực lượng; đặc biệt là trước và trong thời điểm bắt đầu vào mùa nắng nóng, thời điểm Nhân dân thu hoạch, khai thác rừng. Để chủ động thực hiện tốt công tác PCCC rừng, Công an tỉnh nói chung, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN luôn bám sát, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an về công tác PCCCR”.
Cũng theo Thượng tá Võ Đăng Khoa, công tác chữa cháy, khó khăn lớn nhất là nguồn nước tại chỗ thiếu hụt trầm trọng, vì vậy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đang đề xuất UBND tỉnh quan tâm trang thêm bị xe tẹc tiếp nước loại có dung tích lớn để đáp ứng công tác chữa cháy nói chung và công tác chữa cháy rừng nói riêng. Thời gian tới, lực lượng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, tập huấn và tuyên truyền kiến thức, nhằm góp phần kiềm chế tình trạng cháy rừng.