Lực lượng quản lý thị trường: Kiện toàn bộ máy, chính quy, chuyên nghiệp hơn
'2019 là năm đầu tiên lực lượng quản lý thị trường (QLTT) hoạt động theo mô hình tổ chức mới. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… đạt kết quả tích cực, thể hiện sự đúng đắn của việc thay đổi mô hình theo hướng ngành dọc' – ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT – chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Thời gian qua, lực lượng QLTT đã thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là yêu cầu mới về việc tổ chức ngành dọc ngày càng chính quy; tập trung tấn công và xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xin ông cho biết kết quả của công tác đổi mới quản lý?
Trước đây, lực lượng QLTT được “cắt khúc” thuộc địa phương. Tuy nhiên, từ tháng 10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thay đổi mô hình tổ chức xuyên suốt, từ Bộ Công Thương thành lập Tổng cục, phía dưới có 63 Cục ở các địa phương. Qua 1 năm hoạt động theo mô hình mới này, việc thay đổi cơ cấu, mô hình tổ chức của lực lượng QLTT rất phù hợp với việc điều hành, đặc biệt trong bối cảnh tình hình gian lận thương mại, hàng giả hiện nay đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tinh vi và manh động hơn.
Cụ thể, trên mặt trận chống buôn lậu, việc thay đổi mô hình tổ chức xuyên suốt đã giúp sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng được đồng bộ hơn. Ở tuyến đầu biên giới có bộ đội biên phòng, hải quan; khi hàng hóa thẩm lậu vào thị trường nội địa, lực lượng QLTT và công an cũng có phối hợp nhịp nhàng hơn rất nhiều. Bản thân lực lượng QLTT trong khi kiểm tra thị trường nội địa cũng bắt giữ nhiều vụ việc có tính hệ thống và đường dây.
Đối với công tác chống hàng giả, năm 2019, lực lượng xuyên suốt từ trung ương tới địa phương đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc. Từ hàng giả của các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới đến hàng giả được sản xuất trong thị trường nội địa; hàng giả được sản xuất một nơi và tiêu thụ ở các địa bàn khác nhau. Do đó, việc chỉ đạo xuyên suốt rất quan trọng trong việc phát hiện nơi sản xuất đến nơi kho chứa hàng. Lực lượng QLTT đã xử lý nhiều vụ việc, thu giữ tại nơi sản xuất; phối hợp với các hãng, nhãn hiệu nổi tiếng để kiểm tra, xử lý, thậm chí chuyển hình sự những vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các hãng nổi tiếng trên thế giới.
Ngoài ra, đối với gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, thương mại điện tử - hình thức mới nổi lên từ năm 2019, cũng được lực lượng QLTT rất quan tâm và tập trung xử lý nhiều vụ việc.
Có thể nói, năm 2019, năm đầu tiên hoạt động theo mô hình tổ chức mới, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả đã đạt kết quả, tín hiệu tích cực. Điều này càng thể hiện sự đúng đắn của việc thay đổi mô hình theo hướng ngành dọc.
Mặc dù lực lượng chức năng đã quyết liệt triển khai các hoạt động đấu tranh, nhưng nhiều địa bàn, tụ điểm nổi cộm vẫn tái diễn tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này, thưa ông?
Thứ nhất, do nhu cầu, tập quán tiêu dùng, mức sống, thu nhập của người dân vẫn còn thấp, trong khi đó, tâm lý lại muốn sử dụng hàng có thương hiệu nổi tiếng, nên nhiều khi có sự thỏa hiệp. Mặc dù biết là hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng vẫn mua hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do lợi nhuận vẫn đưa ra thị trường hàng giả, hàng nhái…
Thứ hai, vị trí địa lý của Việt Nam rất thuận lợi cho việc trung chuyển hàng giả, hàng nhái, dẫn đến tình trạng vẫn tồn tại hàng giả, hàng nhái ở trong thị trường nội địa.
Tuy nhiên, cần hiểu rõ rằng, hàng giả, hàng nhái được tồn tại ở 2 dạng. Đó là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới được nhập lậu từ nước ngoài; hàng giả, hàng nhái được sản xuất trong nội địa, nằm sâu trong làng, xã, làng nghề của các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ.
Chính các yếu tố đó dẫn đến việc chúng ta phải “chung sống” và vẫn còn tồn tại lượng lớn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường.
Từ thực tế trên, ông có thể cho biết, năm 2020, lực lượng QLTT sẽ có những hành động, giải pháp cụ thể nào để doanh nghiệp, người dân chung tay “bài trừ” hàng giả, hàng nhái… ra khỏi thị trường?
Năm 2020, Tổng cục QLTT tập trung nhiều hơn vào hoạt động chuyên môn, kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Trong hoạt động chuyên môn, Tổng cục chọn việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là trọng tâm, trọng điểm, bởi hiện nay, thực trạng này đang trở nên nhức nhối đối với người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính. Để diệt tận gốc hàng giả cần có thời gian, sự phối hợp, đồng lòng của các cơ quan chức năng, người dân, doanh nghiệp…
Tuy nhiên, để hoạt động đấu tranh đem lại hiệu quả thiết thực, cần tập trung vào điểm “nóng”, điểm nổi cộm. Ví dụ như ở Hà Nội, các tuyến phố người nước ngoài hay đến, quanh phố cổ, chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào, hay ở TP. Hồ Chí Minh có tụ điểm đông khách du lịch như chợ Bến Thành, Trung tâm mua sắm Sài gòn Square…
Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT đã ký Quyết định 3972/QĐ-TCQLTT phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020. Chúng tôi đã lên danh sách 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại mỗi địa phương, liệt kê cụ thể những quận, huyện, chợ… nào để chỉ tập trung vào các địa bàn đó.
Tôi cho rằng, nếu triển khai có trọng tâm, trọng điểm, quyết tâm, quyết liệt thì chúng ta dần dần có thể ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này. Việc công khai kế hoạch này trước hết có tác dụng “đánh động”, làm cho người dân có hướng thay đổi dần cách thức kinh doanh. Từ đó, chúng tôi có biện pháp nghiệp vụ triển khai kế hoạch.
Xin nhấn mạnh rằng, đây là kế hoạch trọng tâm, trọng điểm của cả năm 2020, lực lượng QLTT đã chuẩn bị những phương án tốt nhất, quyết tâm triển khai hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12/10/2018.