Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự được bố trí phù hợp với từng địa phương

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được cho ý kiến và hoàn thiện trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 20/6/2023. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 20/6/2023. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Không làm tăng biên chế, chi ngân sách

Hiện nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có 3 lực lượng, gồm: dân phòng; bảo vệ dân phố và Công an xã bán chuyên trách được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, chưa có văn bản thống nhất. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo đúng trình tự, thủ tục và dự kiến được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Theo Bộ Công an, việc thống nhất, tổ chức lại lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm không làm tăng biên chế, không làm tăng chi ngân sách nhà nước, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác. Mục tiêu của việc xây dựng Luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh sẵn có thành 1 lực lượng thống nhất với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo đó, các chế độ, chính sách đang chi trả cho các lực lượng, chức danh này đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là phù hợp, bảo đảm tính khả thi sẽ tiếp tục được kế thừa để quy định cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm không làm tăng chi ngân sách nhà nước. Chính phủ đã có Báo cáo số 518/BC-CP ngày 6/10/2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cụ thể về chế độ, chính sách, kinh phí, nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện Luật khi được ban hành là bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Nguồn nhân lực bảo đảm trên cơ sở tiếp tục sử dụng lực lượng đang thực tế hoạt động hiện nay với khoảng 300.000 người. Theo Bộ Công an, đây là nguồn lực sẵn có hiện nay của lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Các địa phương căn cứ yêu cầu thực tiễn tại địa phương mình về nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và số lượng người đang được sử dụng thực tế để quyết định việc bố trí lực lượng theo hướng tăng hoặc giảm số lượng phù hợp với điều kiện, khả năng và yêu cầu của từng địa phương.

Tham gia hỗ trợ, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an

Dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là căn cứ từ yêu cầu thực tiễn. Qua khảo sát, tổng hợp về thực trạng tổ chức, hoạt động hiện nay của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cho thấy, các nhiệm vụ quy định trong dự thảo Luật là những nhiệm vụ đang quy định cho các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thực hiện và đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá, trên cơ sở đó dự thảo Luật đã kế thừa, chỉnh lý và quy định bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là lực lượng tham gia hỗ trợ, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã.

Bố trí phù hợp với thực tiễn địa phương

Về Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, theo Bộ Công an, nếu quy định “cứng” về khung số lượng Tổ, khung số lượng các chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự sẽ không phù hợp với tình hình thực tiễn, không sát với nhu cầu của từng thôn, tổ dân phố, vì mỗi vùng miền, khu vực thành thị, nông thôn có sự khác nhau. Do đó, dự thảo Luật quy định theo hướng “mở” để chính quyền địa phương căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương để quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần thành lập và số lượng người tham gia hoạt động là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng được tuyển chọn tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, dưới sự quản lý và do chính quyền cơ sở thành lập, bảo đảm kinh phí chi trả chế độ, chính sách. Do đó, theo Bộ Công an, nếu quy định “cứng” trong Luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế và có thể là áp lực về kinh phí đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách. Về nội dung này, trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, Bộ Công an đã trao đổi, xin ý kiến và các địa phương thống nhất quy định theo hướng mở như thể hiện trong dự thảo Luật.

Vì vậy, Bộ Công an đề nghị không quy định khung, không quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tại dự thảo Luật mà tiếp tục giữ nguyên nội dung đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.

Địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do chính quyền các địa phương bảo đảm, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố hoặc bố trí tại nơi làm việc của Công an cấp xã hoặc địa điểm, nơi làm việc khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và khả năng bảo đảm của địa phương.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tiếp tục được sử dụng phương tiện, trang thiết bị đã trang bị cho lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách để hoạt động.

PV (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-duoc-bo-tri-phu-hop-voi-tung-dia-phuong-20231122151008656.htm