Lực lượng vũ trang hỗ trợ người dân vùng lũ miền Trung
Nhiều ngày qua, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung khiến 2 người chết, 1.564 ngôi nhà bị ngập, 3.910 người phải sơ tán, học sinh nhiều địa phương phải nghỉ học. Trong mưa lũ, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4, Quân khu 5 đã kịp thời điều động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân ứng phó với thiên tai, khắc phục hậu quả.
Quân khu 4 cắm chốt ở những điểm xung yếu
Từ ngày 10 - 16/10/2023, mưa lớn trên địa bàn Quân khu 4, nhất là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, gây ngập lụt cục bộ trên 30 điểm, nhiều điểm ngập sâu 3 - 5m, chia cắt nhiều địa phương. Đặc biệt tình trạng sạt lở núi, nhiều tuyến đường hư hỏng và sạt lở đê, đe dọa đến tính mạng tài sản của nhân dân.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lụt, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) các tỉnh triển khai lực lượng và điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ cùng nhiều phương tiện tàu xuồng, có mặt tại các điểm xung yếu như huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn... (tỉnh Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Bố Trạch... (tỉnh Quảng Bình); Hải Lăng, ĐaKrong... (tỉnh Quảng Trị) và TP Huế, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế), tổ chức di dời hàng trăm hộ gia đình đến nơi an toàn.
Trước tình hình tại một số địa phương khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên xảy ra mưa lớn, gây ngập úng cục bộ, sạt lở đất, lũ quét, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Bộ Tổng Tham mưu đã ban hành công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực ban cứu hộ, cứu nạn 24/24h; tổ chức kiểm tra, rà soát các trọng điểm có nguy cơ xảy ra sự cố, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Những khu vực bị lũ chia cắt, sạt lở đất và lở đê, cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ cùng với các lực lượng giúp đỡ nhân dân ứng cứu, di dời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm; giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại nhà cửa; phối hợp tổ chức gia cố đê nhằm bảo vệ an toàn cho bà con vùng lũ.
Xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là vùng thấp trũng nên nước dâng rất nhanh, các tuyến đường đều bị chia cắt. Đặc biệt khu vực cống Hồ (thôn Mai Dương) cuối hạ lưu sông Bồ, bị sạt lở đê dài gần 100m, ăn sâu vào nền đường. Nếu không kịp thời gia cố thì nguy cơ vỡ đê rất cao, ảnh hưởng đến nhiều nhà dân và hàng trăm ha mặt nước nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang.
Nhận được thông tin, trưa 13/10, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Quảng Điền huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân phối hợp với công an và lực lượng tại chỗ dùng sắt cuộn làm hàng trăm rọ đựng đá để gia cố các vị trí bị hở hàm ếch do nước xoáy.
Trời mưa to, nước sông chảy xiết, việc xếp các rọ đá vào vị trí bị sạt lở rất khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an phải ngâm mình dưới nước lạnh, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, đến 17h cùng ngày, các lực lượng đã hoàn thành gia cố đoạn đê bị sạt lở, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Đưa người dân vùng lũ đến nơi tránh trú an toàn
Mưa lớn khiến nhiều khu vực ở TP Đà Nẵng bị ngập úng, chia cắt, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của hàng vạn người dân. Bộ CHQS TP Đà Nẵng, Tiểu đoàn Đặc công 409, Tiểu đoàn Trinh sát 32 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) đã kịp thời huy động hơn 766 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và lực lượng dân quân, tự vệ tham gia giúp nhân dân ứng phó với tình hình mưa, lũ, khắc phục hậu quả.
Cụ thể, Bộ CHQS TP Đà Nẵng huy động 365 người, trong đó 32 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và 333 dân quân, tự vệ; tham gia khơi thông cống rãnh thoát nước, sơ tán nhân dân. Tiểu đoàn Đặc công 409 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) huy động 30 cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân khu vực đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Sư đoàn 375 (Quân chủng Phòng không - Không quân) huy động 40 cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân khu vực phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng và địa phương huy động 331 người giúp nhân dân ở các khu vực ngập lụt, thấp trũng.
LLVT đã kịp thời điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân, sử dụng xe thiết giáp, xe tải, ca nô, xuồng máy, xuồng cao su khẩn trương cơ động đến hiện trường, phối hợp lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân đi sơ tán; giúp dân chằng chống nhà cửa, đắp đê ngăn nước, kê đặt tài sản, hạn chế thấp nhất những hư hỏng, thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tại “rốn lũ” Thanh Khê, trong đêm 13/10, các lực lượng quân sự, dân quân, công an cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động, hỗ trợ, đưa hơn 2.000 người dân sinh sống dọc trục đường Dũng Sĩ Thanh Khê và khu vực chân cầu vượt ngã ba Huế đến nơi tránh trú an toàn. Những trường hợp không có người thân, họ hàng để ở nhờ, được bộ đội đưa về Trường Tiểu học Lê Văn Tám (phường Thanh Khê Tây) và Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Thanh Khê sinh hoạt, nghỉ ngơi, tránh lũ.
Sáng 14/10, trời tiếp tục mưa lớn, gây ngập sâu tại khu vực Tổ 26 Khe Cạn (phường Thanh Khê Đông) khiến gần 30 hộ dân sinh sống tại đây không kịp trở tay. Sau gần 2 tiếng đồng hồ vật lộn giữa dòng nước xiết đục ngầu, lực lượng cứu hộ, cứu nạn do Thiếu tá Nguyễn Nhật Linh, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban CHQS quận trực tiếp chỉ huy đã đưa được 142 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Sau 2 ngày 2 đêm đi sơ tán, tránh lũ trong các cơ quan, công sở, trường học trên địa bàn, sáng 15/10, thấy trời ngớt mưa, nước lũ xuống dần, hàng trăm người dân sinh sống tại tổ 45, 46, 47, 48, 65, 67 Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) trở về nhà.
Đến gần trưa, trời bất chợt đổ mưa xối xả. Trong ít phút, những con hẻm nhỏ nằm dọc tuyến đường Hoàng Văn Thái, Mẹ Suốt, Trần Kế Xương lại tiếp tục ngập sâu khiến nhiều người không kịp trở tay. Với lực lượng, phương tiện tại chỗ, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Tiểu đoàn Đặc công 409 đã kịp thời cơ động, sơ tán được 14 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đưa về đơn vị tá túc.
Trực tiếp chỉ huy lực lượng đi cứu hộ, cứu nạn, Thượng úy Trương Quang Thiên, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Đặc công 409 cho biết: “Điều khiển ca nô, xuồng máy cứu hộ đi trong những khu dân cư bị ngập sâu luôn là khó khăn, thử thách lớn của bộ đội đặc công. Nếu không may va phải cọc ngầm, cột điện, hàng rào hay các vật sắc nhọn chìm sâu dưới nước, thiệt hại có thể xảy đến rất nhanh. Để bảo đảm an toàn, quá trình cơ động, bộ đội phải lựa từng con nước mà đi. Thậm chí, ở nhiều đoạn anh em phải chủ động tắt máy, không cho dây gai, lục bình quấn vào chân vịt, rồi kề vai, gắng sức chèo, chống đưa thuyền ngược sóng tiếp cận mục tiêu. Quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, quá trình cơ động thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi phải chia nhỏ đội hình, đi vào từng hẻm nhỏ liên tục phát loa tay thông báo tìm người”.
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngày 15/10, gần 300 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân của Ban CHQS quận Liên Chiểu (Bộ CHQS TP Đà Nẵng) và Tiểu đoàn Đặc công 409, Tiểu đoàn Trinh sát 32 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) tiếp tục ra quân tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân sinh sống tại các khu vực trũng thấp, ngập sâu đi sơ tán; phối hợp cùng lực lượng chức năng địa phương tích cực thu gom củi gỗ, rác thải, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh, mương, sông suối; bảo đảm chu đáo nơi ăn, chỗ ở cho bà con đến tránh trú tập trung.