Lực lượng vũ trang Nghệ An sát cánh giúp người dân vượt qua mưa lũ
Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã được huy động đến các vùng ngập lụt để di chuyển người dân đến nơi an toàn và hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả bão số 3.
Sát cánh cùng người dân vùng lũ
Con Cuông là một trong những xã miền Tây Nghệ An chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3. Tại thôn Vĩnh Hoàng, chiều dài đoạn ngập lụt khoảng 1 km, vị trí ngập sâu nhất lên đến gần 2m.
Do mưa lũ nên trên địa bàn xã bị ngập 24 thôn, bản; trong đó 10 thôn, bản bị cô lập hoàn toàn, 5 thôn, bản bị cô lập một phần. Tuy nhiên, rất may đến thời điểm này không có thiệt hại về người.

Nhiều nơi ngập sâu, người dân miền Tây Nghệ An phải gồng mình chống chọi với lũ. Ảnh: Quốc Huy
Dọc tuyến Quốc lộ 7 từ Con Cuông lên đến xã Mường Xén hiện nay có nhiều điểm ngập lụt, chưa tính các điểm sạt lở. Riêng từ xã Con Cuông lên đến Ban chỉ huy PTKV 4-Tương Dương có 14 điểm bị ngập, chia cắt. Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã huy động tối đa lực lượng giúp nhân dân.
Thượng tá Trần Văn Hùng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ khu vực (PTKV 5) -Anh Sơn (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) cho biết, đã tổ chức 3 ca nô và 8 cán bộ, chiến sĩ túc trực, canh gác, bảo đảm an ninh, an toàn cho người và phương tiện; đồng thời sẵn sàng chuyên chở các trường hợp khẩn cấp qua khu vực ngập lụt này.
Trong số những trường hợp được hỗ trợ trên, có 1 bệnh nhân đang cấp cứu và 1 bệnh nhân đang chạy thận.

Chiến sĩ thuộc Bộ Cchỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đưa người dân trong các trường hợp khẩn cấp qua khu vực ngập lụt. Ảnh: Quốc Huy
Kiểm tra, chỉ đạo và động viên cán bộ chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại điểm ngập lụt thôn Vĩnh Hoàng, xã Con Cuông vào chiều qua, 24/7/2025, Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, toàn Quân khu đã huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ cùng lực lượng dân quân trực tiếp đến các điểm ngập lụt để giúp đỡ nhân dân. Các khu vực ngập sâu, chỉ huy các đơn vị đã dùng ca nô, xuồng máy để tiếp cận hỗ trợ người dân các nhu yếu phẩm cần thiết như: Lương khô, mì tôm, nước uống… Với quan điểm nước rút đến đâu, bộ đội nhanh chóng giúp nhân dân ổn định cuộc sống đến đó… Khi nào người dân ổn định cuộc sống như bình thường bộ đội mới rút về.

Quân khu 4 đã huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ cùng lực lượng dân quân trực tiếp đến các điểm ngập lụt để hỗ trợ nhân dân. Ảnh: Quốc Huy
Cũng trong chiều cùng ngày, Trung đoàn 335 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) cũng đã điều động 250 cán bộ, chiến sĩ hành quân về các các điểm ngập lụt giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ngoài quân đội, lực lượng công an cũng đã huy động thêm cán bộ, chiến sĩ để kịp thời tăng cường lực lượng hỗ trợ Công an các xã miền núi giúp đỡ Nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Công an tỉnh Nghệ An đã tăng cường 100 đồng chí đoàn viên thanh niên chia thành 2 đoàn đến các địa bàn xung yếu hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Nhiều nơi ngập sâu, lực lượng chức năng cũng rất vất vả mới đưa người dân qua vùng ngập lụt. Ảnh: Công an Nghệ An
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Công an tỉnh Nghệ An đã họp phương án, huy động thêm 240 CBCS thuộc Tiểu Đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động dự bị chiến đấu đang tham gia huấn luyện tăng cường cho 8 xã: Nhôn Mai, Lượng Minh, Hữu Kiệm, Mường Xén, Con Cuông, Chiêu Lưu, Tam Thái, Thành Bình Thọ.
Đồng thời, phân công Lãnh đạo các phòng chức năng Công an tỉnh phụ trách các tổ địa bàn thuộc Tuyến Quốc lộ 7 làm tổ trưởng các tổ tăng cường. Các phòng Công an tỉnh sẵn sàng về quân số để điều động khi có yêu cầu.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An xuyên đêm hỗ trợ di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: Công an Nghệ An
Về công tác hậu cần đảm bảo, Công an tỉnh cũng đã chuẩn bị các nhu yếu phẩm thiết yếu (nước uống, mì tôm, lượng khô...) để phục vụ các lực lượng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ và hỗ trợ, trao tặng cho bà con Nhân dân vùng bị ảnh hưởng mưa lũ.
Lũ thượng nguồn các sông đang lên cao
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Nghệ An, hiện nay, lũ trên thượng nguồn các sông Nghệ An đang tiếp tục lên; riêng trạm Mường Xén và Thạch Giám đã đạt đỉnh nhưng vẫn ở mức trên báo động 3 (trạm Thạch Giám đang vượt mức lũ lịch sử), tại trạm Con Cuông lũ tiếp tục lên và đang vượt lũ lịch sử. Các trạm hạ nguồn tiếp tục lên nhưng ở mức dưới báo động 1.
Dự báo trong 6 giờ tới, lũ trên sông Cả tiếp tục lên nhanh. Đỉnh lũ trên các sông khả năng trên mức báo động 3. Đặc biệt, tại trạm Con Cuông tiếp tục lên và vượt mực nước lũ lịch sử (mức lũ lịch sử tại Con Cuông là 3254cm, xuất hiện ngày 27/8/1973).
Dự báo trong 06 - 24h giờ tới, lũ trên thượng nguồn sông Cả khả năng đạt đỉnh nhưng vẫn dao động ở mức cao. Lũ ở hạ lưu sông Cả tiếp tục lên.

Dự báo lũ trên thượng nguồn các sông ở Nghệ An đang lên cao. Ảnh: Quốc Huy
Cảnh báo lũ trên thượng lưu sông Cả tiếp tục tiếp tục lên ở mức rất cao. Đỉnh lũ trên thượng lưu sông Cả vượt lũ lịch sử, trên hạ lưu các sông Nghệ An có khả năng trên mức báo động báo động 3 vào chiều tối mai. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập lụt diện rộng ở các vùng trũng, thấp ven sông, khu đô thị tỉnh Nghệ An.
Để chủ động ứng phó với lũ trên các sông ở Nghệ An, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; Cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; Các bến đò ngang, đò dọc; Các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Cán bộ Công an tỉnh Nghệ An cõng người dân qua vùng ngập. Ảnh: Công an Nghệ An
Đồng thời, rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng triển khai ứng phó.
Chiều tối 23/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đã về kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn tỉnh Nghệ An.Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xã Con Cuông và tỉnh Nghệ An tiếp tục chủ động, theo dõi sát tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ để đưa ra phương án ứng phó kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ".Đặc biệt, phải chủ động rà soát các khu vực xung yếu để không bị động trong các tình huống có thể xảy ra. Dù hiện tại trời không mưa nhưng tuyệt đối không được chủ quan để người dân ra sông hay đi qua những nơi xung yếu.Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cũng yêu cầu, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng nhanh chóng có giải pháp tiếp cận các hộ dân, bản làng bị cô lập để hỗ trợ người dân.