Lực lượng vũ trang Quân khu 4 vững bước tiến lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà độc lập, trước sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng và yêu cầu của nhiệm vụ mới, ngày 15/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chiến khu 4 (tiền thân của Quân khu 4) gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngày 15/10 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của Lực lượng vũ trang Quân khu 4. Trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã xây đắp nên truyền thống 'Bình Trị Thiên trung dũng', 'Thanh Nghệ Tĩnh kiên cường', là tiền đề vững chắc để lực lượng vũ trang quân khu ngày nay vững bước tiến lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhân dân và lực lượng vũ trang Chiến khu 4 đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu, chịu nhiều tổn thất hy sinh. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng quân và dân Khu 4 đã phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ mở chiến dịch Lê Lai, Phan Đình Phùng; phối hợp với Lào mở chiến dịch Trung Lào, tham gia chiến đấu trên chiến trường Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia... Đồng thời, hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng hậu phương, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân khu 4 là tuyến đầu chống Mỹ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bằng ý chí quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng quê hương, đất nước, quân và dân Khu 4 đã vượt mọi khó khan, gian khổ, chịu nhiều hy sinh để xây dựng cơ sở, tổ chức lực lượng, ngoan cường chiến đấu đánh bại nhiều chiến lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai như: Chống địch chiếm đóng và càn quét ở Trị - Thiên Huế; phá hủy, vô hiệu hóa tuyến hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra và tuyến phòng ngự dày đặc của Mỹ, ngụy ở Nam Vĩ tuyến 17; chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân địch leo thang đánh phá; đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy; tiến công địch ở Khe Sanh năm 1968; Chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972; xẻ dọc Trường Sơn xây dựng hành lang vận chuyển Bắc - Nam; bảo vệ cửa ngõ đường Hồ Chí Minh và tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 lịch sử.
Lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, đã cùng với Nhân dân nước bạn Lào tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích, trên cơ sở liên minh chiến đấu giải phóng Cánh Đồng Chum và đại bộ phận Trung, Hạ Lào, tạo nên một vùng giải phóng rộng lớn cho cách mạng Lào, tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.
Sau mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu giải phóng, lực lượng vũ trang quân khu tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, lực lượng vũ trang Quân khu 4 tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Đồng thời, chú trọng củng cố hậu phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, nâng cao khả năng phòng thủ, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, có sức chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nuôi dưỡng của Nhân dân, tạo điều kiện giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, của đơn vị bạn và bạn bè quốc tế, lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, xây đắp nên truyền thống vẻ vang với những nét tiêu biểu đó là: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc; có ý chí quyết chiến, quyết thắng và biết đánh, biết thắng mọi kẻ thù; gắn bó máu thịt với Nhân dân, quân với dân một ý chí; hậu phương, tiền tuyến đồng lòng, luôn vì cả nước, với cả nước; có tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng; đặc biệt gắn bó thủy chung với cách mạng Lào.
Với chiến công đạt được, lực lượng vũ trang Quân khu 4 vinh dự được tặng thưởng: 2 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì. 1.047 tập thể, 393 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và nhiều đơn vị trong quân khu được tặng nhiều Huân chương, Huy chương và những phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước Việt Nam và Nhà nước Lào.
Phát huy truyền thống anh hùng, lực lượng vũ trang Quân khu 4 ngày nay tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh; thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với mọi hoạt động của lực lượng vũ trang quân khu; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, trình độ sẵn sàng chiến đấu, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ không quản ngại gian khổ, hy sinh, tích cực giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa môi trường; phòng, chống dịch bệnh, được cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân trên địa bàn tin tưởng, đánh giá cao. Tăng cường tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào; phối hợp với các đơn vị Lào, các địa phương có chung tuyến biên giới, đẩy mạnh hợp tác, đấu tranh chống sự phá hoại của kẻ thù, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước, giữ vững độc lập, chủ quyền và sự phát triển của mỗi quốc gia, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực.