Lục Ngạn (Bắc Giang): Chủ động trong phương án tiêu thụ vải thiều

Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, vụ vải thiều năm 2022 huyện đã chủ động xây dựng, thực hiện nhiều phương án kết nối, tiêu thụ với các đối tác trong và ngoài nước, qua đó đảm bảo đầu ra ổn định cho trái vải thiều.

Tình hình tiêu thụ vải sớm của huyện Lục Ngạn gặp nhiều thuận lợi.

Tình hình tiêu thụ vải sớm của huyện Lục Ngạn gặp nhiều thuận lợi.

Mở rộng thị trường trong và ngoài nước

Năm 2022, do tình hình thời tiết khá thuận lợi, cây vải ra hoa, đậu quả tỷ lệ từ 70-90%; dự báo sản lượng quả tươi toàn huyện Lục Ngạn đạt hơn 95.000 tấn. Trong đó, riêng đối với vải chín sớm, năm nay huyện Lục Ngạn thu hoạch khoảng 21.000 tấn. Theo ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, hiện nay toàn huyện Lục Ngạn có khoảng 16.000ha vải thiều, trong đó hơn 12.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 500ha sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU; 100% diện tích vải của huyện đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Năm nay, song song với chỉ đạo tổ chức sản xuất theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu an toàn chất lượng, từ tháng 3/2022 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã chủ động tổ chức các Đoàn công tác đi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với chính quyền, Hải quan, Ban Quản lý các cửa khẩu quốc tế như: Móng Cái, Quảng Ninh; Mộc Bài, Tây Ninh; cùng Đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang làm việc với tỉnh Lạng Sơn… để có biện pháp hỗ trợ thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu. Đồng thời, kết nối hỗ trợ để các doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương ký kết thỏa thuận, hợp đồng với các đối tác về việc xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn sang châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng được huyện Lục Ngạn đặc biệt quan tâm. Ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã tổ chức các đoàn xúc tiến, liên hệ, làm việc với nhiều tỉnh, thành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp để kết nối, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đến với người tiêu dùng trong cả nước thông qua các kênh phân phối, tiêu thụ đa dạng, như: Hệ thống các siêu thị lớn (như BigC, Sài Gòn Co.op, Winmart…); các chợ đầu mới lớn khu vực miền Nam (như Thủ Đức, Dầu Giây); các kênh thương mại điện tử lớn… Riêng huyện Lục Ngạn đã tổ chức 12 hội nghị, sự kiện, chương trình làm việc chuyên đề với các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân liên quan đến sản xuất, kinh doanh vải thiều và các lĩnh vực phụ trợ để nắm bắt tình hình, bàn giải pháp tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến vải thiều trong vụ mùa năm 2022.

Cũng theo ông La Văn Nam, tính từ đầu vụ, giá bán vải thiều Lục Ngạn dao động từ 20.000-35.000 đồng/kg. Nhìn chung, việc tiêu thụ sản phẩm cơ bản thuận lợi, người sản xuất phấn khởi vì vải thiều được mùa, được giá. Tính đến ngày 10/6, toàn huyện có 96 điểm cân, thu mua vải. Huyện Lục Ngạn đã ký kết biên bản ghi nhớ với nhiều tổ chức, doanh nghiệp về việc tiêu thụ vải thiều với sản lượng khoảng 45 nghìn tấn. Huyện đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về dịch vụ ngân hàng, bến bãi, đá cây, thùng xốp...

Vải thiều Lục Ngạn được ưu tiên “luồng xanh” đi Trung Quốc

Mới đây, tại buổi gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn năm 2022, nhiều PV đã đặt câu hỏi liên quan tới việc xuất khẩu vải qua thị trường Trung Quốc do nước này đang áp dụng chính sách “Zero Covid” khiến việc kiểm dịch khắt khe.

Trả lời về vấn đề này, ông La Văn Nam cho biết, hiện toàn huyện có 35 mã số vùng trồng đã được Trung Quốc chấp thuận với diện tích 11.423ha và 237 cơ sở đóng gói; 30 mã vùng được Nhật Bản chấp nhận cấp mã số vùng trồng với diện tích 224,5ha và 1 cơ sở đóng gói (trong đó, đối với sản phẩm vải thiều xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trên bao bì nhất thiết phải dùng tiếng Trung Quốc ghi rõ tên hoa quả, nơi sản xuất, đóng gói, tên nhà vườn hoặc mã số đăng ký đã được Trung Quốc cấp theo quy định...).

Theo ông Nam, đối với mặt hàng nông sản vải thiều xuất khẩu của Việt Nam phía Trung Quốc ưu tiên dành riêng luồng xanh nên việc xuất khẩu sang thị trường này có ảnh hưởng nhưng không gặp quá nhiều khó khăn.

“Năm nay khó khăn lớn nhất là về kiểm dịch bảo vệ thực vật và kiểm dịch Covid-19. Lường trước những khó khăn đó, chúng tôi đã chủ động làm việc với Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) và đã trao đổi với Hà Giang, Lào Cai để mở rộng thêm các cửa khẩu để lượng hàng sang nhiều hơn”, ông Nam chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ngoài việc mở rộng thị trường, huyện cũng rất quan tâm tới việc đầu tư hạ tầng giao thông, đảm bảo việc vận chuyển vải thiều được thuận lợi và nhanh chóng. Theo đó, năm 2021, huyện Lục Ngạn đã chủ động đầu tư xây dựng đường 289 đi từ thị trấn Chũ sang Tân Mộc để nối với Đường 293 và làm tiếp một đường nhánh từ Đường 293 vào Mỹ An, đi tiếp đến Nam Dương để tạo ra con đường tránh cho Quốc lộ 31. Cùng với đó, địa phương đã và đang mở rộng các tuyến đường nội huyện, giúp cho các phương tiện vào tận từng làng để mua vải, tránh việc thu mua vải trên đường quốc lộ, để giảm tải cho Quốc lộ 31.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 31, từ thành phố Bắc Giang lên đến xã Hồng Giang có tổng chiều dài 46km, với số tiền đầu tư gần 900 tỷ đồng. Theo dự kiến, việc mở rộng Quốc lộ 31 sẽ được khởi công vào quý cuối tháng 6/2022.

Chương Huyền – Thân Nam

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/luc-ngan-bac-giang-chu-dong-trong-phuong-an-tieu-thu-vai-thieu-333910.html