Lục Ngạn: Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường học

Thời gian qua, cơ sở vật chất trường học tại huyện Lục Ngạn không ngừng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Là huyện miền núi vừa được chia tách, điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng huyện phấn đấu tiếp tục nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.

Đến Trường Mầm non Giáp Sơn, nhiều người thấy ấn tượng không chỉ bởi những dãy nhà tầng kiên cố mà ở đó còn có cảnh quan, không gian xanh được bố trí hài hòa, nhiều hạng mục được đầu tư hiện đại. Đây được xem là một trong những trường mầm non có cơ sở vật chất tốt nhất huyện Lục Ngạn hiện nay.

 Trường Mầm non Giáp Sơn được đầu tư khang trang.

Trường Mầm non Giáp Sơn được đầu tư khang trang.

Theo cô Dương Thị Nghĩa, Hiệu trưởng nhà trường, Trường Mầm non Giáp Sơn được thành lập từ năm 1997, ban đầu đặt tại thôn Lim nhưng phòng học chật hẹp, xuống cấp và quá tải. Năm 2024, Trường được Nhà nước đầu tư khoảng 34 tỷ đồng để xây dựng ra vị trí hiện nay với đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị giảng dạy như: Phòng, lớp học, khu ở bán trú, bếp ăn, giường, tủ, hệ thống nước sạch, đèn, quạt, khu vui chơi ngoài trời; các phòng âm nhạc, tin học, ngoại ngữ; máy chiếu, ti vi, bàn ghế… đều đạt chuẩn theo quy định. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Hiện Trường được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Trường có gần 600 học sinh, trong đó con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 67,2%.

Tương tự, năm vừa qua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hộ Đáp được đầu tư hơn 19,3 tỷ đồng từ các nguồn vốn: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vốn đầu tư phát triển ngân sách tỉnh và ngân sách huyện. Công trình với các hạng mục gồm: Nhà lớp học 3 tầng, phòng chức năng 2 tầng, nhà ăn bán trú, phòng quản lý học sinh, hệ thống cấp điện, nước... Trường xây dựng xong đưa vào sử dụng đã giải quyết được tình trạng thiếu phòng học, giúp nhà trường bố trí đủ các phòng chức năng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục; tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên được học tập, làm việc trong môi trường khang trang, an toàn và thân thiện.

Nhiều trường học trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã được quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và đạt chuẩn quốc gia như các trường: Mầm non Hộ Đáp, Phong Minh, Biển Động; Tiểu học Phú Nhuận, Giáp Sơn, Tân Quang; Trung học cơ sở Tân Sơn; Tiểu học và Trung học cơ sở Kim Sơn... Theo lãnh đạo Trường Tiểu học Tân Quang, trước đây, Trường thiếu phòng học và các thiết bị, đồ dùng học tập, ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả cũng như chất lượng giáo dục. Từ năm 2022, nhà trường được đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng thêm dãy nhà 3 tầng kiên cố với 12 phòng học và các công trình phụ trợ. Qua đó đã khắc phục tình trạng thiếu phòng học, tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt là đã dồn điểm trường Núi Cá về trường chính.

Lục Ngạn hiện có 54 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 96,4%), huyện phấn đấu năm nay 100% các trường đạt chuẩn quốc gia.

Toàn huyện Lục Ngạn hiện có 54 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 96,4%), huyện phấn đấu trong năm nay 100% các trường đạt chuẩn quốc gia. Ông Nguyễn Văn Khuông, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học cho các trường đã đem lại kết quả rõ rệt trong việc nâng chất lượng giáo dục. Dù vậy, do địa phương mới được chia tách, có 19 xã, thị trấn, chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên điều kiện khó khăn, thiếu cơ sở vật chất giáo dục. Số lượng điểm trường lẻ ở cấp mầm non nhiều khiến công tác quản lý cũng như đầu tư xây dựng bị phân tán.

Sau khi chia tách huyện, trên địa bàn chưa có mô hình trường trọng điểm chất lượng cao để phát triển giáo dục mũi nhọn. Một số trường đạt chuẩn quốc gia nhưng cơ sở vật chất chỉ đạt ở yêu cầu tối thiểu, trang thiết bị giảng dạy và học tập chưa đồng bộ. Nhiều phòng học, phòng chức năng được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, trong khi ngân sách huyện và cấp xã có hạn… Xác định đầu tư cơ sở vật chất là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường rà soát, thống kê trang thiết bị, đồ dùng dạy học, từ đó có kế hoạch mua sắm, kết hợp với xây dựng và tu sửa cơ sở vật chất.

 Giờ học tại Trường Tiểu học Tân Quang.

Giờ học tại Trường Tiểu học Tân Quang.

Khắc phục những khó khăn trên, địa phương tiếp tục quan tâm ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường đề nghị công nhận mới, công nhận lại, nâng mức độ chuẩn quốc gia, các trường trên địa bàn xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Cùng đó, chú trọng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm các tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia.

Căn cứ kết quả rà soát cơ sở vật chất, thống kê chính xác của từng cấp học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ tham mưu UBND huyện có lộ trình xóa phòng học tạm, phấn đấu phòng học kiên cố đạt 100% trong năm nay. Song hành với đó là chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác tự đánh giá, hoàn thiện hồ sơ đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục làm cơ sở công nhận trường chuẩn quốc gia. Cụ thể, đề nghị công nhận lại 8 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non, đồng thời công nhận mới 2 trường là Mầm non Tân Sơn và Tiểu học Sơn Hải. Nâng chuẩn Trường Trung học cơ sở Phì Điền lên mức độ 2 và tham mưu cho huyện có kế hoạch xây dựng thành trường trọng điểm chất lượng cao.

Đồng hành với ngành Giáo dục, chính quyền các xã, thị trấn cũng dành nhiều sự quan tâm đầu tư cho các trường. Ông Giáp Hồng Đăng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho hay, theo kế hoạch năm nay, Trường Tiểu học Sơn Hải phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất nghèo nàn, vào mùa mưa Trường thường ngập lụt nên để hoàn thành mục tiêu cần phải xây mới ra vị trí khác.

Dự kiến kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Là xã khó khăn, nguồn kinh phí eo hẹp nên địa phương và cơ quan chuyên môn huyện đang khảo sát vị trí xây dựng để đề xuất nguồn vốn đầu tư xây mới công trình từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng đó quan tâm đẩy mạnh vận động xã hội hóa các nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học, bảo đảm đáp ứng hiệu quả nhu cầu dạy và học tại địa phương.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bg2/moi-nhat/luc-ngan-chu-trong-dau-tu-co-so-vat-chat-truong-hoc-postid413101.bbg