Lục Ngạn khơi thông nguồn lực, tạo đột phá phát triển giao thông, đô thị
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) xác định phải tập trung đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị để tạo điểm nhấn và thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển. Điều đó được thể hiện ngay trong chủ đề của Đại hội Đảng bộ huyện và cụ thể hóa bằng nghị quyết của Huyện ủy, kế hoạch của UBND huyện về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị giai đoạn 2016 - 2020.
Để thực hiện mục tiêu, Đảng bộ, chính quyền huyện xác định huy động nguồn lực là khâu quan trọng. Chính vì vậy, huyện đã có nhiều sáng kiến trong việc đề xuất chủ trương, cách làm sáng tạo, tranh thủ và huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng. Sau 3 năm thực hiện, hạ tầng giao thông, đô thị của huyện có nhiều thay đổi. Đặc biệt, năm 2019 đã tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, đô thị. Năm 2019, huyện đã đề xuất và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho đầu tư xây dựng đường tỉnh 289 đoạn từ thị trấn Chũ đi Đồng Đỉnh (Lục Nam) theo hình thức BT; đồng thời bố trí ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng đường nhánh nối đường tỉnh 293 với Cảng Mỹ An có chiều rộng nền đường 12m, mặt đường 11m...
Không chỉ tranh thủ nguồn lực đầu tư của T.Ư, của tỉnh và các doanh nghiệp, Lục Ngạn đặc biệt quan tâm huy động nguồn lực trong nhân dân. Năm 2019, huyện đăng ký cứng hóa hơn 733km đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 06, 07 của HĐND tỉnh, cao nhất toàn tỉnh và gần 100km theo các chương trình, dự án khác. Đây là một khối lượng công việc lớn song sau một năm thực hiện với quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, toàn huyện không chỉ hoàn thành cứng hóa 733 km theo kế hoạch mà còn đăng ký và hoàn thành thêm 40km, vượt kế hoạch đề ra; nâng tổng số đường giao thông nông thôn được cứng hóa theo nghị quyết lên hơn 1.250 km.
Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện tăng từ trên 30% năm 2016 lên hơn 80% vào cuối năm 2019. Điều đáng phấn khởi là qua phong trào làm đường giao thông đã tạo sức lan tỏa, sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Sau 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết, nhân dân đã đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công để làm đường. Nhiều địa phương tuy điều kiện KT-XH còn khó khăn nhưng nhân dân vẫn tích cực đóng góp kinh phí, hiến đất, tháo dỡ tài sản để thi công, qua đó có hơn 400km đường giao thông tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được cứng hóa.
Cũng thông qua phong trào đã tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa đồng bào các dân tộc, các cộng đồng dân cư, nổi bật như người dân thôn Cà Phê (xã Tân Lập) đã đóng góp tiền hỗ trợ cho thôn Ao Mít (xã Đồng Cốc) bên kia sông Lục Nam làm đường; nhiều hộ điều kiện kinh tế khá giả đã giúp các hộ nghèo, khó khăn đóng góp kinh phí làm đường… Tất cả đã tạo nên phong trào thi đua rộng lớn, sôi động khắp các xóm làng của Lục Ngạn.
Cùng với phát triển hạ tầng giao thông, Lục Ngạn còn đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng đô thị. Để phát triển đúng hướng, có chiến lược lâu dài và bảo đảm tính bền vững, Lục Ngạn xác định phải làm tốt công tác quy hoạch để có cơ sở triển khai thực hiện. Năm 2019, huyện đã quyết tâm hoàn thành và được UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung đô thị Chũ đến năm 2030, tầm nhìn 2050; đồng thời chủ động lập quy hoạch chi tiết đối với 8 dự án khu dân cư, đô thị.
Trong năm, đã triển khai thực hiện 8 dự án hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư, có 7/8 dự án hoàn thành với gần 300 lô đất đủ điều kiện đấu giá. Nhiều công trình công cộng được quan tâm đầu tư như: Quảng trường trung tâm huyện, lát vỉa hè và hệ thống thoát nước trên địa bàn thị trấn Chũ… Đã có hàng chục nhà đầu tư đến khảo sát, đề xuất chủ trương đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư mới trên địa bàn, đã được HĐND, UBND tỉnh chấp thuận, trong đó có dự án xây dựng đường vành đai thị trấn Chũ theo hình thức BT. Qua đó, diện mạo đô thị Chũ đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi, từng bước hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại 4.
Năm 2020 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục xác định đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển, xây dựng quê hương Lục Ngạn ngày càng giàu mạnh. Để làm được điều đó, huyện đề ra một số giải pháp chủ yếu.
(1) Tiếp tục tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của cấp trên, đặc biệt là nâng cấp quốc lộ 31, đường tỉnh 289 từ thị trấn Chũ đi Khuôn Thần, cầu nối đường tỉnh 289 với đường vành đai thị trấn Chũ…
(2) Tạo điều kiện, hỗ trợ nhà đầu tư về mọi mặt để đầu tư trên địa bàn như thực hiện dự án BT, dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí Khuôn Thần- Bắc Giang, các khu dân cư, khu đô thị…
(3) Chủ động triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư; xây dựng, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường huyện, xã; tiếp tục có cơ chế hỗ trợ nhân dân cứng hóa hơn 100 km đường giao thông nông thôn.
(4) Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận và tích cực tham gia.
(5) Có cơ chế khích lệ, động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Với việc đẩy mạnh phong trào, thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên, tin rằng đến năm 2025, hạ tầng giao thông, đô thị của huyện sẽ có bước phát triển vượt bậc, xây dựng Lục Ngạn trở thành trung tâm phát triển kinh tế phía Bắc của tỉnh Bắc Giang.
Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn