Lục Ngạn: Quan tâm đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ nghèo, cận nghèo.

Theo đó, huyện giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tổ chức thực hiện. Đây là nội dung thuộc tiểu dự án 3, dự án 5 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối tượng học viên là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 Giảng viên truyền đạt kiến thức sửa chữa máy nông nghiệp cho người dân thôn Cà Phê, xã Tân Lập (Lục Ngạn).

Giảng viên truyền đạt kiến thức sửa chữa máy nông nghiệp cho người dân thôn Cà Phê, xã Tân Lập (Lục Ngạn).

Tại thôn Cà Phê, xã Tân Lập, những ngày này đang diễn ra lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho 35 học viên (chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan). Lớp học diễn ra sôi nổi với sự giảng dạy, hướng dẫn của giáo viên thuộc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Phương Lan (Lục Nam).

Tham gia lớp học, ông Hà Văn Bảy (SN 1973, dân tộc Tày), được hướng dẫn cách nhận biết dấu hiệu hư hỏng của một số động cơ máy nông nghiệp; cách sửa chữa, khắc phục, vận hành bảo đảm an toàn, hiệu quả đối với một số thiết bị, máy móc như: Bình phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cưa, máy cắt cỏ, làm đất…

“Trước đây, mỗi khi công cụ lao động của gia đình bị hỏng, tôi phải mang ra trung tâm huyện sửa chữa, mất nhiều thời gian, chi phí. Tham gia khóa học, tôi được chỉ dẫn những kỹ năng rất hữu ích, có thể áp dụng vào sửa chữa, thay thế phụ tùng các thiết bị, máy móc bị hỏng tại nhà”, ông Bảy nói.

Theo ông Hoàng Văn Dũng, giảng viên lớp đào tạo nghề, với thời lượng học lý thuyết 64 giờ, thực hành 260 giờ và kiểm tra 6 giờ, học viên có thể vận dụng nhanh vào quá trình sản xuất của gia đình, đồng thời có thể hỗ trợ người dân trong vùng vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn đã phối hợp tổ chức 32 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 1 nghìn học viên. Trong đó, có 17 lớp với 559 học viên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 15 lớp với 497 học viên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi. Những ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia học gồm: May thời trang, chăn nuôi thú y, trồng trọt, điện dân dụng, sửa chữa cơ khí…

Đối với lớp đào tạo nghề điện dân dụng, trong thời gian 3 tháng, học viên được học tập về phương pháp sửa chữa lắp đặt hệ thống điện nội thất, điện sinh hoạt trong gia đình, phương pháp kiểm tra phát hiện hư hỏng và sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị điện dân dụng. Sau mỗi phần học lý thuyết là phần thực hành nghề trên hệ thống mô hình học cụ, các trang thiết bị điện dân dụng do cơ sở đào tạo nghề cung cấp.

Đối với nghề sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, thời gian đào tạo 2 tháng, học viên được tìm hiểu những kiến thức cơ bản như xác định thuốc tiêu độc - sát trùng; vắc-xin phòng bệnh, thuốc kháng sinh thông thường, thuốc tác động đến cơ thể vật nuôi, thuốc trị ký sinh trùng… và được thực hành trực tiếp trên vật nuôi.

Theo bà Vũ Thị Dự, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, vùng đồng bào DTTS có địa bàn khó khăn, xuất phát điểm thấp, trình độ sản xuất có hạn, thiếu vốn… là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo tại địa phương.

Việc tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Sau khóa học, nhiều người tự tạo việc làm, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình kinh tế vườn đồi và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Lớp học còn giúp nhiều hộ dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển dần từ phương thức canh tác truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Cũng theo bà Vũ Thị Dự, tham gia các lớp học, ngoài việc được hỗ trợ 100% học phí, học viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS còn được hỗ trợ 30 nghìn đồng/ngày. Đối với những học viên có khoảng cách từ nhà đến nơi tổ chức lớp học từ 15 km trở lên được hỗ trợ 200 nghìn đồng/khóa học.

Kết thúc khóa học, các học viên đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và chứng chỉ đào tạo nghề theo quy định. Qua đó, tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm và thu nhập ổn định, hoặc tự tạo lập cuộc sống. Đây cũng là một trong những yếu tố tích cực giúp người lao động vùng DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/luc-ngan-quan-tam-dao-tao-nghe-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-101859.bbg