Lục Ngạn: Tập trung khắc phục, ổn định sản xuất sau mưa lũ

Những ngày qua, nước sông Lục Nam đoạn qua địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã rút hết, không còn tình trạng ngập úng. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang khẩn trương hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp (DN) dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm ổn định đời sống sau lũ.

Nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó

Tại Lục Ngạn vài ngày qua đã có nắng, một trong những việc chính quyền, DN và người dân ưu tiên hàng đầu là bắt tay ngay vào dọn dẹp vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, nhà xưởng, vườn đồi, nơi công cộng... Không khí lao động rất khẩn trương với tinh thần nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó.

 Lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên thị trấn Chũ phun hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường.

Lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên thị trấn Chũ phun hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường.

Tại thị trấn Chũ, ngay sau khi nước rút, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang và các đoàn thể, thị trấn đã tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên phun hàng nghìn lít hóa chất tiêu độc, khử trùng ở những khu vực từng bị ngập nước. Các gia đình, khu dân cư đều tích cực thu gom rác thải, bùn, đất, cành, lá cây để phân loại mang đi xử lý.

 Công an xã Nam Dương hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Cảnh Nghiên, thôn Thủ Dương (cùng xã) thu dọn bùn đất sau lũ.

Công an xã Nam Dương hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Cảnh Nghiên, thôn Thủ Dương (cùng xã) thu dọn bùn đất sau lũ.

Tại xã Nam Dương, lũ về nhanh khiến nhiều nơi bị ngập sâu, bà con không kịp di chuyển tài sản, dẫn đến hỏng hóc hoặc bị cuốn trôi. Mặc dù các hộ đã dọn dẹp nhưng vẫn còn nhiều lớp bùn đất, rác thải, cành lá cây bám trên đường, trong nhà và sân vườn của nhiều hộ gia đình, công trình công cộng… Thậm chí xuất hiện mùi hôi bốc lên từ xác động, thực vật.

 Lớp bùn còn đọng lại trên các vật dụng làm mỳ của gia đình ông Nguyễn Cảnh Nghiên.

Lớp bùn còn đọng lại trên các vật dụng làm mỳ của gia đình ông Nguyễn Cảnh Nghiên.

Nước lũ tràn vào khiến gia đình ông Nguyễn Cảnh Nghiên, thôn Thủ Dương bị ngập đến lưng nhà, toàn bộ đồ dùng sinh hoạt, máy móc, dụng cụ, nguyên liệu sản xuất mỳ bị ngâm trong nước và bùn gây hư hỏng. Theo ông Nghiên, được sự hỗ trợ của các cán bộ, chiến sĩ đơn vị quân đội và Công an xã, gia đình đã tập trung bơm nước phun rửa, kê dọn, phơi hong, sửa chữa lại đồ đạc nhưng chưa thể khôi phục hoạt động sản xuất mỳ.

Anh Phí Văn Chung, thôn Cầu Mẽo (xã Nam Dương) cho biết: “Chỉ trong thời gian ngắn nước lũ ngập tới sát trần nhà, tôi chỉ kịp di chuyển một số vật dụng, còn lại nhiều đồ đạc khác bị cuốn trôi hoặc hỏng hóc. Họ hàng và các hộ trong thôn đã giúp đỡ tôi dọn dẹp đồ đạc, vệ sinh nhà cửa, sân vườn nhưng phải nhiều ngày nữa mới xong. Chúng tôi gặp khó khăn do chưa có nước sạch và điện để tẩy rửa các lớp bùn đất”.

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, từ ngày 10/9, địa phương huy động tối đa lực lượng tại chỗ và hiệp đồng với những đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, làm sạch đường, nhà cửa, cơ quan, trụ sở, nơi làm việc. Đợt ra quân sẽ hoàn thành trước ngày 15/9.

Huyện cũng chỉ đạo các DN, hợp tác xã, tổ vệ sinh trên địa bàn bố trí nhân lực, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải về các điểm tập kết của thôn, xã; tổ chức vận chuyển rác thải đến cơ sở xử lý khi bảo đảm các điều kiện về giao thông; rà soát, thu gom triệt để lượng rác thải phát sinh sau mưa bão, không để tồn lưu.

Đi đôi với công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, huyện chỉ đạo nắm chắc tình hình đời sống người dân, rà soát, tổ chức hỗ trợ kịp thời các hộ dân bị ảnh hưởng, không để hộ nào bị đói, bị rét. Tính đến hết ngày 13/9, các tuyến giao thông trên địa bàn đã thông suốt, đời sống người dân dần ổn định. Toàn bộ các trường đã đón học sinh trở lại. Công tác khắc phục hậu quả lụt bão vẫn tiếp tục được thực hiện khẩn trương.

Ngoài nguồn hóa chất dự phòng đã giao cho các xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện vừa cấp gần 200 lít hóa chất để các xã, thị trấn khử trùng, tiêu độc môi trường. Cùng đó, ngành Y tế quan tâm phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bố trí nhân lực, bảo đảm dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh.

Chú trọng bảo vệ, chăm sóc cây trồng

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ngập úng trên diện rộng và ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có hơn 2,2 nghìn ha cây ăn quả bị thiệt hại, trong đó có nhiều diện tích cam, bưởi, táo đang trong giai đoạn quả non bị gãy, đổ, rụng quả, ngập nước…

 Người dân tổ dân phố Mới, thị trấn Chũ tát nước ra khỏi vườn táo.

Người dân tổ dân phố Mới, thị trấn Chũ tát nước ra khỏi vườn táo.

Gia đình anh Thân Văn Thơ, thôn Nam Điện, xã Nam Dương bị thiệt hại gần 1 ha bưởi sắp cho thu hoạch, ước tính số bưởi bị rụng khoảng 10 nghìn quả. Tranh thủ lúc trời tạnh ráo, anh thu dọn quả rụng, cành cây bị đổ, gãy, khơi thông nước khu vực trũng và tập trung chăm sóc với hy vọng vụ sau sẽ bù đắp lại sản lượng. Bên cạnh đó, anh chú trọng chăm sóc vườn táo hơn 300 cây để cho thu hoạch vào dịp cuối năm.

 Anh Thân Văn Thơ thu dọn những quả bưởi bị rụng.

Anh Thân Văn Thơ thu dọn những quả bưởi bị rụng.

Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện khuyến cáo, với những diện tích bị ngập úng, người dân cần thực hiện ngay một số biện pháp như: Nước rút đến đâu tiến hành rửa sạch lá, thân cây đến đó, dọn dẹp các cành, quả bị giập vỡ, gãy, rụng. Chú ý khơi thông rãnh thoát nước, không để nước đọng trong vườn và xung quanh gốc gây úng cục bộ.

Hạn chế đi lại trong vườn tránh đất bị lèn chặt, gây thiếu oxy cho rễ cây. Dựng lại những cây bị đổ, nghiêng, cắm cọc giữ cây, hạn chế trường hợp cây bị lay động làm đứt rễ. Bà con quan tâm cắt bỏ những cành bị gãy, tỉa bớt cành, lá để tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Khi đất đã ráo, trời tạnh mưa tiến hành xới phá váng trên bề mặt tạo độ thông thoáng cho đất, cung cấp oxy cho rễ cây.

 Nông dân xã Tân Sơn cắt tỉa cành cây vải bị đổ.

Nông dân xã Tân Sơn cắt tỉa cành cây vải bị đổ.

Đối với vườn cây đang đậu quả non, cây đang nuôi quả, tiến hành phun bổ sung vi lượng, trung lượng như: Fe, Bo, Ca, Zn…, tránh hiện tượng nứt, rụng quả. Đối với các vườn bị long gốc tiến hành vun gốc, sau đó tưới thuốc trị nấm hoặc các chế phẩm kháng nấm để giúp cây phục hồi nhanh. Khi bộ rễ cây đã phục hồi thì bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá.

Anh Từ Văn Sảng, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn dựng lại vườn cam bị đổ.

Anh Từ Văn Sảng, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn dựng lại vườn cam bị đổ.

Sử dụng chế phẩm Trichoderma kết hợp với các dòng thuốc trừ nấm, bệnh pha tưới xung quanh rễ cây để kích thích rễ phát triển, giúp cây khỏe mạnh, tăng trưởng tốt. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh, đặc biệt là sự bùng phát của sâu, bệnh hại như: Vàng lá thối rễ, sương mai, loét sẹo… để phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/luc-ngan-tap-trung-khac-phuc-on-dinh-san-xuat-sau-mua-lu-154247.bbg