Lục Yên dạy học tiếng Việt cho trên 1.780 học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1
Từ ngày 12/8, trên 1.780 trẻ em là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Yên đã được đến trường để học tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Thực hiện Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1, từ ngày 12/8, trên 1.780 trẻ em là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Yên đã được đến trường tiểu học để làm quen với trường lớp và học các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Trẻ em là người dân tộc thiểu số đang trong giai đoạn chuẩn bị vào lớp 1 và đủ tuổi vào học lớp 1 sẽ được đến trường tiểu học để học về các nội dung: chuẩn bị tâm thế vào lớp đầu cấp phổ thôngt; hình thành kỹ năng học tập cơ bản; hình thành và phát triển các năng lực nghe, nói, đọc, viết.
Các nội dung này được sắp xếp theo trình tự khoa học, tương ứng với 20 bài học, thể hiện qua các chủ đề, chủ điểm gần gũi và phù hợp với trẻ theo định hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất người học.
Việc tổ chức dạy tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm rút ngắn khoảng cách khi trẻ mầm non lên học phổ thông, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tạo hứng thú, chủ động trong học tập, hình thành một số kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ em là người dân tộc thiểu số.
Để đáp ứng yêu cầu dạy và học, trước đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cũng đã tổ chức tập huấn cho trên 150 cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học hướng dẫn dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số vào lớp 1, năm học 2024 - 2025.
Nhiêu năm qua, các địa phương vùng cao Yên Bái đã có nhiều nỗ lực dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm khắc phục khó khăn trực tiếp, rào cản lớn nhất của sự hình thành kỹ năng sử dụng tiếng Việt do việc giao tiếp của các em trong gia đình và cộng đồng chủ yếu bằng tiếng dân tộc mình. Cùng đó, những hạn chế trong việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của giáo viên do bất tiện bởi đặc thù vùng cao, thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiếu về đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non… cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức nội dung giáo dục, trong đó có việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.