Lùi tiến độ khởi công cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng
Ngày 4/4, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho hay, BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng vừa có Văn bản số 569/BDDCN-KH (ngày 30/3) báo cáo UBND TP Đà Nẵng về việc lùi tiến độ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng đến ngày 19/5/2021.
Trước đó, ngày 19/3/2021, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng có Văn bản số 1206/HĐND-ĐT đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, lựa chọn nhà thầu để khởi công dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng đúng vào dịp 30/4/2021. Đồng thời nghiên cứu phương án quy hoạch Quảng trường trung tâm TP đảm bảo khớp nối hài hòa về không gian, kiến trúc, cảnh quan với công trình Bảo tàng TP.
Ngày 25/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh có Văn bản 1686/UBND-ĐTĐT yêu cầu Sở Văn hóa – Thể thao (chủ đầu tư), BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng (quản lý dự án) tập trung hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, tổ chức lựa chọn nhà thầu để kịp thời khởi công dự án vào dịp 30/4/2021 theo yêu cầu nêu trên của Thường trực HĐND TP. Trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền thì đề xuất UBND TP xem xét, xử lý.
Tại báo cáo số 569/BDDCN-KH ngày 30/3 gửi UBND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho biết không thể khởi công dự án kịp vào ngày 30/4, và đề xuất cho phép gia hạn tiến độ khởi công đến ngày 19/5/2021.
Theo ông Nguyễn Hữu Hinh, công trình cải tảo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng là công trình được cải tạo từ tòa nhà 42, 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú. Đây là tòa nhà cũ, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, để cải tạo thành Bảo tàng xứng tầm thế giới thì tư vấn thiết kế là Công ty StudioMilou Singapore Pte., Ltd (Singapore) và các đơn vị liên danh phải chỉnh sửa hồ sơ thiết kế nhiều lần cho phù hợp theo ý kiến của đơn vị thẩm tra và thẩm định.
Đồng thời trong quá trình thực hiện, UBND TP Đà Nẵng có Công văn 117/UBND-ĐTĐT ngày 11/01/2021 giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND TP về đề nghị của Thường trực HĐND TP liên quan đến việc quản lý, sử dụng hội trường số 42 Bạch Đằng.
Sau khi tổ chức họp lấy ý kiến các đơn vị liên quan, Sở Xây dựng Đà Nẵng có Công văn 1217/SXD-QLXD ngày 25/2 gửi UBND TP. Đến ngày 19/3, Thường trực HĐND TP có Công văn 206/HĐND-TT thống nhất các nội dung cần điều chỉnh. Đến ngày 26/3, đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế dự toán và gửi lại Sở Xây dựng. Dự kiến ngày 30/3 Sở Xây dựng có báo cáo thẩm định trình UBND TP phê duyệt hồ sơ thiết kế dự án.
“Vì những lý do đó, BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng đề xuất UBND TP cho phép gia hạn tiến độ khởi công dự án đến ngày 19/5/2021. Thời gian thực hiện dự án là 600 ngày, dự kiến hoàn thành vào ngày 09/01/2023!” – Ông Nguyễn Hữu Hinh cho hay.
Trước đó, ngày 11/5/2020, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định 1667/QĐ-UBND phê duyệt tổng mức đầu tư 504,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP cho dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng (quận Hải Châu) để làm Bảo tàng Đà Nẵng. Đơn vị tư vấn thiết kế là Liên danh Công ty StudioMilou Singapore Pte., Ltd, Công ty TNHH Tư vấn và Thiết kế TAD và Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây đựng DANAFAST.
Theo phê duyệt ban đầu, dự án được thực hiện theo 2 giai đoạn trên tổng diện tích đất quy hoạch 8.686m2. Tuy nhiên ngày 25/5/2020, UBND TP Đà Nẵng có Công văn 3343/UBND-BQL chấp thuận chủ trương cho phép gộp 2 giai đoạn của dự án thành 1.
Theo ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, sau khi cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng sẽ tiến hành di dời về đây các cơ sở vật chất và hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng hiện nằm trong vùng lõi của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, không phù hợp theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Khi dời về số 42 Bạch Đằng, Bảo tàng Đà Nẵng cũng sẽ mở rộng quy mô trưng bày, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất là nơi sưu tầm, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhằm góp phần giáo dục và phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân TP và du khách.